Thẩm phán Trần Hữu Quân, Chánh án TAND tỉnh Hà Nam: Nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên toà hình sự sẽ tránh được oan sai

Trần Minh Giang (thực hiện)| 31/05/2014 09:10
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Việc tranh tụng tại phiên toà theo tinh thần NQ 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị được TAND 2 cấp tỉnh Hà Nam đặc biệt quan tâm và coi đây là khâu đột phá để nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án nói chung, án hình sự nói riêng.

Phóng viên Báo Công lý đã trao đổi với Thẩm phán Trần Hữu Quân, Chánh án TAND tỉnh Hà Nam để hiểu rõ hơn về tác dụng của nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa hình sự.

PV: TAND hai cấp tỉnh Hà Nam đã nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa hình sự ra sao, thưa ông?

Thẩm phán Trần Hữu Quân: Quán triệt và nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên toà, các Thẩm phán, Hội thẩm phát huy tinh thần trách nhiệm trong công việc. Khi xét xử, Thẩm phán thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc cơ bản của BLTTHS, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ tìm ra sự thật vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ có tội, chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo để ra bản án với mức hình phạt tương xứng. HĐXX đảm bảo mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, đảo đảm quyền bào chữa của bị cáo nhất là những bị cáo bị truy tố về tội theo khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình hoặc bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất và tâm thần.

HĐXX cũng thực hiện nghiêm nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; các phán quyết của HĐXX căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên toà, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, người bào chữa, bị cáo, người làm chứng, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan để ra bản án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. HĐXX khi xét xử, hoàn toàn độc lập, không xuôi chiều theo cáo trạng truy tố; vì vậy chất lượng tranh tụng tại các phiên toà hình sự từng bước được nâng cao.

PV: Vậy hiệu quả từ việc nâng cao chất lượng tranh tụng như thế nào, thưa ông?

Thẩm phán Trần Hữu Quân: Từ năm 2005 đến nay, chất lượng xét xử các vụ án hình sự của TAND hai cấp tỉnh Hà Nam được nâng lên rõ rệt, không có tình trạng xét xử oan người vô tội hoặc bỏ lọt người phạm tội; góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Kết quả 8 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, TAND hai cấp tỉnh Hà Nam đã giải quyết, xét xử 3.948/3.991 vụ với 6.884/6.972 bị cáo đạt tỷ lệ 99% số vụ và số bị cáo (trong đó xét xử 220 vụ án điểm; tổ chức xét xử lưu động 303 vụ). Đặc biệt trong 3.948 vụ đã xét xử, có 3 vụ với 6 bị cáo bị Toà án xét xử có tội danh khác với cáo trạng truy tố. Có 7 vụ với 8 bị cáo, Toà án trả hồ sơ để điều tra bổ sung xác định lại hành vi phạm tội của bị cáo (kết quả là hai vụ, hai bị cáo bị Toà án trả hồ sơ, Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ vì hành vi không cấu thành tội phạm; hai vụ, hai bị cáo bị Toà án trả hồ sơ, Viện kiểm sát rút quyết định truy tố vì hành vi không cấu thành tội phạm; 3 vụ, 4 bị cáo bị Toà án trả hồ sơ, Viện kiểm sát thay đổi tội danh truy tố). Có một vụ, 3 bị cáo, Viện kiểm sát rút truy tố và Toà án đình chỉ vụ án. Sau khi xét xử, dư luận nhân dân đồng tình với phán quyết của Toà án.

Thẩm phán Trần Hữu Quân, Chánh án TAND tỉnh Hà Nam: Nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên toà hình sự sẽ tránh được oan sai

Chánh án Trần Hữu Quân

PV: Để việc tranh tụng tại phiên tòa hình sự thực hiện một cách nghiêm túc, ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Thẩm phán Trần Hữu Quân: Khoản 5 Điều 103, Hiến pháp 2013 đã quy định "Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được đảm bảo", do đó, các Thẩm phán, Hội thẩm cần tuân thủ triệt để nguyên tắc này. Muốn vậy, các cơ quan có thẩm quyền cần hoàn thiện các quy định của BLTTHS về phần xét hỏi; thay đổi vai trò xét hỏi theo hướng buộc tội là của Kiểm sát viên; xét hỏi theo hướng gỡ tội là của người bào chữa, của bị cáo. Bị cáo không chỉ còn là người có nghĩa vụ trả lời như trước đây mà được quyền đề nghị HĐXX hỏi thêm những vấn đề liên quan. Chủ toạ phiên toà là người điều hành việc xét hỏi, chủ toạ chỉ xét hỏi sau cùng nếu thấy cần thiết. Phần tranh luận, đối đáp giữa bên buộc tội và gỡ tội phải đối đáp đầy đủ các vấn đề mà bên kia đưa ra, tránh tình trạng không đối đáp, giữ nguyên quan điểm truy tố.

Bên cạnh đó, cần sửa đổi quy định tại Điều 196 BLTTHS về giới hạn của việc xét xử, bảo đảm việc xét xử của Toà án trên cơ sở thẩm tra công khai tại phiên toà không phụ thuộc vào tội danh truy tố của Viện kiểm sát như quy định hiện hành. Các Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát cũng như TAND các cấp phải tạo điều kiện cho bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật. Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế thực hiện việc tranh tụng theo hướng pha trộn giữa xét hỏi và tranh tụng đảm bảo tất cả các tài liệu hồ sơ trong vụ án đều phải được thẩm tra công khai tại phiên toà, hướng tới xây dựng việc tranh tụng tại phiên toà mà không còn việc xét hỏi như quy định của BLTTHS hiện hành. Đồng thời, chúng ta cần mở rộng phạm vi bào chữa để ngày càng có nhiều vụ án được Luật sư tham gia bào chữa ngay từ khi khởi tố bị can, đây là giải pháp đặc biệt quan trọng hướng tới việc chống oan, khắc phục tình trạng ép cung, mớm cung như nhiều vụ án xảy ra trên địa bàn cả nước vừa qua.

Mặt khác, để đảm bảo thực sự tranh tụng thì cần thay đổi nghi thức phòng xử án theo hướng HĐXX là người ngồi phía trên đối diện với những người đến dự phiên toà. Kiểm sát viên và Luật sư ngồi đối diện nhau ở phía dưới, đảm bảo sự bình đẳng khi tham gia tố tụng. Bị cáo đứng trước vành móng ngựa đối diện với HĐXX. Thư ký phiên toà ngồi phía dưới thấp hơn HĐXX. Và, điều quan trọng nhất là chúng ta phải đảm bảo cơ sở vật chất, xây dựng phòng xử án hiện đại; tăng cường công tác đào tạo kỹ năng tranh tụng tại phiên toà, bồi dưỡng phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ Thẩm phán, Hội thẩm, Kiểm sát viên, Luật sư.

PV: Xin cảm ơn ông! 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thẩm phán Trần Hữu Quân, Chánh án TAND tỉnh Hà Nam: Nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên toà hình sự sẽ tránh được oan sai