Thực tiễn xét xử người chưa thành niên phạm tội

Trần Quang Huy| 10/08/2014 13:10
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong những năm qua, công tác xét xử án hình sự đối với những bị cáo là người chưa thành niên đã có nhiều tiến bộ rõ rệt. Nhìn chung, hoạt động xét xử những vụ án mà bị cáo là người chưa thành niên đều đúng quy định pháp luật, bảo đảm về mặt tố tụng.

Thực tiễn xét xử và những vấn đề cần rút kinh nghiệm

Hiện nay, tình hình tội phạm vị thành niên diễn ra khá phổ biến và ngày càng phức tạp. Công cuộc đấu tranh phòng, chống loại tội phạm vị thành niên trở thành mục tiêu quan trọng trong chiến lược cải cách tư pháp và ổn định trật tự xã hội. Nhận thức được ảnh hưởng của hoạt động xét xử đối với đấu tranh phòng, chống tội phạm, các đơn vị Tòa án đã chú trọng hơn đối với công tác xét xử người chưa thành niên phạm tội. Đa số Thẩm phán được giao nhiệm vụ xét xử đều cố gắng hết mình trong việc trau dồi kiến thức về tâm sinh lý người chưa thành niên, đồng thời nghiên cứu kỹ các quy định pháp luật để có thể áp dụng đúng hình phạt, biện pháp tư pháp đối với người chưa thành niên như chính sách hình sự của Nhà nước đã quy định.

Tuy nhiên, trong thực tiễn xét xử các vụ án hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội, việc áp dụng biện pháp tư pháp đưa vào trường giáo dưỡng như quy định tại khoản 3 Điều 70 BLHS thì Thẩm phán còn lúng túng và áp dụng chưa đúng quy định pháp luật do điều luật không quy định rõ tiêu chí để đánh giá tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội. Mặt khác, BLHS quy định việc đưa vào trường giáo dưỡng được áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi, do Tòa án quyết định trong thời hạn từ 1 đến 2 năm. Như vậy, trường hợp khi xét xử người chưa thành niên gần 18 tuổi mà Tòa án quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, khi chưa hết thời hạn trong trường giáo dưỡng, họ đã trở thành người thành niên (đủ 18 tuổi hoặc hơn 18 tuổi) khiến cơ quan tư pháp lúng túng không biết xử lý thế nào khi chức năng của trường giáo dưỡng là chỉ thực hiện việc giáo dục đối với người dưới 18 tuổi. Nếu đưa họ ra khỏi trường giáo dưỡng thì bản án không được thi hành nghiêm minh. Do đó, nếu người chưa thành niên từ trên 17 tuổi đến dưới 18 tuổi thì nhiều Thẩm phán không áp dụng biện pháp tư pháp đưa vào trường giáo dưỡng, vì thời hạn tối thiểu học tập, giáo dục tại trường giáo dưỡng là 1 năm.

Thực tiễn xét xử người chưa thành niên phạm tội

Một phiên tòa xét xử các bị cáo chưa thành niên

Tại khoản 5 Điều 69 BLHS quy định về nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội là “khi áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội cần hạn chế áp dụng hình phạt tù”. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nên Thẩm phán chủ yếu là áp dụng hình phạt tù, trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ thì vẫn áp dụng hình phạt tù đối với bị cáo là người chưa thành niên và cho họ được hưởng án treo; hạn chế áp dụng các hình phạt khác như cảnh cáo, phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ. Bên cạnh đó, các Tòa án còn ít áp dụng các biện pháp tư pháp đối với người chưa thành niên phạm tội theo Điều 70 BLHS với tư cách là biện pháp hỗ trợ hay thay thế cho hình phạt.

Ngoài ra, vấn đề quyết định hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội đôi khi vẫn còn thiếu sót, có trường hợp thì áp dụng hình phạt quá nặng, có trường hợp lại áp dụng hình phạt quá nhẹ; có Tòa án còn áp dụng chưa đúng quy định về hình phạt tiền đối với người chưa thành niên phạm tội. Một trong những điều kiện để áp dụng hình phạt tiền đối với người chưa thành niên phạm tội là họ phải có thu nhập hoặc có tài sản riêng, nhưng đôi khi Tòa án lại áp dụng hình phạt tiền đối với cả những bị cáo là người chưa thành niên không có thu nhập và không có tài sản riêng.

Một vấn đề cũng còn nhiều ý kiến tranh luận hiện nay là việc Nhà nước có chính sách: Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội. Theo các nhà làm luật thì người chưa thành niên là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tâm sinh lý, do đó hành vi phạm tội của họ được cho là một phần do môi trường sống, ảnh hưởng từ môi trường sống; không phải lỗi hoàn toàn do bản thân người chưa thành niên. Nhiều nhà khoa học cho rằng khi não bộ người chưa thành niên chưa phát triển đầy đủ thì họ không phải chịu hoàn toàn về hành vi của mình và họ là những người có thể cải thiện, giáo dục được. Tuy nhiên, đây cũng là một vấn đề cần phải xem xét kỹ lưỡng hơn qua vụ án Lê Văn Luyện giết người cướp của ngày 24/8/2011 xảy ra tại tiệm vàng Ngọc Bích (xã Phương Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang). Trong vụ án này, sát thủ Lê Văn Luyện đã giết chết vợ chồng chủ tiệm vàng cùng con gái nhỏ 18 tháng tuổi. Khi bị kết án, Luyện chỉ bị mức án nặng nhất là 18 năm tù theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Hiện nay, nhiều quan điểm cho rằng, Nhà nước cần sửa đổi BLH theo hướng vẫn có thể áp dụng hình phạt tù chung thân, tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội trong những trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn cho xã hội mà người chưa thành niên phạm tội là người được xác định không còn khả năng cải tạo. Việc áp dụng hình phạt tử hình đối với họ sẽ được thực hiện theo một cơ chế đặc biệt dưới sự giám sát của cơ quan chức năng và nhân dân, theo một trình tự đặc biệt, có như vậy mới bảo đảm được yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng ngừa tội phạm vị thành niên.

Những vướng mắc trong thực tiễn xét xử

BLTTHS 2003 và BLHS 1999 (được sửa đổi năm 2009) vẫn còn nhiều quy định đối với người chưa thành niên phạm tội một cách chung chung, chưa rõ và khó áp dụng, trong khi đó các cơ quan tư pháp Trung ương mới chỉ có Thông tư số 01/2011/TTLT của VKSNDTC, TANDTC, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và Bộ Lao động Thương binh và xã hội hướng dẫn thi hành một số quy định của BLTTHS đối với người tham gia tố tụng là người chưa thành niên.

Hiện nay, việc bắt buộc phải có mặt đại diện gia đình bị cáo là người chưa thành niên tại phiên tòa xét xử, nhưng trong thực tiễn, có trường hợp bị cáo là người chưa thành niên, nhưng mồ côi cha mẹ (bố mẹ mới mất vì tai nạn giao thông, bệnh tật), không có họ hàng; bị cáo vẫn được đi học và sống nhờ vào tài sản thừa kế mà bố mẹ để lại. Tại phiên tòa xét xử, chỉ có đại diện của nhà trường nơi bị cáo học tập tham gia, vậy Tòa án có thể tiến hành xét xử được hay không và việc xét xử có phải là vi phạm tố tụng? Đối với trường hợp bị cáo mồ côi bố mẹ và không có họ hàng, việc vắng mặt gia đình bị cáo tại phiên tòa cũng không thuộc trường hợp “gia đình cố ý vắng mặt mà không có lý do chính đáng”, đây là trường hợp mà luật tố tụng chưa điều chỉnh đến. Về việc áp dụng quy định bắt buộc có người bào chữa đối với bị can, bị cáo là người chưa thành niên, căn cứ vào Điều 57, Điều 305 BLTTHS, Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT thì: Mọi trường hợp không có người bào chữa tham gia tố tụng trong các vụ án có bị can, bị cáo là người chưa thành niên là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, trừ trường hợp họ hoặc người đại diện hợp pháp của họ từ chối người bào chữa. Tuy nhiên, có trường hợp bị cáo là người chưa thành niên, không phải là thành viên của các tổ chức trong Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhưng Cơ quan điều tra đã yêu cầu Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cử người bào chữa cho bị cáo trong quá trình điều tra. Nhiều Thẩm phán lúng túng, không biết liệu Tòa án thụ lý vụ án để xét xử thì có được chấp nhận việc yêu cầu người bào chữa của Cơ quan điều tra hay không?

Về việc miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội, tại khoản 2 Điều 69 BLHS quy định: "Người chưa thành niên phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự, nếu người đó phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nhận trách nhiệm giám sát, giáo dục". Thực tiễn, rất ít trường hợp người chưa thành niên phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 2 Điều 69 BLHS. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến quy định này ít có tính khả thi trong thực tiễn, trong đó có nguyên nhân từ ý thức chủ quan, cách xử lý của Thẩm phán (vì Điều luật chỉ quy định là “có thể” cho miễn trách nhiệm hình sự) nên nếu xét thấy bị cáo là người chưa thành niên chỉ phạm tội ít nghiêm trọng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ thì Thẩm phán thường chọn giải pháp là xử phạt tù nhưng cho bị cáo được hưởng án treo.

Một nguyên nhân nữa là việc sự mâu thuẫn trong chính BLHS, cụ thể là: Tại khoản 2 Điều 69 BLHS quy định người chưa thành niên phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi họ phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, gây hại không lớn... trong khi đó khoản 3 Điều 8 BLHS quy định "tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến 7 năm tù". Như vậy, Thẩm phán sẽ rất khó trong việc xác định bị cáo là người chưa thành niên “phạm tội nghiêm trọng thì có gây hại không lớn hay không”?. Mặt khác, khoản 2 Điều 69 BLHS quy định một trong các điều kiện để người chưa thành niên phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự là họ phải có “nhiều tình tiết giảm nhẹ”, nhưng không quy định rõ các tình tiết giảm nhẹ đó có phải là tình tiết giảm nhẹ được quy định tại Điều 46 BLHS hay không? quy định chưa rõ ràng như vậy cũng tạo nên sự thiếu thống nhất trong xét xử.

Trong khi chờ sửa đổi BLHS và các hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền về việc xét xử án hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội thì đòi hỏi người Thẩm phán phải có kiến thức, kỹ năng và hiểu biết tâm sinh lý đối với từng độ tuổi của đối tượng này. Ngoài việc nắm vững quy định pháp luật, để có một bản án công bằng đối với người chưa thành niên, Thẩm phán còn phải có tâm huyết trong việc giáo dục họ trở thành người có ích cho xã hội. 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực tiễn xét xử người chưa thành niên phạm tội