Nhiều bị hại xin cho "tiến sỹ dạy làm giàu" được tại ngoại

Mạnh Hùng| 17/05/2018 17:15
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 17/5, phiên tòa xét xử bị cáo Phạm Thanh Hải, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thương mại đầu tư và phát triển công nghệ quốc tế (IDT) đã bước sang ngày làm việc thứ 2, phiên tòa diễn ra ở phần xét hỏi.

Tại phiên tòa, nhiều người bị hại cho rằng bản thân không hề khiếu kiện hay tố cáo Phạm Thanh Hải, nhưng không hiểu vì lý do gì lại có tên trong danh sách những người bị hại trong vụ án này.

Các bị hại còn trình bày, từ trước tới nay, họ đều tin tưởng bị cáo Hải, trong suốt thời gian góp vốn, chưa bị hại nào thấy Phạm Thanh Hải vi phạm hợp đồng, chậm trả tiền cho nhà đầu tư. Liên quan đến phần dân sự, các bị hại mong muốn được tự thỏa thuận, làm việc với bị cáo Hải.

Nhiều bị hại xin cho

Bị cáo Phạm Thanh Hải tại phiên tòa xét xử

Một số bị hại chia sẻ, sau khi khởi tố vụ án, Phạm Thanh Hải bị bắt, nhiều gia đình lục đục, vợ chồng mâu thuẫn, thậm chí ly hôn, gia đình ly tán; nhiều người lao đao vì không có tiền trả nợ, có người bệnh tật chết vì không có tiền chữa bệnh…

Một bị hại nói: “Nguyện vọng chung của chúng tôi là mong Tòa xét xử vụ án công tâm, khách quan, đúng pháp luật, cho bị cáo Hải được tại ngoại để khắc phục hậu quả cho nhà đầu tư”.

Theo cáo trạng truy tố, sau khi thành lập Công ty CP Thương mại đầu tư và Phát triển Công nghệ Quốc tế (IDT) hoạt động kinh doanh trên mạng internet nhưng không có hiệu quả. Do cần tiền để chi phí và phục vụ mục đích cá nhân nên từ năm 2008, Phạm Thanh Hải bắt đầu tổ chức hoạt động huy động vốn cho cá nhân nhưng đều thông qua công ty IDT với danh nghĩa công ty và tại trụ sở công ty IDT.

Cụ thể, Hải đứng ra tổ chức các cuộc hội thảo, thành lập trang mạng xã hội “hoclamgiau.vn”; Hải giới thiệu bản thân là tiến sỹ, có nhiều kinh nghiệm kinh doanh tại Liên Xô, là người có tài đầu tư, kinh doanh…

Chưa hết, Phạm Văn Hải giới thiệu, Công ty IDT do Hải là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc đang triển khai các dự án có lãi suất cao hơn rất nhiều so với lãi suất ngân hàng (40-50%/1 năm); cắt lãi ngay khi nộp tiền (mặc dù chưa có hoạt động kinh doanh), làm giàu từ cây “tỷ đô”…nhằm quảng bá thu hút nhiều người biết đến công ty IDT và đầu tư cho các dự án đó.

Đồng thời, Hải khuyến khích mở rộng mạng lưới huy động vốn bằng cách chi từ 2-10% tiền thưởng kết nối, môi giới cho mỗi hợp đồng mới. Sau khi có tiền, Hải sử dụng vào mục đích cá nhân, chủ yếu dùng để trả tiền gốc và lãi cho các hợp đồng đến hạn, một phần cho các đối tác vay, chi trả cho việc kết nối, chi thưởng hoa hồng…

Tất cả các hoạt động sử dụng nguồn tiền của các nhà đầu tư Hải không thông báo cho các nhà đầu tư biết.

Hiện, số bị hại được xác định là 508 người với số tiền chiếm đoạt là hơn 476 tỷ đồng. Tổng số tiền của các bị hại đề nghị được bồi thường theo hợp đồng thỏa thuận là hơn 594 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều bị hại xin cho "tiến sỹ dạy làm giàu" được tại ngoại