Gã tây đen và chiêu trò lừa đảo

An Dương| 21/03/2016 13:21
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thủ đoạn của bị cáo từng được bọn tội phạm nước ngoài áp dụng nhiều năm trước đây, đó là đánh vào lòng tham và sự nhẹ dạ cả tin của bị hại.

Ngày 21/3/2016, TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm bị cáo Mbouwe Ebubu (SN 1974, tại Nam Phi) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo hồ sơ vụ án, khoảng đầu năm 2014, chị Nguyễn Trần Khánh Vân (ngụ Thủ Đức, TP.HCM) quen qua mạng một người tên Alex Hopeson (SN 1976, quốc tịch Mỹ). Ngày 12/3/2014, Alex Hopeson báo cho chị Vân biết sẽ gửi một két sắt bên trong có 32.000 đô la Mỹ và nhờ chị giữ giúp. Sau đó, chị Vân nhận được điện thoại của một người phụ nữ tên Farah xưng là đại diện của công ty vận chuyển hàng đề nghị chị gửi tiền vào số tài khoản được yêu cầu.

Gã tây đen và chiêu trò lừa đảo

Áp giải bị cáo về trại giam

Để chắc chắn, chị Vân liên lạc với Alex Hopeson thì được yêu cầu nộp tiền khi nào nhận được hàng sẽ trừ tiền. Theo đó, từ 14/3/2014 đến 19/3/2014 chị Vân đã chuyển 5 lần tiền với tổng trị giá 231 triệu đồng vào tài khoản ở Ngân hàng Việt Nam theo yêu cầu của bọn chúng.

Tối 20/3/2014, Douglas Jame đến tận nhà chị Vân giao cho chị 1 valy nói là Alex Hopeson gửi, bên trong valy có một két sắt. Douglas Jame mở két sắt ra thấy bên trong chứa nhiều xấp giấy màu xanh. Douglas Jame lấy 4 tờ giấy màu xanh và cho vào bình nhựa có dung dịch. Sau khi ngâm 3 phút, 4 tờ giấy màu xanh này trở thành 4 tờ tiền loại mệnh giá 100 USD.

Sau đó, Douglas Jame đưa cho chị Vân tờ giấy hướng dẫn xử lý các xếp giấy màu xanh bằng tiếng Anh. Chị Vân xem xong, Douglas Jame lấy lại tờ giấy, bình nhựa và 400 USD  rồi ra về.

Ngày 21/3/2014, khi chị Vân gọi điện, Douglas Jame cho biết các xếp giấy màu xanh đó là tiền USD, nhưng phải xử lý qua hóa chất.

Nhận thấy có dấu hiệu bị lừa đảo, ngày 23/3/2014 chị Vân trình báo với cơ quan Công an. Ngày 24/3/2014, Công an quận Thủ Đức bắt quả tang Douglas Jame khi y đang nhận 55 triệu đồng tiền mua hóa chất từ chị Vân. Douglas Jame khai nhận mình tên là Mbouwe Ebubu, nhập cảnh vào Việt Nam qua đường Campuchia từ tháng 7/2013.

Bản án sơ thẩm của TAND TP. HCM tuyên phạt Mbouwe Ebubu 7 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Mbouwe Ebubu kháng cáo cho rằng y không phạm tội.

Tại phiên tòa phúc thẩm, Mbouwe Ebubu cho rằng bị cáo không biết  Alex Hopeson là ai. Bị cáo đến Việt Nam nhưng không có tiền, phải sống lang thang, ngủ vỉa hè và cũng chỉ là nạn nhân của bọn lừa đảo ở nước ngoài. Tuy nhiên, qua xem xét các chứng cứ, HĐXX nhận định đủ cơ sở kết luận bị cáo Mbouwe Ebubu là người thực hiện hành vi gian dối, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của chị Vân. Để răn đe và phòng ngừa tội phạm, HĐXX tuyên bác kháng cáo, giữ nguyên hình phạt 7 năm tù đối với Mbouwe Ebubu.  

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gã tây đen và chiêu trò lừa đảo