Những vụ án khó và phức tạp nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam (kỳ 5)

Trung Hoàng| 25/05/2014 10:20
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Kỳ 5: Kỳ lạ chuyện “bao thanh thiên” xét xử “dị án” tổ ong giữa rừng “vô tiền khoáng hậu”

Vốn dĩ xưa nay, chuyện chim trời cá nước tự nhiên thì không thể nói nó là sở hữu của riêng ai. Thế nhưng, cách đây vài năm tại huyện miền núi Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình) có hai anh chàng thợ sơn tràng đều nhận một tổ ong rừng là của mình. Mâu thuẫn bắt nguồn từ một chuyện hài hước như vậy. Và, khi không thể “tự xử” được thì họ kéo nhau lên Tòa án huyện nhờ “cán bộ” giải quyết. Vậy, các “Bao Thanh Thiên” đã xét xử dị án “vô tiền khoáng hậu” này như thế nào?

Tranh chấp tổ ong rừng

Trong lịch sử ngành tư pháp Việt Nam từng xảy ra một vụ án tranh chấp tổ ong rừng giữa hai người đàn ông dân tộc Nguồn ở bản Dđăng (xã Hồng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình). Để tìm hiểu về dị án này, chúng tôi đã tìm tới nhà già làng Bảy của bản Dđăng để được nghe trọn vẹn về vụ án kì cục này. Theo lời kể của già làng Bảy thì, vụ án này xảy ra vào năm 1999, khi hai người dân ở bản Dđăng tên là Côi và Nòi cùng vào rừng để tìm mật ong. Khi Côi đi vào rừng tìm thì có thấy một tổ ong mật to tướng liền mừng thầm định bụng để dành. Thế nhưng, Côi lại không “đánh dấu chủ quyền”. Sau này, một người cùng bản tên là Nòi đã khai thác tổ ong này nên dẫn đến tranh chấp giữa hai người.

Già làng Bảy chia sẻ: “Năm 1999, thằng Côi đi rừng đặt bẫy để bắt con nai, con gà về làm đồ ăn, thấy một bầy ong giữa rừng đang xây tổ, mà cái tổ ong này theo như nó nói là to lắm vì ở trên hốc của một cây cao. Mấy tháng sau, thằng Côi quay lại cái cây ấy để bắt tổ ong lấy mật, song khi đến nơi thì đã bị người khác bắt lấy mật rồi. Nghe câu chuyện của Côi, đám trai làng nói “mấy hôm vừa rồi có thằng Nòi bắt tổ ong đúng nơi mày kể đấy”. Nghe vậy, thằng Côi chạy thẳng đến nhà thằng Nòi hét lớn “sao mày bắt tổ ong của tao”. Thằng Nòi nổi nóng đòi đánh thằng Côi vì vu oan cho mình “ăn cắp” tổ ong. Thằng Nòi cho rằng: “Đó là tổ ong của tao phát hiện nên tao được khai thác mật”. Hai bên cứ cãi qua cãi lại về chuyện ai được ai không cả giờ đồng hồ mà không thằng nào nhường thằng nào.

Thằng Côi tức quá nhổ cọc hàng rào đuổi đánh thằng Nòi chạy quanh bản. Vừa đuổi đánh Côi vừa hét lớn: “Dân bản ra mà xem, thằng Nòi nó bắt tổ ong của tôi giờ nó còn bảo là của nó”. Thằng Nòi bị đuổi đánh cắm đầu chạy thục mạng, lâu lâu lại ngoái đầu lại nói: “Tổ ong đó là tao thấy nên tao bắt…””.

Những vụ án khó và phức tạp nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam (kỳ 5)

Thẩm phán Đinh Lâm Xướng

Buôn làng náo loạn

Chẳng biết làm thế nào, hai người kéo đến nhà già làng và mời cán bộ thôn đứng ra phân xử. Nhưng có một điều hết sức gay cấn, hễ già làng và cán bộ xử cho Côi được hưởng tổ ong thì Nòi nói già làng và cán bộ “thiên vị”. Nhưng khi xử cả hai đều được hưởng tổ ong thì không bên nào đồng ý, vậy là ngày nào cả hai cũng gây náo loạn cả bản vì ong rừng…Thấy tình thế nguy cấp, già làng Bảy đành cuốc bộ lên TAND huyện để nhờ “cán bộ” Xướng xuống để phân xử vụ việc.

Trò chuyện với chúng tôi, thẩm phán Đinh Lâm Xướng cho biết, lần ấy vào khoảng đầu năm 2000, khi đoàn cán bộ TAND huyện Minh Hóa đang đi thu thập chứng cứ về một vụ án dân sự tại bản Dđăng. Đi đến eo Lọc Cọc thì có ba cán bộ thôn bản, xã Hồng Hóa đang đi lên TAND huyện để nhờ “cán bộ” xử án. Thấy ông, những cán bộ thôn bản này hét lớn: “May quá… may quá… gặp được cán bộ Xướng đây rồi”.

Ông Xướng rất lấy làm kinh ngạc về thái độ mừng hớt hải của vị già làng bản Dđăng. Chưa kịp hỏi chuyện thì vị già làng này đã hối hả nói: “Gần nửa năm nay, gia đình thằng Côi với thằng Nòi ở bản ta cãi nhau tranh giành được khai thác tổ ong giữa rừng. Nó cãi nhau không ai nhường ai, lại còn đấm nhau sưng cả trán. Bọn già đã khuyên mà chúng nó nhất quyết không ai nghe ai.

Giờ gặp cán bộ huyện về may quá, cán bộ xử cho rõ ràng để dân bản được yên, chứ ngày nào bọn nó cũng kéo nhau đến làm ồn về chuyện mật ong và tổ ong…”. Khi tiếp nhận vụ án này, thẩm phán Xướng đã dành rất nhiều thời gian xem lại tất cả quy định của luật pháp nhưng đọc đỏ cả con mắt vẫn không tìm ra cách giải quyết được vụ việc. Vì trước vụ án này, trong lịch sử tư pháp nước ta chưa bao giờ xảy ra vụ án kỳ cục và khó giải như thế này. Bởi, tài sản tranh chấp chỉ là một chiếc tổ ong giữa rừng; vụ án lại không hề có một nhân chứng nào nên cán bộ tòa án cũng phải “thở dài” lắc đầu kêu trời bởi không biết xử lý thế nào. Thế nhưng, không xử cũng không được vì cả trăm dân bản biết chuyện đều kỳ vọng trông đợi vào sự cân bằng của cán bộ. Họ đưa ra lý lẽ: “Cán bộ là người Nhà nước thì việc gì cũng xử lý được hết”.

Phiên xét xử “có một không hai”

Thấy vụ việc quá phức tạp, thẩm phán Xướng quyết định mở một “phiên tòa” tại bản Dđăng để giải quyết tranh chấp “tổ ong giữa rừng”. Tại phiên tòa, khi hỏi ai là người thấy tổ ong, Côi và Nòi đều khẳng định là mình. Và tất cả những đặc điểm nhận dạng về tổ ong to thế nào, nằm độ cao bao nhiêu, cả hai đều đưa ra đặc điểm giống như nhau. Phiên tòa tranh chấp “tổ ong giữa rừng” diễn ra hơn hai tiếng đồng hồ mà vẫn chưa có hồi kết.
Mọi người tham gia phiên tòa “đặc biệt” hôm ấy ai cũng tỏ rõ sự lo âu. Trách nhiệm càng đặt nặng nề lên vai của thẩm phán Xướng. Bởi nếu vụ án này không phân xử được thì sau người đồng bào sẽ không tin vào đoàn cán bộ ở huyện mỗi khi vào làm việc nữa. Còn già làng bản Dđăng lo lắng vô cùng, ông cứ đi đi lại lại hết ngồi lại đứng. Bỗng nhiên, thẩm phán Xướng đột ngột hỏi liên tục 2 bị cáo và phát hiện ra chi tiết mấu chốt để xử án – đó là việc dùng cây nêu để “dánh dấu chủ quyền”. Hỏi đến đây, thẩm phán Xướng cho phiên tòa được nghỉ và nói sẽ “tuyên án” sau 15 phút nghỉ giải lao.

“Đang nghỉ giải lao, anh Côi đi đến ghé vào tai tôi nói nhỏ. Mọi người nhìn thấy thế ai cũng xì xào: thằng Côi nó mua chuộc cán bộ rồi. Nhưng thực chất lúc đó Côi nói với tôi chuyện cây nêu ấy. Anh Côi thú nhận, tôi quên mất không làm cây nêu để đánh dấu tổ ong ấy là của tôi. Vậy cán bộ “tuyên án” thế nào để cho tôi đỡ… xấu (ngại) với bà con dân bản nghe”. Vậy là lúc tuyên án việc tranh chấp “tổ ong giữa rừng”, tôi giải thích theo các căn cứ mà hai anh Côi và Nòi đưa ra. Anh Côi đã phát hiện tổ ong đầu tiên nhưng do quá vui sướng nên quên mất không làm nêu để đánh dấu đó là tổ ong của mình. Còn anh Nòi tuy phát hiện tổ ong sau nhưng đã kịp thời làm nêu đánh dấu, báo cho mọi người biết tổ ong trên là do mình phát hiện và được lấy mật. Căn cứ vào đó thì tổ ong thuộc về anh Nòi”, thẩm phán Xướng kể về giây phút tuyên án vụ kiện tranh chấp tổ ong giữa rừng.

Sau khi tuyên án, dân bản ai cũng khen thẩm phán Xướng sáng suốt. Việc thẩm phán Xướng tuyên án như vậy là hợp với lòng dân với phong tục của người Nguồn ở Minh Hóa.

Áp dụng luật tục để xử án

Theo tập quán của người Nguồn, người tìm thấy tổ ong trước phải làm dấu dưới gốc cây, hoặc làm cây nêu cắm xung quanh tổ ong, trường hợp họ không làm dấu thì người sau phát hiện làm dấu mà người sau có quyền lấy mật. Do vậy, khi có tranh chấp này, thẩm phán Xướng đã áp dụng “chiêu độc”, dựa vào phong tục, tập quán của bà con dân bản để vận dụng giải quyết hợp tình, hợp lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những vụ án khó và phức tạp nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam (kỳ 5)