PGS.TS Phạm Duy Nghĩa: Dự thảo Luật Tổ chức TAND sửa đổi đã thể hiện tương đối thành công theo tinh thần Hiến pháp

Tống Toàn| 19/03/2014 09:11
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

PGS.TS Phạm Duy Nghĩa là một chuyên gia về pháp luật ở Việt Nam, hiện là giảng viên của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright và Khoa Luật, Đại học kinh tế TP Hồ Chí Minh. Ông đã có buổi trao đổi với Báo Công lý về Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi).

Các chuyên ngành PGS.TS Phạm Duy Nghĩa nghiên cứu và giảng dạy bao gồm: Pháp luật và chính sách công, quản trị nhà nước, phương pháp nghiên cứu chính sách công. 

PGS.TS Phạm Duy Nghĩa: Dự thảo Luật Tổ chức TAND sửa đổi đã thể hiện tương đối thành công theo tinh thần Hiến pháp

PGS.TS. Phạm Duy Nghĩa

PV: Ông đánh giá như thế nào về Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)?

PGS.TS Phạm Duy Nghĩa: Đánh giá tổng quan, tôi cho rằng Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) đã thể hiện một tầm nhìn chiến lược nhằm cải cách hệ thống Tòa án với những bước đi thận trọng, các giải pháp có tính toán kỹ. Nếu Dự thảo được thông qua mà không bị cắt xén hoặc chỉnh sửa thêm một cách bất hợp lý trong các bước tiếp theo của quy trình lập pháp, sẽ là một cải cách đáng ghi nhận, vượt lên những dùng dằng trong cải cách tư pháp hiện nay. Bản Dự thảo đã tận dụng được không gian tự do mà Hiến pháp 2013 tạo ra, đồng thời bám sát các cam kết chính trị về cải cách tư pháp từ Nghị quyết 49. Các giải pháp cải cách mà Dự thảo đề xuất có cơ sở chắc chắn về lý thuyết và thực tiễn, vì thế có tính khả thi cao.

PV: Là người am hiểu pháp luật hiện hành, ông có thấy chính sách cải cách được lựa chọn trong Dự thảo Luật?

PGS.TS Phạm Duy Nghĩa: Trong bộ máy chính quyền hiện hành, các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, dù còn nhiều đan xen và chồng chéo, song đang phân tách. Trong ba quyền đó, sức ép cải cách các cơ quan ban hành chính sách và thực thi công vụ là liên tục và rõ nhất, nền hành chính công của Việt Nam ngày càng chịu sức ép chấp nhận những chuẩn mực và quy trình quản lý công được quốc tế hóa theo hướng minh bạch, chịu trách nhiệm rõ ràng, mang tính phục vụ hơn đối với người dân. Thành tựu trong cải cách hành chính công rõ ràng và dễ nhận biết hơn, có thể nói quyền hành pháp ở Việt Nam đã chấp nhận cải cách sớm và rộng hơn so với các nhánh quyền lực lập pháp và tư pháp.

Hiến pháp 2013 đã trao cho hệ thống TAND chức năng thực hiện quyền tư pháp. Quyền hành pháp được hiểu và thực thi rất rõ gồm quyền lựa chọn chính sách và tổ chức nền hành chính công nhằm thực thi chính sách, nền hành pháp vì thế bao gồm một thiết chế hành pháp chính trị và bộ máy công vụ. Quyền lập pháp về căn bản thực hiện chức năng đại diện cho cử tri và chuyển hóa các chính sách đã được chọn thành luật để có hiệu lực thi hành chung.

So với hai quyền kể trên, quyền tư pháp là quyền độc lập phán xử về các tranh chấp trong xã hội nhằm duy trì công lý, nhân quyền và các giá trị khác mà theo tôi đã được những người soạn Hiến pháp sắp xếp một cách có chủ đích trong khoản 3 Điều 102 Hiến pháp 2013. Tranh chấp có thể xuất hiện giữa cá nhân, tổ chức, chính quyền (dân sự, hành chính) và giữa các cấp chính quyền (ví dụ giữa chính quyền địa phương và chính quyền trung ương) hoặc các nhánh quyền lực của chính quyền (như giữa Quốc hội và Chính phủ), chúng ngày càng đa dạng và lan rộng, cần có một thiết chế để xác định chuẩn mực nhằm duy trì một trật tự và quyền, trách nhiệm thỏa đáng giữa các bên. Tư pháp là giữ gìn công lý, công lý là một giá trị phổ quát bao trùm hơn luật, lệ và các thể chế công cũng như tư, chính thức cũng như phi chính thức. Quyền tư pháp vì lẽ đó có thể hiểu rất rộng, Tòa án có thể dò dẫm thử nghiệm ranh giới quyền lực của mình lan tới xem xét tính chính đáng, tính hợp hiến của các đạo luật hoặc giải thích hiến pháp, từ đó góp phần cân bằng những nhánh quyền lực Nhà nước được phái sinh từ Hiến pháp.

Cách ghi nhận quyền tư pháp tại Hiến pháp 2013 là cấp tiến và có lẽ không cần sửa nhiều trong vài thập kỷ tới, chỉ có điều hệ thống TAND hiện hành cần tới một số tiền đề để từng bước đảm đương được một phần của quyền tư pháp.

Tôi đồng ý với đánh giá thẳng thắn, không né tránh về thực trạng ngành Tòa án của Bản báo cáo tổng kết thi hành Luật Tổ chức Tòa án 2002. Dự thảo Luật 2014 được thiết kế để Tòa án đảm nhận tốt hơn một số chức năng thực thi quyền tư pháp, với một lộ trình cải cách thận trọng, vừa phải, trong tương quan với các thể chế chính trị hiện thời ở nước ta.

PV: Với kinh nghiệm thực tiễn, trong các năm tới đây, cải cách hệ thống Tòa án cần thấy trước điều gì, thưa ông?

PGS.TS Phạm Duy Nghĩa: Trong tầm nhìn quốc tế, môi trường pháp lý trở thành một rủi ro, dịch vụ pháp lý trở thành một dịch vụ công chứa đựng yếu tố cạnh tranh. Tranh chấp kinh doanh ở Việt Nam có thể được giải quyết bởi nền tư pháp Singapore, Hong Kong, bằng các thiết chế trọng tài trong và ngoài nước, kể cả tranh chấp giữa nhà đầu tư và Nhà nước theo phương thức ISD đang được đàm phán trong Hiệp định TPP. Tòa án và hoạt động xét xử vì lẽ đó mang dáng dấp của một dịch vụ công, cạnh tranh với các phương thức giải quyết tranh chấp khác, phi chính thức, trọng tài hoặc nước ngoài.

Thêm nữa, trong hệ thống các cơ quan tư pháp theo nghĩa rộng (điều tra, kiểm sát, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, luật sư, công chứng, thẩm định, giám định, thi hành án, trại giam), chức năng và mối quan hệ giữa Tòa án cần được thiết kế để phù hợp với vai trò trung tâm của Tòa án trong hệ thống các cơ quan tư pháp. Tòa án phải xác định rõ sứ mạng trong bối cảnh tất cả các thể chế nhà nước khác cũng đang thay đổi.

Ngoài chức năng xét xử, các Tòa án đang và có thể sẽ đảm nhận thêm một số chức năng hành chính tư pháp (tuyên thệ dịch thuật viên, thẩm định viên, quản lý hệ thống bổ trợ tư pháp như tống đạt, thừa phát lại, hệ thống cảnh sát tư pháp, một số chức năng đăng ký tài sản, đăng ký phán quyết của trọng tài, hỗ trợ kê biên, thực thi các biện pháp tạm thời, công nhận cho thi hành phán quyết Tòa án hoặc trọng tài nước ngoài, thậm chí Tòa án đảm nhận chức năng trung gian hòa giải… những điều này cần được dự liệu trước).

Hơn nữa, từ góc nhìn quản trị công, với nguồn lực có hạn, hệ thống Tòa án phải được tổ chức sao cho hiệu quả để thực hiện sứ mạng và chức năng xét xử riêng của mình, từ đó đặt ra các yêu cầu về tổ chức, quy trình và chính sách nhân sự cần được thiết kế để phù hợp với đặc trưng của hệ thống Tòa án.

Tóm lại, nếu so sánh với cải cách hành chính công ngay trong nước, thực ra cải cách tư pháp đã diễn ra chậm và dè dặt hơn. Trong một tầm nhìn về môi trường thể chế đang thay đổi toàn cầu, để đảm bảo môi trường thể chế tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế, hệ thống tư pháp nước ta cần được cải cách cho phù hợp.

PV: Theo ông Tòa án cần làm gì để thể hiện vai trò trung tâm trong hệ thống các cơ quan tư pháp và từng bước thực hiện đầy đủ quyền tư pháp?

PGS.TS Phạm Duy Nghĩa: Nghị quyết số 49-NQ/TW về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” xác định hoàn thiện tổ chức và hoạt động của TAND là trọng tâm của cải cách các cơ quan tư pháp. Điều cần giải thích rõ hơn là Tòa án đóng vai trò trung tâm trong hệ thống tư pháp nghĩa là thế nào? So với nguồn lực vật chất, con người và quyền hạn của Chính phủ (Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp), cũng như so với sự chính danh quyền lực nhân dân của các đại biểu dân cử, quyền lực của hệ thống Tòa án trên thực tế là khá hữu hạn.

Xa hơn nữa, có thể chứng minh từ pháp chế sử Việt Nam, ngành tư pháp tương đối non trẻ, chưa bao giờ có cơ hội để trở thành một quyền lực đáng kể có thể kiểm soát hành pháp. Ngược lại, tư pháp dường như được hiểu như một ngạch quan trong nền quan chế.

Vì thế, trong các chiến lược cải cách hệ thống Tòa án, cần lưu ý: Đó là cần xác định rõ quyền tư pháp, định nghĩa các chức năng riêng của hệ thống TAND, chuẩn bị để trở thành một nhánh quyền lực đáng kể trong chính quyền. Tiếp đó, hệ thống này thoát dần khỏi bóng của hệ thống hành chính, từ vị thế na ná như một Bộ trong Chính phủ tiến tới xây dựng một hệ thống Tòa án đặc thù, phù hợp với chức năng xét xử và thực hiện các dịch vụ hành chính tư pháp. Đồng thời, từng bước xây dựng niềm tin và uy tín của Tòa án trong xã hội, từ quyền và uy đó mới tạo ra quyền lực tương đối độc lập của toàn hệ thống Tòa án.

Tuy nhiên, tôi cũng xin nhấn mạnh, sự độc lập và quyền uy của toàn hệ thống TAND cần được ưu tiên và trên thực tế quan trọng hơn là sự độc lập của từng Thẩm phán trong hoạt động xét xử. Ngoài ra, uy tín của hệ thống Tòa án phụ thuộc căn bản vào hai yếu tố: năng lực, đức hạnh của các Thẩm phán và quy trình tố tụng chặt chẽ, đề cao tranh tụng. Tôi cho rằng, các ý tưởng này đã được nhóm chủ trương thể hiện tương đối thành công trong Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi).

PV:Xin cảm ơn ông! 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
PGS.TS Phạm Duy Nghĩa: Dự thảo Luật Tổ chức TAND sửa đổi đã thể hiện tương đối thành công theo tinh thần Hiến pháp