Hoãn xử phúc thẩm vụ buôn lậu 54 “siêu xe” do vắng hai bị án

Lê Hoàng| 06/10/2016 11:39
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 6/10/2016, TAND cấp cao tại Tp. Hồ Chí Minh mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án “Buôn lậu” 54 siêu xe các hãng Rolls Royce, Bentley, Lexus, Audi, BMW, Jaguar....

Hai bị cáo kháng cáo kêu oan là Nguyễn Giang Lam (SN 1975, ngụ quận Thủ Đức), Trần Phước Thạnh (SN 1967, ngụ quận Bình Thạnh).

Theo bản án sơ thẩm, trong hai năm 2011-2012, Nguyễn Quang Vinh (SN 1982, ngụ quận 7, Tp. Hồ Chí Minh);  Trần Thái Nguyên (SN 1982, tỉnh Lâm Đồng), Nguyễn Giang Lam (nguyên cán bộ Phòng quản lý xuất nhập cảnh Công an Tp. Hồ Chí Minh) và Trần Phước Thạnh đã thuê các Việt kiều hồi hương đứng tên làm thủ tục nhập khẩu  ô tô từ Mỹ về Việt Nam.

Có đến 54 trường hợp được thuê mướn đứng tên trái pháp luật nhiều “siêu xe” các hãng Rolls Royce, Bentley, Lexus...Tổng trị giá của số ô tô trên hơn 5,17 triệu USD. Nếu không thuộc diện xe gắn “mác” Việt kiều hồi hương (Nhà nước không thu các khoản tiền thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng), số tiền thuế phải nộp là hơn 218 tỉ đồng.  Án sơ thẩm tuyên phạt Nguyễn Quang Vinh và Nguyễn Giang Lam mỗi bị cáo 16 năm tù; Trần Phước Thạnh 12 năm tù, Trần Thái Nguyên 9 năm tù về tội “Buôn lậu”.

Hoãn xử phúc thẩm vụ buôn lậu 54 “siêu xe” do vắng hai bị án

Các bị cáo trao đổi với luật sư tại phiên tòa

Bị cáo Nguyễn Giang Lam, Trần Phước Thạnh kháng cáo kêu oan, cho rằng không phạm tội “Buôn lậu”. VKS quy kết bị cáo Lam thực hiện hành vi đóng dấu khống vào 36 hộ chiếu và nhận của Vinh 360.000 USD. Tuy nhiên,  Lam cho rằng bị cáo làm việc tại Phòng quản lý xuất nhập cảnh, không phải là người có trách nhiệm giữ con dấu và đóng dấu vào hộ chiếu của Việt kiều hồi hương; việc này thuộc nhiệm vụ của cán bộ tại cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất (thuộc Cục quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an). CQĐT cũng không chứng minh được bị cáo Lam nhờ hay móc nối với cán bộ thuộc Cục quản lý xuất nhập cảnh để đóng dấu khống vào hộ chiếu của Việt kiều hồi hương.

Hai bị cáo Nguyễn Quang Vinh, Trần Thái Nguyên kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Tuy nhiên sau đó, Vinh và Nguyên cùng làm đơn xin rút kháng cáo và được chuyển đi Lâm Đồng thụ án.

Tại phiên tòa phúc thẩm, hai bị án Vinh và Nguyên vắng mặt dù HĐXX phúc thẩm đã làm thủ tục trích xuất hai bị án đến Tòa để có căn cứ xem xét kháng cáo của Lam, Thạnh. Vị đại diện VKSND cấp cao tại Tp. Hồ Chí Minh nhận định để có căn cứ xem xét, làm rõ kháng cáo kêu oan của các bị cáo nên đề nghị HĐXX cần hoãn phiên tòa để tiếp tục trích xuất hai bị án đến Tòa. Sau khi hội ý, HĐXX phúc thẩm quyết định hoãn phiên tòa.

Đây là vụ án gây xôn xao dư luận, nhiều chuyên gia pháp lý hàng đầu có  ý kiến cho rằng cần xem xét nhiều dấu hiệu bất thường. Nguyên Chánh tòa hình sự TANDTC Đinh Văn Quế nhận định: Trong vụ án, các bị cáo chỉ lợi dụng chính sách để làm dịch vụ nhằm hưởng lợi. Quá trình giải quyết vụ án, CQĐT chỉ mới chứng minh hành vi “mua bán tiêu chuẩn nhập xe ô tô của Việt kiều”, chứ chưa chứng minh được việc buôn lậu ô tô như thế nào, cần xem xét khách quan, toàn diện để giải quyết cho đúng pháp luật. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoãn xử phúc thẩm vụ buôn lậu 54 “siêu xe” do vắng hai bị án