Những góc nhìn về việc “thực hiện quyền tư pháp” của Tòa án

Nguyên Bình| 05/06/2014 15:22
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hiến pháp 2013 đã quy định rõ: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện

Hiến pháp 2013 đã quy định rõ: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”. “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước CHXHCNViệt Nam, thực hiện quyền tư pháp”.

 

Với tinh thần đó, tại Hội thảo về đổi mới tổ chức và hoạt động của TAND theo yêu cầu cải cách tư pháp của Ban Nội chính Trung ương tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cũng đã làm rõ thêm nội hàm “quyền tư pháp” để từ đó thể chế vào Luật TCTA cho phù hợp và đáp ứng yêu cầu thực tế hiện nay.

 

Nhiều ý kiến cho rằng, việc xây dựng Luật Tổ chức TAND theo tinh thần đổi mới là điều rất quan trọng, trong 3 nhánh quyền lực thì “quyền tư pháp” là quan trọng nhất và gần gũi với người dân. Hàng ngày các Thẩm phán ban hành những quyết định liên quan trực tiếp đến người dân. Tất cả các quốc gia đều đề cập đến vấn đề quan trọng là tính độc lập của các cơ quan tư pháp cả về nhân sự, ngân sách, và nhiều vấn đề khác. Chúng ta đang hướng đến mục tiêu làm cho hệ thống Tòa án độc lập trong xét xử như bản chất  vốn có.

 

Những góc nhìn về việc “thực hiện quyền tư pháp” của Tòa án

Tiến sĩ Dương Thanh Mai phát biểu tại Hội thảo

 

Kinh nghiệm một số nước trên thế giới, quyền tư pháp là quyền lực nhà nước giao cho Tòa án thực hiện, bao gồm từ quyền phán quyết đối với các vi phạm  pháp luật, kể cả vi phạm hiến pháp trong các đạo luật; xử lý các tranh chấp, xung đột về quyền, nghĩa và nghĩa vụ phát sinh từ các quan hệ xã hội; công nhận giá trị pháp lý của các sự kiện, hành vi làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ của cá  nhân, cơ quan tổ chức… cho đến quyền giải thích pháp luật để pháp luật được áp dụng thống nhất, công bằng, nhằm bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. 

 

Tại Việt Nam, hiện cũng còn nhiều ý kiến khác nhau về cách hiểu nội hàm của quyền tư pháp. Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh cho rằng, việc nghiên cứu để cụ thể hóa “quyền tư pháp” của TAND trong luật là rất cần thiết. Tuy nhiên đây là vấn đề lớn và rất mới về cả lý luận và thực tiễn ở nước  ta, nên cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng và cân nhắc, thận trọng khi lựa chọn các nội dung và mức độ cụ thể trong luật cho phù hợp với quá trình hoàn thiện về lý luận, thực tiễn ở Việt Nam.

 

Bà Lê Thị Thu Ba, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo CCTP Trung ương cũng đã đánh giá, việc thực hiện quyền tư pháp giao cho Tòa án là trọng trách rất lớn, với yêu cầu rất cao là Tòa án phải thực sự độc lập. Đây là chủ trương chung về yêu cầu CCTP, đồng thời là điều kiện đảm bảo để thực hiện quyền tư pháp. 

 

Tuy nhiên, với góc độ là một chuyên gia pháp lý, TS. Dương Thanh Mai, Chuyên gia cao cấp của Bộ Tư pháp đã bình luận rất xác đáng về “quyền tư pháp” mà Tòa án thực hiện (đã được đề cập đến trong dự thảo Luật Tổ chức TAND).

 

TS. Mai cho rằng, Hiến pháp 2013 đã xác định Tòa án là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp, và tại Điều 2, khoản 2 dự thảo Luật Tổ chức TAND dường như đang trình bày nội hàm của thực hiện quyền tư pháp thông qua một số nhiệm vụ quyền hạn của Tòa án. Theo đó, ngoài nhiệm vụ xét xử các loại vụ án và giải quyết các vụ việc  khác theo quy định của pháp luật, việc thực hiện quyền tư  pháp còn bao gồm một số nhiệm vụ, quyền hạn khác.

 

Như nhiệm vụ, quyền hạn mang tính chất “kiểm soát tư pháp” của Tòa án đối với hoạt động tiền xét xử của chính mình hoặc cơ quan tiến hành tố tụng khác trong quá trình giải quyết vụ án hoặc vụ việc khác; trong quá trình xét xử và giai đoạn thi hành án, quyết định giám sát đối với việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật,…; kiểm soát tính hợp Hiến, hợp pháp của các văn bản QPPL thuộc thẩm quyền của Quốc hội, UBTVQH trước khi trình thông qua,…

 

Bà Mai cho rằng, xét từ nguyên tắc phân công, phối hợp và kiểm soát  việc thực hiện quyền lực nhà nước thì một khi Hiến pháp đã xác định Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, thì các cơ quan, tổ chức tiến hành tố tụng hoặc tham gia tố tụng đều phải coi là cơ quan, tổ chức tham gia thực hiện quyền tư pháp và đều phải chịu sự kiểm soát tư pháp của Tòa án. Điều này cũng tương tự như Quốc hội là cơ quan thực hiện quyền lập pháp thì các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác tham gia thực hiện quyền lập pháp (như Chủ tịch nước, Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC khi đề xuất xây dựng pháp luật) đều phải chịu sự kiểm soát của Quốc hội về tính hợp Hiến, hợp pháp về các hoạt động của mình. “Vì vậy, tôi ủng hộ việc quy định những nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án để thực hiện “kiểm soát tư pháp” đều thuộc nội hàm “thực hiện quyền tư pháp””- Bà Mai nhấn mạnh.

 

Cũng theo bà Mai, những nhiệm vụ quyền hạn đó của Tòa án phải gắn với việc xét xử thì coi là thuộc “nội hàm quyền tư pháp”. Và khi nhiệm vụ “kiểm soát tư pháp” của Tòa được chấp nhận khi thực hiện quyền tư pháp thì sẽ phải quy định thành trình tự, thủ tục tố tụng chặt chẽ với các hậu quả pháp lý rõ ràng trong các luật tố tụng, các luật thi hành án liên quan.

 

Và có thể coi đây là một cuộc cải cách quan trọng với việc đặt Tòa án vào đúng vị trí trung tâm của hoạt động tư pháp với nhiệm vụ trọng tâm là xét xử và thiết lập cơ chế kiểm soát tư pháp do Tòa án thực hiện đối với tất cả hoạt động tham gia thực hiện quyền tư pháp nhằm bảo đảm và bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trong các quá trình tố tụng tư pháp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những góc nhìn về việc “thực hiện quyền tư pháp” của Tòa án