Những hạn chế, bất cập của hệ thống TAND theo luật hiện hành (kỳ 3)

Gia Hưng| 03/06/2014 11:23
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Như chúng tôi đã nêu lên những hạn chế, bất cập của hệ thống TAND trong việc thi hành Luật Tổ chức TAND năm 2002, Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm TAND 2002, Pháp lệnh Tổ chức Tòa án Quân sự năm 2002...

KỲ 3: NHỮNG HẠN CHẾ, BẤT CẬP VÀ NGUYÊN NHÂN

Vướng mắc ở chế định Hội thẩm nhân dân

Một trong những hạn chế, bất cập hiện nay là sự chênh lệch về trình độ chuyên môn và nghiệp vụ giữa Thẩm phán và Hội thẩm ngày càng rõ rệt. Trong khi pháp luật đòi hỏi Thẩm phán phải có tiêu chuẩn cao về chuyên môn, nghiệp vụ; trình độ hiểu biết pháp luật của nhân dân đã được nâng cao hơn so với trước đây thì tiêu chuẩn của Hội thẩm hầu như không có gì thay đổi qua nhiều năm. Bên cạnh đó, để thực hiện tốt các nguyên tắc: Thẩm phán và Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; khi xét xử Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán và nguyên tắc xét xử tập thể, quyết định theo đa số thì càng đòi hỏi ở Hội thẩm nhiều hơn về kiến thức chuyên môn. Trong khi đó, các quy định về tiêu chuẩn của Hội thẩm còn rất chung chung và khác xa so với những tiêu chuẩn đặt ra đối với Thẩm phán, đó là "có kiến thức pháp lý" và "phải được bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ". Thực tế hiện nay, trình độ chuyên môn của đội ngũ Hội thẩm nhân dân không đồng đều và chưa đáp ứng được những tiêu chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ.

Hiện nay, việc quản lý Hội thẩm nhân dân được thực hiện theo Thông tư liên tịch số 01/2004/TTLT-TANDTC-UBTWMTTQVN, Nghị quyết liên tịch số 05/2005/NQLT/ TANDTC-BNV-UBTWMTTQVN. Đối với việc xây dựng cơ chế nâng cao chất lượng Hội thẩm; cơ chế quản lý cũng như trách nhiệm tham gia hoạt động xét xử, các yêu cầu đối với Hội thẩm theo tinh thần cải cách tư pháp... mặc dù đã và đang triển khai thực hiện nhưng vẫn còn những hạn chế nhất định, cần được nghiên cứu và thể chế hóa trong quá trình xây dựng Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), nhằm đảm bảo chất lượng đội ngũ Hội thẩm và có cơ chế quản lý, giám sát phù hợp nâng cao trách nhiệm của đội ngũ Hội thẩm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xét xử trong tình hình mới. 

Hơn nữa, Hội thẩm không phải là công chức Tòa án. Khi được bầu làm Hội thẩm thì họ vẫn là cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị đang công tác hoặc cán bộ nghỉ hưu. Khi được phân công xét xử thì họ mới đến Tòa án để nghiên cứu hồ sơ và tham gia phiên tòa. Các chế độ hiện nay đối với Hội thẩm còn thấp, chỉ có chế độ bồi dưỡng phiên tòa với mức 90.000 đồng/ngày nghiên cứu hồ sơ hoặc xét xử. Khi tham gia xét xử, Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán, trong khi Thẩm phán có chế độ phụ cấp công vụ, phụ cấp trách nhiệm nhưng Hội thẩm lại không được hưởng các chế độ phụ cấp này.

Những hạn chế, bất cập của hệ thống TAND theo luật hiện hành (kỳ 3)

Xét xử vụ án trộm cắp tài sản tại TAND TP Đà Nẵng

Những hạn chế về bảo đảm hoạt động của Tòa án

Do trong thời gian dài chưa được quan tâm đầu tư đúng mức và do tình hình chia tách địa giới hành chính, cấp tỉnh, cấp huyện trong hơn 10 năm qua nên hiện nay, cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động của các Toà án còn thiếu thốn, nhất là ở cấp huyện. Thậm chí, có đơn vị vẫn chưa được cấp đất để xây dựng trụ sở mà phải thuê nơi làm việc và phòng xét xử (hiện nay, có 26 đơn vị cấp huyện chưa có trụ sở, phải thuê nơi làm việc và phòng xét xử; có đơn vị chưa có trụ sở 10 năm nay; có đơn vị được cấp đất nhưng chưa được đầu tư xây dựng). Bên cạnh đó, phương tiện làm việc, kinh phí hoạt động, chế độ chính sách đối với Toà án được cấp với định mức gần giống với cơ quan hành chính - sự nghiệp nên chưa thực sự phù hợp với tính chất đặc thù của công tác xét xử, từ đó làm hạn chế đến hiệu quả công tác của các Toà án. Nhìn chung, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc, kinh phí hoạt động của các Toà án còn bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu công tác xét xử trong điều kiện cải cách tư pháp.

Tiếp đó, công tác phát triển nguồn nhân lực, trong đó nội dung chủ yếu là chủ động, tập trung đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ Thẩm phán, Hội thẩm, cán bộ, công chức Tòa án, bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của TAND trong tình hình mới. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2002 thì Chánh án TANDTC lại chưa được giao nhiệm vụ đào tạo mà mới chỉ được giao nhiệm vụ bồi dưỡng nghiệp vụ (khoản 8 Điều 25). Đây là một trong những bất cập lớn, ảnh hưởng đến quá trình xây dựng và phát triển nguồn nhân lực của hệ thống Tòa án nói chung và công tác đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ Thẩm phán nói riêng.

Chế độ tiền lương của cán bộ, công chức hệ thống TAND hiện nay là quá thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt chung và chưa có chính sách đãi ngộ đặc thù nên chưa thực sự động viên, khuyến khích được đội ngũ cán bộ, công chức tận tâm, cống hiến và gắn bó lâu dài với Tòa án, đồng thời chưa có tác dụng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào công tác trong Tòa án, đặc biệt là những Tòa án ở các địa phương vùng sâu, vùng xa.

Bên cạnh những hạn chế, bất cập nêu trên, Luật Tổ chức TAND năm 2002 chưa có quy định cụ thể về nhiệm vụ hợp tác quốc tế của TANDTC. Điều này là chưa phù hợp với yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn, chưa phù hợp với vị trí, vai trò của TANDTC với tư cách là cơ quan cao nhất trong hệ thống cơ quan được giao thực hiện quyền tư pháp, một trong ba quyền lực cơ bản của Nhà nước.

Nguyên nhân của những hạn chế, bất cập

Về những hạn chế, bất cập mà chúng tôi đã nêu ở trên, ở những loạt bài trước, bên cạnh những nguyên nhân khách quan như: Nhiệm vụ mà hệ thống Tòa án được giao ngày càng nặng nề; cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của các Tòa án còn khó khăn, thiếu thốn. Đó còn là đòi hỏi của nhân dân và xã hội đối với công tác Tòa án ngày càng cao; tình hình diễn biễn tội phạm và những tranh chấp phát sinh trong xã hội ngày càng phức tạp; sự phối hợp trong công tác của các cơ quan hữu quan với Tòa án còn có những bất cập. Nhưng, có thể khẳng định, nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, bất cập trong tổ chức và hoạt động của Tòa án các cấp xuất phát từ các quy định của pháp luật hiện hành về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Tòa án từng cấp còn chưa hợp lý, chưa tạo được cơ sở pháp lý, cơ chế và điều kiện thuận lợi để các Tòa án thực hiện có hiệu quả các chức năng, nhiệm vụ được giao.

Đáng lưu ý, việc Hiến pháp (cũ), Luật Tổ chức TAND hiện hành không quy định Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp dẫn đến việc xác định chưa đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của Tòa án các cấp; việc pháp luật quy định chưa rõ ràng về địa vị pháp lý của TANDTC dẫn đến hệ thống TAND được tổ chức như một Bộ, ngành mà chưa phải là một thiết chế. Từ đó, việc xử lý các vấn đề về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức và bảo đảm cơ sở vật chất cho hoạt động của Tòa án, chế độ, chính sách cho Thẩm phán, Hội thẩm và cán bộ, công chức Tòa án còn nhiều bất cập. Nó không tương xứng với vị trí, vai trò của cơ quan Tòa án trong bộ máy Nhà nước, chưa đáp ứng được các nguyên tắc cơ bản về tổ chức và hoạt động của TAND theo tinh thần cải cách tư pháp. Theo đó, Tòa án mới chỉ được xác định là trung tâm, xét xử là trọng tâm của hoạt động tư pháp. Tổ chức hệ thống Tòa án theo thẩm quyền xét xử; bảo đảm nguyên tắc độc lập trong hoạt động của Tòa án... 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những hạn chế, bất cập của hệ thống TAND theo luật hiện hành (kỳ 3)