Không có khả năng chi trả, Huyền Như vẫn lừa vay hàng ngàn tỷ

Văn Vũ| 25/12/2014 16:37
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Dùng thủ đoạn “vay nợ mới trả nợ cũ”, dù biết không có khả năng chi trả nhưng trước những khoản “tiền lót tay”, mức lãi suất vượt trần hấp dẫn, Huyền Như đã dẫn dụ nhiều đơn vị tham gia gửi tiền và dễ dàng chiếm đoạt…

Sáng nay 25/12, phiên tòa xét xử phúc thẩm “đại án” Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm tiếp tục phần tranh luận.

Bảo vệ quyền lợi cho cho NaviBank, luật sư Trương Thanh Đức tập trung phân tích những vi phạm tố tụng của bản án sơ thẩm liên quan đến quyền lợi của NaviBank; về xác định sai tư cách tham gia tố tụng của NaviBank; về xác định sai việc gửi tiền của 4 nhân viên NaviBank; về xác định sai nguyên nhân dẫn đến việc tiền gửi bị chiếm đoạt; về xác định sai trách nhiệm hoàn trả tiền gửi cho 4 nhân viên NaviBank; về xác định một số điểm sai lầm khác liên quan đến quyền lợi của NaviBank; về Kết luận của đại diện VKS tại phiên tòa phúc thẩm và kiến nghị.

Đại diện 4 nhân viên NaviBank bổ sung một số ý kiến về sự quản lý tài khoản, nhân viên NaviBank chỉ gửi tiền có kỳ hạn chứ không phải gửi tiết kiệm; về nhân viên cho thuê, cho mượn tài khoản; về khoản tiền bị chiếm đoạt; về tất toán các khoản vay; về quan điểm đánh giá khác nhau của đại diện VKS; về việc đề nghị làm rõ số tiền mà Huyền Như chiếm đoạt; số dư trong tài khoản của 4 nhân viên NaviBank tại VietinBank.

Luật sư Giã Hoàng Nhựt bảo vệ cho bà Giã Thị Mai Hiên nêu lại phần kháng cáo của bà Hiên là đề nghị giám định hợp đồng ủy thác giữa Chi nhánh VietinBank Tp. Hồ Chí Minh và bà Hiên. Luật sư Nhựt cho rằng, hợp đồng này được ký kết một cách hợp pháp. Mặc dù, tại phiên tòa sơ thẩm luật đã đề nghị nhưng không được chấp nhận. Do đó, luật sư Nhựt đề nghị HĐXX xem xét, làm rõ tính pháp lý đối với hợp đồng này. 

Bảo vệ Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu, luật sư Đặng Ngọc Châu đồng ý với quan điểm của đại diện VKS về nhận định đối với các giao dịch giữa Công ty Toàn Cầu và VietinBank. Luật sư Châu cho rằng, hợp đồng ủy thác chỉ nhận đúng lãi suất, không có ai nhận lãi suất chênh lệch.

Sau khi đưa các chứng cứ và căn cứ pháp lý, luật sư Châu đề nghị HĐXX sửa bản án sơ thẩm xác định lại các quan hệ pháp luật như kết luận của đại diện VKS. Đại diện Công ty Hoàn Cầu thống nhất quan điểm của luật sư.

Tương tự, bảo vệ cho Công ty Hưng Yên, luật sư Nguyễn Duy Dụ, luật sư Phạm Thanh Tín hoàn toàn thống nhất quan điểm của đại diện VKS về phần nhận định đối Công ty Hưng Yên.

Sau khi nêu luận điểm, cơ sở pháp lý, các luật sư đề nghị HĐXX chấp nhận quan điểm của đại diện VKS, hủy một phần bản án về hành vi chiếm đoạt tài sản của Công ty Hưng Yên đối với bị cáo Huyền Như theo hướng kết luận của đại diện VKS. Đại diện Công ty Hưng Yên đồng ý quan điểm của luật sư.

Đại diện cho Ngân hàng VIB nhắc lại nội dung kháng cáo và đề nghị HĐXX không sung công quỹ số tiền có nguồn gốc rõ ràng.

Không có khả năng chi trả, Huyền Như vẫn lừa vay hàng ngàn tỷ

Bị cáo Võ Anh Tuấn tại Tòa

Mở đầu lời bào chữa cho bị cáo Võ Anh Tuấn, luật sư Phan Trung Hoài cảm ơn việc đại diện VKS đã đề nghị với HĐXX không chấp nhận kháng nghị của VKSND Tp. Hồ Chí Minh về việc tăng mức án đối với bị cáo Võ Anh Tuấn.

Theo luật sư Hoài, bản chất hành vi của Võ Anh Tuấn liên đới đến hành vi của Huỳnh Thị Huyền Như chỉ thể hiện ở mức độ giới hạn “biết việc làm sai trái của Huyền Như nhưng không ngăn cản để mặc” cho thấy chứng cứ kết luận Võ Anh Tuấn đồng phạm lừa đảo là còn yếu, không thể hiện vai trò, hành vi đồng phạm gì.

Sau khi đưa ra các luận điểm và căn cứ pháp lý, luật sư Hoài đề nghị HĐXX xem xét chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Võ Anh Tuấn xin giảm nhẹ hình phạt, xem xét lại phần trách nhiệm dân sự và bác yêu cầu tăng hình phạt theo kháng nghị của VKS Tp. Hồ Chí Minh.

Bị cáo Võ Anh Tuấn thống nhất với ý kiến luật sư. Đồng thời bị cáo Tuấn còn trình thêm về 10 giấy xác nhận đã tất toán, chỉ để lưu hồ sơ, lúc này hành vi chiếm đoạt của Như hoàn thành và đề nghị HĐXX xem xét tính xác thực đối với lời khai của các Công ty Hưng Yên, Phúc Vinh và Thịnh Phát.

Bào chữa cho Đào Thị Tuyết Dung, luật sư Trịnh Bá Thân cho rằng, vì mối quan hệ làm ăn và quá tin tưởng Huyền Như, Tuyết Dung đã nhận lời đứng tên trên hợp đồng vay. Việc đứng tên vay này, bị cáo Dung không hề có tư lợi như nhận định của đại diện VKS. Do đó, việc đại diện VKS chấp nhận kháng nghị của VKSND Tp. Hồ Chí Minh tăng mức hình phạt đối với bị Dung là không công bằng cho bị cáo Dung trong nhóm giúp sức.

Không có khả năng chi trả, Huyền Như vẫn lừa vay hàng ngàn tỷ

Bị cáo Tuyết Dung (ngồi giữa) bị kháng nghị tăng mức hình phạt

Luật sư Thân cho rằng, bản án sơ thẩm đã cá thể hóa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Dung trong số 3/12 người giúp sức bị chịu trách nhiệm hình sự là đúng pháp luật. Bản thân bị cáo Dung không hề có động cơ tư lợi và cũng có lỗi một phần của VIB đã cả nể Như nên không kiểm tra đúng theo trình tự thủ tục vay. Do đó, luật sư Thân đề nghị HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Bị cáo Đào Thị Tuyết Dung không có ý kiến thêm, đồng ý với ý kiến luật sư.

Mặc dù không có kháng cáo nhưng trong kết luận của đại diện VKS có thay đổi quan điểm về tội danh đối với bị cáo Như nên HĐXX đề nghị luật sư bào chữa cho Huyền Như tranh luận.

Luật sư Nguyễn Văn Ngoan, bào chữa cho bị cáo Như cho rằng, việc đại diện VKS đề nghị hủy và chuyển hành vi lừa đảo đối với 5 công ty sang hành vi tham ô là không có căn cứ.

Luật sư cho rằng, bị cáo Như không kháng cáo, VKS kháng nghị. Bản án sơ thẩm đã có hiệu lực đối phần bị cáo Như. Việc đề nghị hủy và chuyển tội danh đối với bị cáo Như về hành vi lừa đảo 5 công ty của đại diện VKS là bất lợi cho bị cáo. Mặt khác, số tiền Như chiếm đoạt không phải tài sản do Như quản lý.

Trong phần bào chữa, luật sư Ngoan tập trung phân tích về ý thức chiếm đoạt, về phương thức thủ đoạn thực hiện hành vi; về nguyên nhân, điều kiện phạm tội; về quản lý tài sản và vai trò kiểm soát viên…

Theo luật sư Ngoan, bị cáo Như đã có ý thức chiếm đoạt tiền của 5 công ty từ trước khi tiền chuyển vào tài khoản của họ mở theo chỉ dẫn của Như. Và Như chỉ lấy số tiền của các đơn vị  đã có thỏa thuận với mình. Bản thân Như dùng thủ đoạn vay nợ mới trả nợ cũ, dù biết không có khả năng chi trả. Điều đó cho thấy ý thức gian dối trước khi thực hiện các giao dịch. Bên cạnh đó, Như đã chuẩn bị từ việc làm con dấu giả của Chi nhánh VietinBank Nhà Bè, Chi nhánh VietinBank Tp. Hồ Chí Minh khi giao dịch có hành vi gian dối, xưng danh là nhân viên của Chi nhánh VietinBank Nhà Bè để ký hợp đồng giả…

Sau khi đưa ra lập luận và căn cứ pháp lý, luật sư Ngoan khẳng định rằng, Như không phải là người có chức vụ, quyền hạn và quản lý tài sản đối với số tiền đã chiếm đoạt. Do đó, luật sư Ngoan đề nghị HĐXX không chấp nhận ý kiến của đại diện VKS về việc thay đổi tội danh đối với bị cáo Như và giữ nguyên án sơ thẩm đã tuyên đối với bị cáo. Bị cáo Như thống nhất với quan điểm với luật sư.

Chiều nay 25/12, phiên tòa tiếp tục phần tranh luận.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không có khả năng chi trả, Huyền Như vẫn lừa vay hàng ngàn tỷ