Xét xử nghiêm minh các “đại án” tham nhũng

Trung Phương| 16/04/2014 21:46
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Những vụ “đại án” tham nhũng được Tòa án xét xử thời gian gần đây với những bản án nghiêm minh đã nhận được sự đồng tình của dư luận.

Tham nhũng đã từng bước được kiềm chế

Báo cáo của Chính phủ cho thấy: Trên một số lĩnh vực, tham nhũng đã từng bước được kiềm chế. Trong giai đoạn 2007 - 2013, đã truy tố gần 2.200 vụ án về tham nhũng với gần 5.300 bị can; xét xử 1.900 vụ với trên 4.300 bị cáo. Các vụ án tham nhũng lớn đã, đang và sẽ được đưa ra xét xử nghiêm minh, theo đúng quy định của pháp luật

Điển hình là việc xét xử sơ thẩm các vụ án tham nhũng lớn xảy ra tại (ALC 2), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Ngân hàng Phát triển Việt Nam khu vực Đắk Lắk - Đắk Nông… Vụ đại án “bầu” Kiên dự kiến được đưa ra xét xử sơ thẩm vào ngày 16/4.

Trong vụ án xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính 2 (ALC 2), TAND TP Hồ Chí Minh đã tuyên phạt tử hình hai bị cáo Vũ Quốc Hảo và Ðặng Văn Hai; Vụ án xảy ra tại Vinalines, TAND TP Hà Nội tuyên phạt tử hình hai bị cáo Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc trong. Các bị cáo khác trong hai vụ án nói trên đều bị phạt từ ba năm đến 22 năm tù, không bị cáo nào được tòa cho hưởng án treo.

Trong vụ “đại án” tham nhũng xảy ra tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam khu vực Đắk Lắk - Đắk Nông, TAND tỉnh Đắk Nông đã tuyên 1 án tử hình, 3 án chung thân. Vụ Huỳnh Thị Huyền Như và 22 đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản lớn nhất từ trước đến nay, với số tiền  chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng, Huỳnh Thị Huyền Như bị HĐXX tuyên phạt mức án tù chung thân. Trong vụ án tham nhũng tại Công ty Vifon, TAND Tp.HCM đã tuyên phạt tổng cộng gần 80 năm tù dành cho các bị cáo…

Ðây là những bản án nghiêm khắc đối với những người có chức vụ, quyền hạn được Nhà nước tin tưởng giao quản lý những khối tài sản lớn, đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, đồng thời tham ô tài sản của Nhà nước, gây dư luận xấu trong xã hội.

Xét xử nghiêm minh các “đại án” tham nhũng

Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như bị tuyên án tù chung thân

Tại cuộc họp liên ngành Công an - Viện KSNDTC - TANDTC về công tác phối hợp điều tra, truy tố, xét xử tội phạm kinh tế và tham nhũng diễn ra gần đây, các đại biểu đều cho rằng công tác này đã đạt được những kết quả tốt. Cụ thể, số vụ án mới phát hiện, điều tra đưa ra truy tố, xét xử nhiều hơn trước. Chỉ tính từ đầu năm 2014 đến nay, cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố 498 vụ án kinh tế với 747 bị can và 135 vụ án tham nhũng với 367 bị can. Năm 2013 có gần 1.300 vụ án kinh tế được khởi tố với 2.141 bị can và 315 vụ án tham nhũng với 661 bị can. Trong đó có nhiều vụ án lớn, nhiều vụ án tồn đọng kéo dài đã giải quyết dứt điểm, nhiều vụ án trọng điểm đã kết thúc điều tra, đưa ra truy tố, xét xử được dư luận đồng tình…

Theo Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, thời gian tới, các ngành tư pháp trung ương cần tiếp tục tăng cường công tác phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo trong điều tra, truy tố, xét xử tội phạm kinh tế, tham nhũng; nâng cao chất lượng xử lý tin báo, tố giác tội phạm nhằm phát hiện kịp thời tội phạm kinh tế, tham nhũng; tập trung điều tra xử lý các vụ án còn tồn đọng, đẩy nhanh điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng đã khởi tố, nhất là các vụ trọng điểm, sớm kết thúc đưa ra truy tố, xét xử với tinh thần đấu tranh kiên quyết, xử lý triệt để, không để lọt tội phạm và xảy ra oan, sai. Dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của lãnh đạo liên ngành Tư pháp Trung ương, các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử đã phối hợp có hiệu quả trong công tác phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng.

Khó thu hồi tài sản tham nhũng

Con số được đưa ra tại Hội thảo do Ban Nội chính Trung ương tổ chức mới đây về vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng cho hay, số tài sản tham nhũng thu hồi được trong năm 2013 là rất thấp (chưa đến 10%).  Không chỉ riêng án tham nhũng mà đối với án kinh tế nói chung, dù đã được điều tra, xét xử nghiêm minh, kết quả thu hồi tài sản thường rất hạn chế so với tổng khối lượng tài sản mà các đối tượng đã gây thiệt hại cho Nhà nước, đã chiếm đoạt bất hợp pháp.

Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII diễn ra hồi tháng 10-11/2013, một số đại biểu cũng nêu vấn đề thi hành án số tài sản thu hồi được từ các vụ án tham nhũng thấp, chỉ đạt khoảng 20%, có vụ chỉ 10%.

Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết: Không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước, với các vụ án kinh tế và tham nhũng nói chung, khả năng thu hồi tài sản không bao giờ đáp ứng được yêu cầu, tức là không bao giờ thu được 100%. Khi những vụ án bị phát hiện, sự việc đã xảy ra nhiều năm, cho nên, các khâu điều tra, truy tố, xét xử chỉ là giai đoạn chứng minh. Tinh thần chỉ đạo chung là phải cố gắng thu hồi được càng nhiều càng tốt. Ông Bình kiến nghị, cần có sự thay đổi về Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, để làm tăng thêm khả năng truy thu tài sản.

Ông Vũ Mão (nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) cho rằng, vấn đề đặt ra là làm sao khi xét xử các vụ án tham nhũng, mục tiêu cuối cùng là phải thu hồi tối đa tài sản về cho nhà nước. Đồng thời các quy định của pháp luật cũng cần thay đổi, bổ sung để hạn chế tối đa tài sản của Nhà nước bị thất thoát, thiệt hại do tham nhũng. Cụ thể là cần rà soát lại các văn bản pháp luật đã ban hành. Hiện nay các văn bản này còn đơn giản, không đủ rõ nên gây khó khăn cho quá trình xét xử.

Bên cạnh đó, cần bổ sung nội dung và quy trình xét xử để buộc kẻ phạm tội có trách nhiệm cao nhất trong việc khắc phục hậu quả, trả lại cho Nhà nước tối đa những tài sản bị họ chiếm đoạt. Với những kẻ phạm tội mà chịu mức án tử hình thì cần bổ sung một nội dung quan trọng là xem xét quãng thời gian thi hành án tử hình để cho kẻ phạm tội có thời gian hối cải, khai báo đầy đủ, góp phần khắc phục hậu quả, thu hồi tài sản về cho Nhà nước.

Về thu hồi tài sản trong thi hành án kinh tế, tham nhũng, Thủ tướng Chính phủ cho biết, Chính phủ đang chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện các quy định về giám định tư pháp, nhất là giám định tài chính, giám định chất lượng công trình để rút ngắn thời gian giám định thiệt hại, phục vụ kịp thời, hiệu quả việc xử lý hành vi tham nhũng. Cùng với đó, hoàn thiện quy định pháp luật để ngăn chặn các hành vi đối phó che giấu tài sản và kiểm soát chặt chẽ tài sản của các đối tượng tham nhũng; kiên quyết thu hồi tài sản của Nhà nước bị chiếm đoạt theo quy định của pháp luật.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng: Quan điểm xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng là nghiêm minh dựa trên cơ sở đánh giá đúng tính chất, mức độ của hành vi phạm tội và quy định của pháp luật hiện hành. Trong đó lưu ý trong điều kiện tình hình tham nhũng còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp và có tính tổ chức ngày càng cao như hiện nay, cũng cần phải áp dụng mức hình phạt đủ nghiêm để có sức răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xét xử nghiêm minh các “đại án” tham nhũng