Thực tiễn xét xử các tội xâm phạm an ninh quốc gia: Đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm hiện nay

04/07/2014 08:21
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Xâm phạm an ninh quốc gia (ANQG) là những hoạt động gây nguy hại đến sự ổn định, vững mạnh về chính trị, kinh tế, xã hội và chủ quyền của quốc gia.

Việc xét xử của Tòa án đối với các tội phạm này đã đảm bảo nghiêm trị các hành vi xâm phạm đến nền ANQG, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm hiện nay.

 

Các nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia

 

Xâm phạm an ninh quốc gia (ANQG) là những hoạt động gây nguy hại đến sự ổn định, vững mạnh về chính trị, kinh tế, xã hội và chủ quyền của quốc gia. Vì vậy, ngay từ khi giành được chính quyền, Đảng và Nhà nước ta đã đặt sự quan tâm hàng đầu với loại tội phạm này, được thể hiện bằng việc ban hành nhiều văn bản pháp luật quy định mức hình phạt nghiêm khắc đối với những người có hành vi xâm phạm ANQG như: Sắc lệnh số 21 ngày 14/2/1946, Sắc lệnh số 151 ngày 12/4/1953, Sắc lệnh số 133 ngày 20/1/1955… Đặc biệt, ngày 27/6/1985, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Hình sự (BLHS), trong đó dành hẳn một chương trong phần các tội phạm quy định về các tội xâm phạm ANQG (từ Điều 72 đến Điều 100). BLHS năm 1999 được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua ngày 21/12/1999 tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa X cũng dành Chương XI quy định về các tội xâm phạm ANQG (từ Điều 78 đến Điều 92). Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 1999 cũng không có nhiều thay đổi đối với loại tội phạm này. 

 

Theo BLHS năm 1999, các tội xâm phạm về ANQG quy định tại Chương XI của BLHS, với 14 tội danh cụ thể từ Điều 78 đến Điều 91 BLHS. Các tội xâm phạm ANQG là những hành vi xâm phạm độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lực lượng quốc phòng, xâm phạm chế độ XHCN; đe dọa sự tồn tại và vững mạnh của chính quyền nhân dân. Các tội xâm phạm ANQG có tính nguy hại cao, được đặt lên hàng đầu trong phần các tội phạm cụ thể của BLHS, với nhiều hình phạt nghiêm khắc nhất. Về khách thể, các tội xâm phạm ANQG là xâm hại các quan hệ xã hội về an ninh quốc gia; ANQG được hiểu là độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lực lượng quốc phòng, chế độ XHCN. Chủ thể của các tội xâm phạm ANQG là những người từ đủ 14 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự, bao gồm: công dân Việt Nam; người nước ngoài; người không quốc tịch. Hành vi khách quan của loại tội phạm này là bằng việc thực hiện các hành vi bạo loạn, hoạt động phỉ, khủng bố, phá hoại cơ sở vật chất, kỹ thuật của nước CHXHCN Việt Nam; phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế xã hội, phá hoại chính sách đoàn kết; tuyên truyền chống phá nhà nước CHXHCN Việt Nam, phá rối an ninh, chống phá trại giam, trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài… nhằm chống chính quyền nhân dân. Chủ thể thực hiện các hành vi xâm phạm ANQG được BLHS quy định là tội phạm đều với lỗi cố ý trực tiếp với mục đích nhằm lật đổ hoặc làm suy yếu chính quyền nhân dân, đây là dấu hiệu bắt buộc đối với loại tội phạm này.

 

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 1999 được thông qua ngày 19/6/2009 tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII, đã sửa đổi, bổ sung Điều 84 quy định về “Tội khủng bố” thành “Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân”. Đồng thời, BLHS năm 2009 đã sửa đổi, bổ sung rất nhiều nội dung, trong đó có bỏ 8 hình phạt tử hình, nhưng riêng đối với các tội xâm phạm về ANQG thì 7 tội danh trên 14 tội danh quy định mức hình phạt cao nhất đến tử hình vẫn giữ nguyên. Mặt khác, so sánh tổng thể 275 tội phạm cụ thể quy định trong BLHS đã sửa đổi thì chỉ còn lại 20 tội danh có khung hình phạt cao nhất là tử hình; trong khi đó, nhóm tội phạm về ANQG có tỷ lệ hình phạt tử hình rất cao (7/14 tội). Điều đó cho thấy, việc bảo vệ nền ANQG, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ chế độ XHCN là nhiệm vụ hết sức quan trọng và thể hiện chính sách hình sự của Đảng, Nhà nước ta trong việc cương quyết nghiêm trị các phần tử chống phá cách mạng, xâm phạm ANQG.

 

Thực tiễn xét xử các tội xâm phạm an ninh quốc gia: Đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm hiện nay

TAND TP Hà Nội xét xử Lê Thị Công Nhân và Nguyễn Văn Đài về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”

 

Đối với nhiều loại tội phạm khác thì các tội xâm phạm về ANQG tương đối ổn định về hành vi và hình phạt. So với các loại tội phạm khác, các tội xâm phạm ANQG có số lượng ít hơn nhưng lại có tính chất và hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, đe dọa đến sự ổn định và vững mạnh của chính quyền nhân dân. Cấu thành tăng nặng và cấu thành giảm nhẹ của tội phạm này được xây dựng trên cơ sở vai trò của người phạm tội: Người tổ chức, người xúi giục, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng là những tình tiết định khung tăng nặng hình phạt, còn người đồng phạm khác là tình tiết định khung giảm nhẹ hình phạt. Ngoài hình phạt chính còn có các hình phạt bổ sung như: Tước một số quyền công dân, quản chế, cấm cư trú từ 1 đến 5 năm, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Hình phạt bổ sung được quy định ở một điều luật riêng biệt và có thể được áp dụng cho tất cả các tội xâm phạm ANQG.

 

Thực tiễn xét xử các tội xâm phạm ANQG

 

Trong những năm qua, tình hình các tội phạm về xâm phạm về an ninh quốc gia diễn biến rất phức tạp. Các thế lực thù địch, các phần tử cực đoan và bọn phản động lưu vong ở nước ngoài cấu kết với các phần tử xấu trong nước tuyên truyền xuyên tạc nhằm chống phá chính quyền, hình thành nên các tổ chức phản động nhằm tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Đặc biệt, thời gian gần đây, các đối tượng, tổ chức núp bóng dưới nhiều hình thức hoạt động tôn giáo, kinh doanh, tổ chức đảng phản động, tổ chức khiếu kiện... nhằm lật đổ chính quyền nhân dân diễn ra ở nhiều vùng miền. Chúng sử dụng một số nước láng giềng trong khu vực làm địa điểm tập hợp lực lượng và huấn luyện các hoạt động chống phá Nhà nước ta, làm cho công tác đấu tranh phòng chống nhóm tội này cũng hết sức khó khăn. Hành vi phạm tội xâm phạm ANQG thường gắn liền với hoạt động của các tôn giáo (lợi dụng tôn giáo để phạm tội), các tổ chức, đảng phái chính trị phản động ở trong và ngoài nước (đảng Việt Tân, đảng Thăng tiến, đảng Vì dân, Liên minh dân chủ nhân quyền Việt Nam...) gắn liền với việc lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thành lập hội cũng như lợi dụng sự phát triển của khoa học, công nghệ thông tin, báo chí... Do đó, mức độ ảnh hưởng, phổ biến, lan truyền của các hành vi phạm tội rất lớn, gây nên hậu quả xấu và khó lường.

 

Trên cơ sở phân tích tình hình tội phạm xâm phạm ANQG trong những năm qua, các loại tội phạm mà Tòa án xét xử chủ yếu là: Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 79); Tội tuyên truyền chống nhà nước (Điều 88); Tội gián điệp (Điều 80); ngoài ra còn có một vài vụ án về tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân, tội phá rối an ninh (Điều 89). Điển hình là vụ án Nguyễn Quốc Quân, một thành viên của Đảng Việt Tân bị TAND TP. Hồ Chí Minh tuyên phạt 6 tháng tù về tội “Khủng bố”; vụ án Đoàn Huy Chương, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đỗ Thị Minh Hạnh bị TAND tỉnh Trà Vinh xét xử về tội “Phá rối an ninh”.

 

Trong các vụ án xâm phạm ANQG mà Tòa án xét xử thì hầu hết, những người phạm tội đều thuộc thành phần trí thức, có trình độ học vấn cao, có người là bác sỹ, thạc sỹ công nghệ thông tin, sinh viên. Thậm chí, có nhiều vụ án mà bị cáo là cử nhân, thạc sỹ luật, tiến sỹ luật, luật sư đã từng làm việc tại các đoàn luật sư cũng như các văn phòng luật sư trong nước. Các tổ chức phản động nước ngoài sử dụng các đối tượng này là nhằm dễ dàng thực hiện các hoạt động tội phạm. Điển hình là bị cáo Lê Chí Quang, cử nhân luật bị TAND TP. Hà Nội tuyên phạt 4 năm tù và 3 năm quản chế về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”; vụ án luật sư Lê Thị Công Nhân và luật sư Nguyễn Văn Đài (là thành viên của Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) bị TAND TP. Hà Nội xét xử về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”; vụ án Cù Huy Hà Vũ bị TAND TP. Hà Nội xét xử về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”... 

 

Nhìn chung, việc xét xử của Tòa án đã nghiêm trị các hành vi xâm phạm đến nền ANQG, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống các tội phạm này. Tuy nhiên, thực tế xét xử các vụ án này lại thấy rằng, chủ yếu người phạm tội bị lôi kéo, kích động, hoặc thuộc thành phần bất mãn cơ hội, vì tiền mà phạm tội. Vì thế, việc xét xử cũng thể hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta đối với người lầm lạc. 

 

Trần Quang Huy

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực tiễn xét xử các tội xâm phạm an ninh quốc gia: Đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm hiện nay