Điều sợ nhất trong xử án là trái tim bị chai sạn

Văn Vũ| 25/04/2015 06:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đó là tâm sự Thẩm phán Vũ Phi Long, Phó Chánh tòa Tòa Hình sự TAND TP. Hồ Chí Minh. Ông là Thẩm phán “chuyên” án hình sự, có thể nói là một trong những Thẩm phán tuyên án tử hình nhiều nhất Việt Nam.

Con số bị cáo bị ông tuyên án tử hình lên đến hàng trăm. Thế nhưng, sau mỗi bản án là sự day dứt của vị quan tòa không những về số phận của những bị cáo, bị hại trong vụ án mà còn là thân phận, nghịch cảnh của những người thân của các bị cáo…

Thương cho nghịch cảnh

Rời quân ngũ, Thẩm phán Vũ Phi Long chuyển ngành về công tác tại TAND TP. Hồ Chí Minh. Ông vốn là sinh viên Đại học Bách khoa nên những ngày chập chững bước chân vào làm thư ký Tòa án gặp rất nhiều bỡ ngỡ. Nhưng điều đó không thể làm khó một người lính đầy nhiệt huyết vừa từ giã chiến trường trở về. Ông đã lao vào học hỏi, đào sâu suy nghĩ, không ngừng nâng cao kiến thức pháp luật và hoàn thành chương trình cử nhân luật.

Thẩm phán Long tâm sự rằng, may mắn là từ khi về làm thư ký đến khi làm Thẩm phán cho đến nay, ông được lãnh đạo phân công chuyên xét xử án hình sự. Bản thân ông tham gia xét xử hàng loạt những vụ án nổi cộm như vụ Tamexco, Minh Phụng - Epco, Nước hoa Thanh Hương, Xà lan LASH (gần 400 bị cáo), Thọ “đại úy” hay những vụ chống phá Nhà nước, khủng bố như vụ Thuong Nguyen Foshee (Nguyễn Thương Cúc - cánh tay phải của Nguyễn Hữu Chánh) can tội "khủng bố" và nhiều vụ án ma túy lớn. Đặc biệt, gần đây, ông tham gia xét xử  Đại án tham nhũng Vifon…

Thế nhưng, đối với ông, cảnh đời, thân phận của những người vợ mất chồng, con mất cha - mẹ hay hậu quả mà xã hội phải gánh chịu đằng sau những vụ án mới là điều khiến ông trăn trở. Chính họ là những người phải hứng chịu nổi đau, sự mất mát nhiều nhất…

Hình ảnh những người cha lọm khọm, người mẹ liêu xiêu trong những vụ án anh em giết hại lẫn nhau đã khiến những người “cầm cân” công lý không khỏi chạnh lòng. “Trong những trường hợp ấy, HĐXX phải cân nhắc từng câu chữ để tránh gợi lại, khoét sâu thêm nỗi đau, sự mất mát của những người thân nhưng phải đảm bảo được yêu cầu của tố tụng. Điều đó quả thật không dễ dàng chút nào”, Thẩm phán Long chia sẻ.

Điều sợ nhất trong xử án là trái tim bị chai sạn

Ông là một trong những Thẩm phán tuyên nhiều án tử hình nhất Việt Nam

Có một vụ án oan của một cô gái nghèo ở tận vùng quê Thanh Hóa vẫn làm ông day dứt mãi. Mặc dù ông đã tuyên cô ấy không phạm tội, giải tỏa nỗi oan khiên cho cô gái đó. Thế nhưng, sau khi đưa người chồng tàn phế (bị tai nạn giao thông) về quê và trên đường quay lại TP. Hồ Chí Minh để tham gia phiên tòa phúc thẩm (VKS kháng nghị), xe chở cô ấy gặp tai nạn và cô gái ấy đã tử vong. Ông Long nghẹn ngào: “Thân phận của một người phụ nữ hết lòng vì chồng - con phải vướng vào vòng lao lý. Đến khi thoát ra thì lại vướng vào nghịch cảnh khác quả thật quá chua xót!”.

Chuyện thanh kiếm gãy

Trong căn phòng làm việc khá đơn sơ của ông, lấp ló một thanh kiếm sần sùi ẩn sau góc tủ đựng hồ sơ. Thoạt nhìn thanh gươm dễ làm người ta liên tưởng đến câu chuyện thần thoại Hy Lạp - Nữ thần công lý (Themis) và thanh kiếm. Xoay quanh thanh kiếm này là cả một câu chuyện bi - hài đầy tính nhân bản mà ông đã lặn lội đến tận hiện trường tìm kiếm, nhặt về làm kỷ niệm. Đó là là hung khí trong một vụ cướp xảy ra khá lâu, mà ông từng ngồi xét xử. Hồi đó, ba cậu học sinh lớp 9 con nhà nghèo muốn tham gia một chuyến dã ngoại vào dịp hè cuối năm học đã rủ nhau đi cướp. Sẵn trong nhà có thanh kiếm nên cả 3 xách kiếm ra đường. Ba cậu nhóc tì vác kiếm ra gần vòng xoay Hàng Xanh chặn đầu bác xe ôm, bác xe ôm hoảng sợ vứt xe, bỏ chạy. Tuy nhiên, cả 3 đứa trẻ không đứa nào biết chạy xe nên cùng nhau “vật lộn” với chiếc xe. Hè nhau đẩy xe chạy bộ được vài chục mét thì cả 3 đứa nhóc bị người dân vây bắt giao cho Công an.

Khi nghiên cứu hồ sơ, Thẩm phán Vũ Phi Long đã mất ngủ nhiều đêm liền. “Mình vừa giận lại vừa thương những cậu học sinh này. Cả một tương lai đang rộng mở phía trước bỗng dưng lại vào ngõ hẹp vì những hành động bồng bột, ngu ngốc”, Thẩm phán Long trầm ngâm. Lục lọi, soi rọi tất cả các quy định của luật pháp để tìm con đường cứu các cậu học sinh, tạo điều kiện cho những cậu này tiếp tục được đến trường. Và, ông đã thành công khi các thành viên trong HĐXX cũng như đại diện VKS đồng thuận mức phạt tù cho hưởng án treo cho 3 cậu học trò. Kể từ sau phiên tòa ấy, bằng cách này, cách khác, Thẩm phán Long tiếp tục dõi theo quá trình học tập, phấn đấu của họ. Kết quả họ đã không phụ lòng ông. Những học sinh ấy giờ đứa đã là doanh nhân thành đạt, có người đã có học hàm Tiến sỹ và luôn thầm cảm ơn ông.

Là “chuyên gia” trong lĩnh vực trẻ vị thành niên phạm pháp. Hầu như tất cả các hội thảo, góp ý về những chế định đối với người chưa thành niên phạm tội đều có mặt ông. Bao nhiêu năm qua, Thẩm phán Vũ Phi Long vẫn theo đuổi “đề án” hình thành một Toà án riêng biệt xử lý các vụ việc liên quan đến trẻ em: Tòa án vị thành niên. Vấn đề này, Đảng và Nhà nước đang rất quan tâm. Thẩm phán Long vui mừng: “Sắp tới đây, Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) có hiệu lực pháp luật. Tòa án Gia đình và vị thành niên sẽ được triển khai. Tòa án này được thành lập là đáp ứng nhu cầu của cải cách tư pháp và phù hợp với các cam kết quốc tế”.

Theo Thẩm phán Long, việc hình thành một Toà án xét xử các vi phạm liên quan đến trẻ em không chỉ là các phán quyết, mà quan trọng nhất chính là góp phần thay đổi nhận thức, hành động của người lớn đối với lứa tuổi vị thành niên. Tuy nhiên, có đôi lúc ông đã phải hứng chịu búa rìu dư luận, điều tiếng khi có những phán quyết đầy “nhân bản” - tuyên án treo cho một cô bé học sinh phạm tội mua bán ma túy. Phán quyết ấy đã gây cho ông không biết bao phiền toái, điều tiếng bởi chưa từng có tiền lệ “án ma túy xử tù treo”. Tuy nhiên, ông vẫn thanh thản, không trăn trở nhiều bởi “mình đã làm đúng. Hình phạt chỉ là biện pháp sau cùng”.

Điều sợ nhất trong xử án là trái tim bị chai sạn

Thẩm phán Vũ Phi Long

Điều mà ông trăn trở nhất hiện nay là chính sách bảo vệ trẻ em bị xâm hại bởi hành vi trái pháp luật của người lớn chưa được các cơ quan có thẩm quyền đề cập nhiều. Có chăng chỉ là trừng trị nghiêm khắc những kẻ phạm tội. Do đó, về lâu dài, chính sách bảo vệ trẻ em bị xâm hại cần được quan tâm xây dựng và có hình thức bảo vệ.

Đau khi ngồi xử đồng nghiệp

Ông là Thẩm phán được lãnh đạo Tòa án TP. Hồ Chí Minh “ưu ái” phân công ngồi ghế chủ tọa các phiên tòa xét xử những bị cáo vốn trước đây là đồng nghiệp. Chính ông là người đã xử vợ chồng nguyên Thẩm phán Tòa Dân sự TAND TP. Hồ Chí Minh (nhận hối lộ) và nguyên Viện trưởng VKSND quận 4 Nguyễn Văn Thành (lừa đảo khi nhận chạy án cho Thọ “đại úy” - cháu ruột Năm Cam trong vụ sát hại Cảnh sát hình sự Phan Lê Sơn)…

Ông phân trần: “Đó là sự phân công của lãnh đạo, mình phải chấp hành. Thú thực khi ngồi xử những người từng là đồng nghiệp, thậm chí có những người từng học tập, công tác với mình trong thời gian dài quả thật đau lắm. Đau còn hơn chính mình bị xử lý. Ngay cả khi gọi họ là bị cáo mình cũng ngờ ngợ. Thế nhưng vì chức nghiệp buộc mình phải công tâm để tuân thủ nguyên tắc “mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”. Cái khó khi ngồi xử những vụ đồng nghiệp phạm tội là những gì mình muốn hỏi, muốn xét họ đều biết, đều đoán ra hết. Tuy nhiên, điều khó xử nhất là khi sự việc đã rõ nhưng họ vẫn cố tình chối tội. Nếu bạn mình biết sai mà hối cải, ăn năn thì luật pháp vẫn còn nhiều điểm giảm nhẹ và lúc đó mình vận dụng dễ hơn”.

Theo ông Long, từ khi có Nghị quyết số 08 và Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị, đặc biệt Hiến pháp năm 2013 quy định về Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp thì vị thế của Tòa án ngày càng không ngừng nâng cao. Cùng với đó, quyền lợi của bị can, bị cáo cũng được đảm bảo thông qua các dự luật đã và đang được sửa đổi, bổ sung. Trong hoạt động tố tụng, vai trò của luật sư ngày càng được xem trọng. Những điều này đã tạo điều kiện cần và đủ cho công tác xét xử ngày càng tốt hơn.

Điều Thẩm phán Vũ Phi Long sợ nhất trong sự nghiệp xử án chính là “sợ trái tim bị chai sạn, xử theo thói quen và vận dụng pháp luật thuần túy mà không xem xét toàn diện, thiếu cái tình…”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điều sợ nhất trong xử án là trái tim bị chai sạn