Những định hướng, nội dung quan trọng của Dự thảo Luật Tổ chức TAND sửa đổi (kỳ 3)

PV| 28/02/2014 10:15
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Phạm vi điều chỉnh của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) bao hàm tất cả các vấn đề về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và hoạt động của Tòa án...

Trong đó tổ chức hệ thống Tòa án nhân dân phải thể hiện được bản chất nhân dân của Tòa án nước ta, bảo đảm cho hệ thống Tòa án không cồng kềnh, tiết kiệm chi phí và nguồn lực cho công tác Tòa án; thống nhất đầu mối quản lý, giám sát hoạt động của các Tòa án.

Bài 3:  Về tổ chức Tòa án nhân dân

Theo quan điểm của Ban soạn thảo, các Tòa án nhân dân được thiết kế trong một hệ thống thống nhất hay thiết kế theo hướng bên cạnh hệ thống Tòa án thông thường có thể có hệ thống Tòa án chuyên biệt song song để giải quyết các loại vụ việc có tính đặc thù như một số quốc gia trên thế giới (hệ thống Tòa án về gia đình và người chưa thành niên; Tòa án hành chính, Tòa án giải quyết các tranh chấp lao động, Tòa án sở hữu trí tuệ...) là vấn đề được đặt ra để cân nhắc. Có hai phương án khác nhau về tổ chức hệ thống Tòa án nhân dân, cụ thể là:

Phương án 1: Các Tòa án nhân dân được tổ chức trong một hệ thống thống nhất là hệ thống Tòa án nhân dân, gồm các Tòa án nhân dân và các Tòa án quân sự. Trường hợp có thành lập các Toà chuyên trách để giải quyết theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm đối với một số loại vụ việc có tính chất đặc thù thì các Tòa này cũng nằm trong hệ thống Tòa án nhân dân và do Tòa án nhân dân tối cao thống nhất quản lý.

Phương án 2: Bên cạnh hệ thống Tòa án thông thường cần thành lập các hệ thống Tòa án chuyên biệt song song để giải quyết những loại vụ việc có tính đặc thù cao như một số quốc gia trên thế giới (hệ thống Tòa án về gia đình và người chưa thành niên; Tòa án hành chính, Tòa án giải quyết các tranh chấp lao động, Tòa án sở hữu trí tuệ…) nhằm tăng cường chuyên môn hóa; qua đó nâng cao chất lượng xét xử đối với từng loại vụ việc, đồng thời có thể tạo cơ chế bán tư pháp để giảm tải các vụ việc mà Tòa án nhân dân phải giải quyết. Nếu tổ chức các Tòa án theo phương án 2 sẽ làm tăng đáng kể gánh nặng về chi phí cho việc tổ chức lại các Tòa án, nhất là việc sắp xếp lại nguồn nhân lực, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đối với từng loại Tòa án; đồng thời, cũng làm phát sinh nhiều vấn đề cần xử lý như yêu cầu về công tác quản lý, giám sát hoạt động của các Tòa án.

Những định hướng, nội dung quan trọng của Dự thảo Luật Tổ chức TAND sửa đổi (kỳ 3)

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn phát biểu tại Hội thảo đóng góp ý kiến Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)

Vì vậy, sau quá trình nghiên cứu và trên cơ sở nhiều ý kiến đồng thuận, trong dự thảo Luật đề cập tổ chức hệ thống Tòa án nhân dân được thiết kế theo phương án 1. Tổ chức hệ thống Tòa án nhân dân theo hướng này vừa thể hiện bản chất nhân dân của Tòa án nước ta, vừa bảo đảm sự thể hiện thống nhất trong Hiến pháp và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), bảo đảm cho hệ thống Tòa án tránh cồng kềnh, tiết kiệm chi phí và nguồn lực cho công tác Tòa án; thống nhất đầu mối quản lý, giám sát hoạt động của các Tòa án, phù hợp với truyền thống tư pháp và pháp luật Việt Nam.

Về cơ cấu tổ chức của hệ thống Tòa án nhân dân: Nghị quyết số 49-NQ/TW và Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị, Kết luận số 64-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI và các văn kiện của Đảng về cải cách tư pháp đã đặt ra yêu cầu tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính; bảo đảm nguyên tắc độc lập trong hoạt động của Tòa án. Theo quy định tại khoản 2 Điều 102 của Hiến pháp mới thì: “Tòa án nhân dân gồm Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án khác do luật định”.

Thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng về cải cách tư pháp, trong đó có yêu cầu tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử, bảo đảm nguyên tắc độc lập trong hoạt động của Tòa án; tạo cơ sở pháp lý để đổi mới tổ chức và hoạt động của Toà án nhân dân theo hướng hợp lý, khoa học và hiện đại về cơ cấu tổ chức và điều kiện, phương tiện làm việc, khắc phục những tồn tại, bất cập hiện nay trong tổ chức và hoạt động của Toà án; bảo đảm cho Tòa án thực hiện tốt chức năng xét xử, thực hiện quyền tư pháp của quốc gia; phục vụ có hiệu quả công cuộc đổi mới của đất nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Những quan điểm, định hướng của Đảng về cơ cấu tổ chức của hệ thống Tòa án và quy định của Hiến pháp mới cần được thể hiện trong Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Theo đó, Dự thảo Luật quy định hệ thống Tòa án được tổ chức theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính, gồm 4 cấp, cụ thể là: Toà án nhân dân sơ thẩm khu vực được tổ chức ở một hoặc một số đơn vị hành chính cấp huyện; Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ chủ yếu là xét xử phúc thẩm và xét xử sơ thẩm một số vụ án; Toà án nhân dân cấp cao được tổ chức theo 3 khu vực (miền Bắc, miền Trung và miền Nam) có nhiệm vụ xét xử phúc thẩm các bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc địa hạt tư pháp có kháng cáo, kháng nghị và giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định của Toà án thuộc địa hạt tư pháp đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị; Toà án nhân dân tối cao có nhiệm vụ tổng kết thực tiễn xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm.

Việc tổ chức hệ thống Tòa án nhân dân theo hướng này là phù hợp với các nguyên tắc về tổ chức và hoạt động của cơ quan thực hiện quyền tư pháp, đó là tổ chức theo thẩm quyền, độc lập xét xử...; bảo đảm tính khoa học và hợp lý trong tổ chức và hoạt động của Tòa án; khắc phục tình trạng chồng chéo về thẩm quyền và những hạn chế, bất cập khác trong tổ chức và hoạt động của Tòa án hiện nay. Bên cạnh đó, việc thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực sẽ thu gọn đầu mối các cơ quan Tòa án, là điều kiện để Nhà nước tập trung đầu tư nguồn lực cho các Tòa án này, điều chỉnh hợp lý biên chế Thẩm phán, cán bộ, công chức, bảo đảm nâng cao chất lượng giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án. Đối với Tòa án nhân dân tối cao sẽ không thực hiện chức năng xét xử phúc thẩm mà tập trung vào công tác tổng kết thực tiễn xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm - Đây cũng là phương thức để nâng cao chất lượng xét xử của các Tòa án, hạn chế oan sai trong xét xử, bảo vệ tốt hơn các quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, đáp ứng đòi hỏi của xã hội về việc Tòa án phải là chỗ dựa của nhân dân về công lý, góp phần nâng cao vị trí, vai trò của cơ quan Tòa án trong Nhà nước pháp quyền. 

(Kỳ sau: Những vấn đề đặt ra đối với TAND sơ thẩm khu vực)  

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những định hướng, nội dung quan trọng của Dự thảo Luật Tổ chức TAND sửa đổi (kỳ 3)