Những vụ án khó và phức tạp nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam (kỳ 8)

Trung Hoàng| 07/06/2014 11:22
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nguyên đơn của vụ án có “một không hai” này là ông Nguyễn Ngọc Nga (1954) thuộc khối phố An Hà Nam, phường An Phú, TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam kiện gia đình ông Nguyễn Mân (SN1924) về việc tranh chấp … “cây dương liễu” gần nhà.

KỲ 8: TÒA “KHAI QUẬT" GỐC CÂY DƯƠNG LIỄU ĐỂ TÌM NGƯỜI THẮNG KIỆN

Tòa tuyên buộc người thua kiện phải trả lại số tiền trị giá của cây dương liễu đã chặt cho chủ của nó. Đến nay cây dương liễu đã mục, án đã có hiệu lực sau vụ kiện kéo dài đến 4 năm, nhưng người thắng kiện chẳng lấy tiền được vì vợ chồng người thua kiện đã già nua. Để xác định chủ thật của cây dương liễu, tòa phải tiến hành “khai quật” gốc của nó lên trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương lẫn người dân hiếu kỳ.

Những vụ án khó và phức tạp nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam (kỳ 8)

Ông Nga chỉ khúc cây dương liễu bị đốn

Kỳ án cây dương liễu

Nguyên đơn của vụ án có “một không hai” này là ông Nguyễn Ngọc Nga (1954) thuộc khối phố An Hà Nam, phường An Phú, TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam kiện gia đình ông Nguyễn Mân (SN1924) về việc tranh chấp … “cây dương liễu” gần nhà.

Trong đơn gửi lên TAND TP. Tam Kỳ, ông Nga có trình bày về việc năm 1976 vợ chồng ông trồng rất nhiều cây dương liễu xung quanh nhà. Qua thời gian có nhiều cây bị chết, ông đốn làm củi dần chỉ còn một cây lớn thẳng tắp cách nhà ông vài bước chân. Ngày 20/1/2009 vợ chồng ông kêu ông Ngô Sơn đến bán cây dương liễu này lấy tiền. Bất ngờ ông Nguyễn Mân chạy ra ngăn cản không cho chặt cây vì cho rằng cây này là của ông Mân. Vậy là hai gia đình xảy ra xô xát ngay tại gốc cây dương liễu làm cả khối phố được phen om sòm, dân làng kéo đến xem đông nghịt. Từ đó hai gia đình xảy ra tranh chấp quyết liệt. Ai cũng khẳng định cây dương liễu là của mình. Lúc này, UBND phường An Phú phải vào cuộc hòa giải cho hai gia đình. Cha con ông Mân đồng ý ký vào biên bản sung công quỹ cây dương liễu, còn gia đình ông Nga cương quyết không.

Những vụ án khó và phức tạp nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam (kỳ 8)

Ông Mân năm nay đã gần 90 tuổi

Bất ngờ sau đó, ông Nguyễn Hòa (SN 1954, con ông Mân) bỗng vác cưa đốn đổ cây dương liễu xuống cưa ra 13 đoạn chở về nhà làm củi và bán. Ông Hòa, cho rằng: “Do cha mẹ ông già cả và em trai ông không biết gì nên đã ký vào biên bản đồng ý sung công quỹ. Ông thấy vô lý nên chặt cây đem về”.

Theo ông Nga, do cây dương liễu được trồng cách nhà chỉ có vài bước chân nên gia đình phát hiện kéo ra phản đối quyết liệt hành vi tự ý chặt cây dương liễu đang tranh chấp của cha con ông Mân. Trong lúc xô xát con trai ông Nga bị đánh, phải thuốc men hết 600 ngàn đồng. Ông Nga cho biết: “Chúng tôi không chấp nhận hành vi ngang ngược của cha con ông Mân.

Chặt cây dương liễu xong, cha con ông Mân còn thách đố: “Có ngon, có giỏi đi kiện đi”. Cho rằng bị xúc phạm danh dự, gia đình tôi quyết kiện đến cùng”.

“Khai quật” cây dương liễu để tìm ra chủ nhân

Tuy nhiên, trước khi đưa vụ án dân sự “Tranh chấp quyền sở hữu về tài sản” là cây dương liễu ra xét xử sơ thẩm vào ngày 29/9/2011, ngày 8/7/2011, TAND TP. Tam Kỳ tiến hành định giá cây dương liễu đã bị cha con ông Mân đốn hạ cưa ra thành 13 đoạn chở về nhà bỏ lăn lóc trước sân. Do phơi mưa phơi nắng, cành lá, quả bị hao mòn nên chất lượng chỉ còn lại có 30% với khối lượng là 0,7958m3. Được định giá có 405.900 đồng.

Để chứng minh cho việc mình là chủ nhân của cây dương liễu trên, ông Nga nêu quan điểm: “Cây dương liễu này do chính tay vợ chồng tôi trồng từ năm 1976. Chỉ cách nhà có vài bước chân. Còn nhà ông Mân cách xa cây dương liễu này khoảng 300m. Vợ chồng ông Nga trình bày, để quản lý và làm dấu cây dương liễu này, vợ chồng ông phải đi lượm ông táo, bình vôi và lò nấu trấu cũ bỏ xung quanh gốc cây dương liễu rồi phả đất lên để tránh người xấu phá hại cây.

Còn ông Mân cho rằng, cây dương liễu này được ông trồng nhưng lại không nhớ rõ năm nào và không biết cây dương liễu được bao nhiêu tuổi. “Lúc hòa giải, tôi đồng ý sung công quỹ nhưng khi về nhà nghĩ lại, cây dương liễu là của mình nên bảo con trai là Nguyễn Hòa mang cưa, rựa ra đốn cây dương liễu chở về nhà”.

Tuy nhiên, trước khi Tòa sơ thẩm đưa vụ án ra xét xử công khai, ông Nga yêu cầu “khai quật” gốc cây dương liễu lên để chứng minh cây dương liễu là của mình vì ông đã làm dấu dưới gốc cây bằng ông táo, bình vôi và lò nấu trấu. Ngày 27/7/2011, TAND TP. Tam Kỳ đã tiến hành đào gốc cây dương liễu với sự chứng kiến của gia đình ông Nga, gia đình ông Mân và chính quyền. Người dân kiếu kỳ kéo đến xem đông nghịt chuyện “khai quật” cây dương liễu có một không hai này.

Ông Nga quả quyết: “Khi đào xung quanh gốc cây dương liễu tranh chấp, nếu có bình vôi, ông táo và lò nấu trấu thì đó là cây dương liễu do tôi trồng. Nếu không có một trong 3 thứ trên, cây sẽ thuộc quyền sở hữu của ông Mân”. Tuy nhiên, trước giờ phút đào gốc cây dương liễu, bất ngờ các đương sự bổ sung: “Chỉ thống nhất bật gốc cây dương liễu trong phạm vi bán kính 1,5m tính từ tim cây dương liễu ra xung quanh”. Tuy nhiên khi đào bới không thu được những ông táo, bình vôi và lò nấu trấu nguyên vẹn như ông Nga khai. Nhưng tòa sơ thẩm cũng khẳng định, trong phạm vi bán kính 1,5m (xung quanh gốc cây dương liễu) cũng đã thu được 12 mảnh sành ông táo, bình vôi và lò nấu trấu.

Thế nhưng, tòa sơ thẩm lại cho rằng những thứ tìm thấy kể trên hoàn toàn không đúng với lời khai của ông Nga là khi trồng cây dương liễu, do sợ người dân phá cây nên dưới gốc cây dương liễu trồng ông có bỏ vài vật là ông táo, bình vôi và lò nấu trấu. Rồi chủ tọa tuyên bác đơn khởi kiện của vợ chồng ông Nga và cây dương liễu thuộc về gia đình ông Mân. Nguyên đơn phải nộp tiền án phí 200.000 đồng.

Thắng kiện nhưng thi hành án không được

Ông Nga khẳng định chắc nịch: “Đây là cây dương liễu của gia đình tôi chứ không phải của ai hết, kể cả gia đình ông Mân. Người dân ở đây cũng làm chứng xác nhận cây dương liễu là của gia đình tôi. Nhưng chẳng hiểu tòa sơ thẩm xử kiểu gì lại cho rằng cây dương liễu của gia đình ông Mân. Không để danh dự bị xúc phạm nên gia đình quyết kháng án đến cùng”.

Cuối năm 2012, TAND tỉnh Quảng Nam tiến hành xét xử phúc thẩm lại vụ án cây dương liễu. Tòa phúc thẩm nhận định, mặc dù phần đất có cây dương liễu đang tranh chấp, cả hai gia đình đều chưa được Nhà nước giao quyền sử dụng. Tuy nhiên, ông Mân chỉ đưa ra chứng cứ “miệng” là cây dương liễu do ông trồng không xác định được năm nào, độ tuổi của cây là bao nhiêu năm. Ngoài ra không còn chứng cứ nào khác để chứng minh cây dương liễu là của mình.

Trong khi đó, vợ chồng ông Nga lại chứng minh cây dương liễu là của mình vì đã làm dấu bằng ông táo, bình vôi và lò nấu trấu. Điều này đã được ông Nga chứng minh bằng việc “khai quật” gốc cây dương liễu được tòa sơ thẩm tiến hành trước đó. Cuối cùng, tòa phúc thẩm khẳng định có căn cứ để xác định cây dương liễu là của gia đình ông Nga và khẳng định tòa sơ thẩm bác yêu cầu khởi kiện của chính chủ cây dương liễu là không khách quan.

Ông Nga cho biết: “Vợ chồng tôi kiện vợ chồng ông Nguyễn Mân, sinh năm 1924 ra TAND TP. Tam Kỳ đòi lại cây dương liễu là kiện vì danh dự của cả gia đình. Trong cuộc sống không ai được xem thường danh dự của người khác. Cuối cùng gia đình tôi đã đòi lại được danh dự sau nhiều năm bầm giập…”. Vì vậy, vợ chồng ông Mân phải thối trả lại trị giá của cây dương liễu là 405.900 đồng cho gia đình ông Nga và chịu án phí 200.000 đồng. Còn nếu người bị thi hành án không chấp hành sẽ bị tính lãi suất ngân hàng hằng tháng.

Không biết khi nào mới được thi hành án

Qua 4 năm kiện tụng vất vả mới đòi được cây dương liễu của mình. Nhưng khi thắng kiện, vợ chồng ông Nga lại chẳng biết đến khi nào mình mới được thi hành án vì vợ chồng ông Mân đã gần 90 tuổi. Ngoài ra, để định giá cây dương liễu gia đình ông Nga đã “tạm chi” 300.000 đồng cũng chẳng được trả lại.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những vụ án khó và phức tạp nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam (kỳ 8)