Phạm Công Danh bị quy kết phạm tội như thế nào?

An Dương| 09/01/2018 14:09
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 9/1, phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm về tội “Cố ý làm trái quy định quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” tiếp tục ngày làm việc thứ hai.

Trong phiên tòa hôm nay, vị đại diện VKSND Tp. Hồ Chí Minh đã công bố bản cáo trạng truy tố 46 bị cáo. Bản cáo trạng kết luận: Năm 2013 và 2014, Phạm Công Danh cần có tiền để sử dụng, nhưng không thể vay được trực tiếp tại Ngân hàng thương mại cổ phần xây dựng Việt Nam (VNCB, nay là CB) nên Phạm Công Danh chỉ đạo nhân viên ngân hàng VNCB và nhân viên thuộc Tập đoàn Thiên Thanh sử dụng 29 lượt công ty do Danh thành lập hoặc mượn pháp nhân, lập 29 hồ sơ khống đứng tên các công ty đó vay vốn tại các ngân hàng.

Có 3 ngân hàng được Danh và các đồng phạm vay vốn gồm Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn – Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TP Bank),  Ngân hàng Thương mại cổ phần và đầu tư Việt Nam (BIDV). Danh và đồng phạm dùng tiền của VNCB gửi sang 3 ngân hàng trên để cầm cố, bảo lãnh cho các khoản vay, sau đó, bị 03 ngân hàng trên thu hồi nợ từ tiền gửi của VNCB, với tổng số tiền là 6.126 tỷ đồng (Sacombank là 1.835 tỷ đồng; TPBank là 1.740 tỷ đồng và BIDV là 2.550 tỷ đồng). Toàn bộ số tiền các công ty vay được từ 3 ngân hàng được Phạm Công Danh chỉ đạo sử dụng cho các mục đích của Danh.

Do các Công ty này làm hồ sơ vay khống, không thực hiện kinh doanh theo phương án đã cam kết trong hợp đồng tín dụng nên không có tiền trả nợ. VNCB thực hiện việc bảo lãnh nhưng không yêu cầu cầm cố, thế chấp tài sản nên không thu hồi được tiền bảo lãnh từ các công ty đó dẫn đến ngân hàng VNCB bị thiệt hại 6.126 tỷ đồng. Hành vi nêu trên của Phạm Công Danh và các đồng phạm đã phạm vào tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 165 BLHS.

Phạm Công Danh bị quy kết phạm tội như thế nào?

Bị cáo Phạm Công Danh

Cáo trạng xác định Phạm Công Danh với tư cách là Chủ tịch HĐQT VNCB đã đề ra chủ trương nêu trên và chỉ đạo lập khống hồ sơ vay gửi 6.630 tỷ đồng của VNCB sang gửi tại 3 ngân hàng Sacombank, TPBank và BIDV. Danh dùng tiền gửi trên để cầm cố bảo lãnh, trả nợ thay cho các công ty vay tiền tại 3 ngân hàng đó lấy tiền cho Danh sử dụng.

Cáo trạng quy kết: Hành vi trên của Danh vi phạm các quy định của Thông tư số 01/2013/TT-NHNN ngày 07/01/2013 sửa đồi bồ sung một sổ điều của Thông tư số 21/2012/TT-NHNN ngày 18/6/2012 của Thống đốc NHNN qui định về hoạt động cho vay, đi vay, mua bán có kỳ hạn giấy tờ có giá giữa các tổ chức tín dụng... quy định: “Tổ chức tín dụng không được thực hiện các hoạt động gửi tiền, nhận tiền gửi tại tổ chức tín dụng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực”.

Phạm Công Danh chỉ đạo việc sử dụng các Công ty vay vốn do Danh thành lập và điều hành; Danh là Chủ tịch HĐQT VNCB nên không thuộc đối tượng được vay vốn tại VNCB và cũng không thuộc đối tượng được VNCB cấp tín dụng. Thế nhưng, bị cáo cố tình chỉ đạo việc ban hành và triển khai thực hiện Nghị quyết về việc dùng tiền của VNCB gửi liên ngân hàng với Sacombank, TPBank và BIDV. Sau đó, dùng tiền gửi này để cầm cố, bảo lãnh cho chính các Công ty của Danh vay vốn. Cáo trạng quy kết: “Hành vi đó của Phạm Công Danh đã vi phạm qui định tại khoản 18, Điều 4 và khoản 1, Điều 126 của Luật các tổ chức tín dụng năm 2010.”

Phạm Công Danh là người chỉ đạo việc cấp bảo lãnh cho các công ty của Danh vay tiền nhưng không có tài sản đảm bảo là vi phạm các quy định của Nghị định số 163 ngày 29/12/2006 cùa Chính phủ về giao dịch bảo đảm và Thông tư số 28 ngày 03/10/2012 của Ngân hàng Nhà nước về bảo lãnh ngân hàng.

Phạm Công Danh là người tổ chức việc phát hành, ra thông báo về bán trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Trung Dung khi chưa có Báo cáo tài chính được kiểm toán có lãi năm 2012 và chưa có văn bản phê duyệt của cấp có thẩm quyền là trái với quy định tại các Điều 13, 14, 16 Nghị định số 90/NĐ-CP ngày 14/10/2011 của Chính phủ về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Bị cáo Phạm Công Danh là người chỉ đạo việc dùng tiền gửi của VNCB bảo lãnh cho các Công ty vay vốn tại các ngân hàng nhưng không hạch toán ghi nợ cho bên được bảo lãnh và không yêu cầu bên được bảo lãnh hoàn trả ngay trong ngày số tiền gửi và VNCB đã phải tất toán trước hạn để trả nợ thay cho các công ty. Hành vi đó không phản ánh đúng nghiệp vụ tài chính phát sinh, bị pháp luật nghiêm cấm.

Cáo trạng nhận định các hành vi vi phạm pháp luật của Phạm Công Danh nêu trên dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là đến nay VNCB bị thiệt hại số tiền 6.126 tỷ đồng. Hành vi của bị cáo phạm vào tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Phạm Công Danh phải chịu trách nhiệm hình sự toàn bộ số tiền nêu trên.

Người làm chứng vắng mặt sẽ bị dẫn giải:

Trong vụ án, ông Trần Bắc Hà - nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV được Tòa triệu tập với tư cách “người làm chứng”. Tuy nhiên đến sáng nay, ông Hà vẫn vắng mặt. Một số người khác như ông Đoàn Ánh Sáng, Phó Tổng giám đốc BIDV,  Trần Lục Lang (nguyên phó Tổng giám đốc BIDV) cũng được triệu tập đến tòa nhưng vắng mặt. Trước đó, đại diện viện kiểm sát đã đề nghị HĐXX phải triệu tập ba người trên bởi họ là những người có vai trò rất quan trọng trong vụ án. Họ cần có mặt tại phiên tòa để làm rõ việc Phạm Công Danh có vay tiền tại BIDV.

Phạm Công Danh bị quy kết phạm tội như thế nào?

Ông Trần Bắc Hà tiếp tục vắng mặt trong phiên tòa sáng nay

Trao đổi với Công lý, luật sư Trần Hải Đức (Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh) cho biết: Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, tòa có quyền triệu người làm chứng tham gia phiên tòa để làm sáng tỏ những tình tiết của vụ án. Trường hợp các ông Hà, ông Lang và ông Sáng đã được tòa án triệu tập nhưng cố ý vắng mặt, việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc xét xử thì HĐXX có thể quyết định dẫn giải theo quy định của pháp luật.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phạm Công Danh bị quy kết phạm tội như thế nào?