“Kỳ án vườn mít” ở Bình Phước: Trắng án sau 2 lần bị tuyên án tử hình

congly.com.vn| 13/04/2012 10:54
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau gần 7 năm bị giam giữ và 2 lần bị tuyên tử hình, sáng ngày 24-5-2011, TAND tỉnh Bình Phước đã tuyên bố Lê Bá Mai (29 tuổi quê Như Thanh, Thanh Hóa) bị VKSND tỉnh Bình Phước cáo buộc dùng vũ lực giao cấu với trẻ em rồi giết chết nạn nhân tại khu vực vườn mít thuộc trang trại của ông Dương Bá Tuân, ở ấp 2, xã An Khương, huyện Hớn Quản (trước đây là huyện Bình Long) vô tội và trả t�

Lê Bá Mai vui sướng đoàn tụ với gia đình

Quá nhiều sai sót

Cuối năm 2004, người dân phát hiện một xác chết trong khu vườn mít ở huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước. Nạn nhân được xác định là Út (11 tuổi, dân tộc S’Tiêng) chết được khoảng 5 ngày. Từ lời khai của nhân chứng Hằng (9 tuổi), Lê Bá Mai bị bắt giam ngay sau đó.

Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Bình Phước, Lê Bá Mai là người làm thuê cho trang trại của ông Tuân. Sáng 12-11-2004, trong lúc đang rải phân cho cây, Mai phát hiện thấy Út cùng Hằng (cùng ngụ ở xã An Khương) đang đi mót củ sắn cách chỗ Mai khoảng 50m. Thấy vậy Mai dùng xe gắn máy đến rủ riêng Út đi nơi khác. Đến khu vườn mít có trồng xen cây mì cách nơi Út mót củ sắn khoảng 80m thực hiện hành vi “đồi bại”. Sau đó, Mai dùng quần của Út thắt cổ nạn nhân cho đến chết rồi quay về chòi tắm rửa, ăn cơm. Còn Hằng thấy Út lên xe đi cùng Mai thì có dùng xe đuổi theo nhưng không kịp nên về nhà báo cho người thân biết là Út đi cùng với Mai.

Ngày 16-3-2005, TAND tỉnh Bình Phước xử sơ thẩm, tuyên tử hình Mai về hai tội “Hiếp dâm trẻ em” và “Giết người”. Tháng 8-2005, Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Tp. Hồ Chí Minh xử phúc thẩm vụ án và tuyên y án sơ thẩm tử hình Lê Bá Mai.

Mai không làm đơn xin ân giảm mà liên tục kêu oan với lý do: Nhân chứng Hằng khai không đúng sự thật, bị cáo bị Công an đánh đập, ép cung nên mới nhận tội. Cuối năm 2006, Viện trưởng VKSNDTC đã ra kháng nghị giám đốc thẩm vụ án do có quá nhiều vi phạm tố tụng. Theo VKSNDTC, những lời khai của các nhân chứng: Hằng, Điểu Ky (là cha ruột của Hằng), Điểu Cẩn (là người nhà của nạn nhân Thị Út) trước sau không thống nhất, mâu thuẫn nhau và mâu thuẫn với các tình tiết trong hồ sơ vụ án. Ngay cả lời nhận tội của Lê Bá Mai cũng có nhiều mâu thuẫn và không phù hợp với diễn biến của vụ án, các chứng cứ khác.

Đặc biệt, biên bản khám nghiệm hiện trường và phiếu nhập kho tang chứng không thống nhất với nhau về một số tang vật như: đôi dép, chiếc quần. Đặc biệt, vật chứng quan trọng nhất của vụ án là bốn cọng tóc tại hiện trường đã không được Cơ quan điều tra thu giữ.

Mặt khác, biên bản hiện trường ghi thu giữ “một đôi dép lào và chiếc quần quấn quanh cổ nạn nhân” nhưng lệnh nhập kho lại ghi “một đôi dép nhựa màu xanh và một cái quần màu trắng đục đã cũ”; còn phiếu nhập kho tang chứng lại ghi “một đôi dép màu trắng đã cũ”…

Tuyên không phạm tội…

Ngày 22-5-2007, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ra quyết định hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại. Sau gần 1 năm tiến hành điều tra lại, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Phước đã thừa nhận có vi phạm trong hoạt động điều tra như lời khai của bị can, nhân chứng có mâu thuẫn chưa được giải quyết; việc thu giữ, xử lý, nhập kho vật chứng không đúng quy định…

Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng những mâu thuẫn, sai sót xảy ra đã lâu nên không thể giải quyết triệt để được nên vẫn đề nghị truy tố Lê Bá Mai phạm tội "Giết người" và "Hiếp dâm trẻ em".

Sau khi nhận được bản kết luận điều tra lại, VKSND tỉnh Bình Phước đã trả hồ sơ, yêu cầu cơ quan CSĐT tiếp tục làm rõ hơn “một số chứng cứ như trong bản án giám đốc thẩm của TANDTC đề nghị”. Mặc dù những yêu cầu này không được làm rõ nhưng ngày 24-7-2009 VKSND tỉnh Bình Phước vẫn ra cáo trạng truy tố Lê Bá Mai phạm hai tội “Giết người” và “Hiếp dâm trẻ em”, như kết quả điều tra trước đó.

Ngày 13-7-2010, TAND tỉnh Bình Phước đã mở lại phiên tòa sơ thẩm (lần 2), mặc dù VKSND tỉnh tại phiên tòa đã đề nghị HĐXX tuyên tử hình Lê Bá Mai nhưng với nhiều tình tiết chưa được làm sáng tỏ, HĐXX đã tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Cuối năm 2010, VKSND tỉnh Bình Phước đã có văn bản gửi cho TAND cùng cấp cho rằng “Kết quả điều tra bổ sung không làm thay đổi nội dung vụ án nên giữ quan điểm truy tố đối với Lê Bá Mai như bản cáo trạng trước đó”.

Tại bản án hình sự sơ thẩm được tuyên sáng 24-5-2011, HĐXX đã nhận định những chứng cứ, lập luận buộc tội bị cáo Mai của VKSND tỉnh Bình Phước chưa vững chắc, thiếu thuyết phục; nhiều vấn đề mấu chốt của vụ án chưa được làm rõ… Trên cơ sở đó, HĐXX cấp sơ thẩm đã tuyên bố bị cáo Lê Bá Mai không phạm tội.

Vậy là sau hơn 2.000 ngày ở tù, Lê Bá Mai đã được tự do; vụ “kỳ án vườn mít” gây xôn sao dư luận, gây tranh cãi trong các cơ quan tố tụng tạm khép lại. Tuy nhiên, sự thật khách quan của vụ án, kẻ thủ ác là ai vẫn là câu hỏi lớn đối với người dân và các cơ quan tố tụng Bình Phước.

Văn Vũ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Kỳ án vườn mít” ở Bình Phước: Trắng án sau 2 lần bị tuyên án tử hình