Cần tiếp tục hoàn thiện quy định đối với các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế

Trần Quang Huy| 18/06/2014 10:41
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế có đặc thù riêng, phụ thuộc vào chính sách kinh tế của đất nước trong từng thời kỳ.

Một hành vi trong giai đoạn này có thể bị coi là xâm phạm trật tự quản lý kinh tế nhưng giai đoạn khác lại không phải là tội phạm và ngược lại. Vì vậy, việc hoàn thiện Bộ luật Hình sự cũng như hướng dẫn, giải thích các quy định về các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế là vô cùng quan trọng, đòi hỏi phải có tính thay đổi và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh kinh tế của đất nước.

 

Thực tiễn xét xử 

 

Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm hại nền kinh tế quốc dân, gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, lợi ích hợp pháp của tổ chức và của công dân qua việc vi phạm quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế. Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế được quy định trong Bộ luật Hình sự gồm: Tội buôn lậu (Điều 153); Tội vận chuyển trái phép hàng hoá tiền tệ qua biên giới (Điều 154); Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm (Điều 155); Tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 156); Tội đầu cơ (Điều 160); Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165).

 

Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm ở nước ta có những diễn biến hết sức phức tạp, không chỉ gia tăng về số vụ, số người phạm tội mà tính chất của tội phạm cũng có nhiều thay đổi. Tội phạm đã cấu kết với nhau thành từng băng, ổ nhóm hoạt động trên những địa bàn khác nhau với các thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, công khai và trắng trợn. Vì vậy, Bộ luật Hình sự năm 2009 đã có những sửa đổi, bổ sung phần các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế cho phù hợp, đồng thời bổ sung một số loại tội phạm mới như: Tội in, phát hành, mua bán trái phép hoá đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước (Điều 164a); Tội vi phạm quy định về bảo quản, quản lý hoá đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước (Điều 164b); Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan (Điều 170a); Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán (Điều 181a); Tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán (Điều 181b).

 

Cần tiếp tục hoàn thiện quy định đối với các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế

Xét xử vụ án Dương Chí Dũng và các đồng phạm - một trong những “đại án” xâm phạm trật tự quản lý kinh tế

 

Hiện nay, trong việc xét xử các tội xâm phạm về trật tự quản lý kinh tế, bình quân số bị cáo trên một vụ án có xu hướng ngày càng tăng; tỷ lệ số vụ án đưa ra xét xử về các tội này chiếm một phần đáng kể trong số các tội phạm khác. Mặc dù các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế tương đối phổ biến và có số lượng lớn, nhưng số lượng bản án, quyết định bị hủy không nhiều. Tuy nhiên, trong thực tiễn xét xử vẫn còn một số sai lầm thường gặp như sai lầm trong xác định tội danh, sai lầm trong xác định tài sản và xác định tư cách người tham gia tố tụng.

 

Qua công tác giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ án có liên quan đến các tội về xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, TANDTC nhận thấy TAND các cấp thường gặp như sai lầm trong việc xác định tội danh. Việc định tội danh sai là do Thẩm phán trình độ nghiệp vụ còn kém hoặc không nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật và hướng dẫn áp dụng Bộ luật Hình sự nên đã định tội không đúng như: Người phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” lại bị Tòa án kết án về tội “Tàng trữ, vận chuyển, lưu hành giấy tờ có giá giả”; người phạm tội có hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng thì bị xét xử về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; người phạm tội vận chuyển hàng cấm qua biên giới bán kiếm lời thì Toà án lại kết án về tội “Buôn bán hàng cấm” chứ không kết án về tội “Buôn lậu”… Mặt khác, vẫn còn không ít Thẩm phán sai lầm trong việc xác định tài sản chiếm đoạt. Việc xác định giá trị tài sản chiếm đoạt có ý nghĩa trong việc xác định mức hình phạt, ảnh hưởng đến tính chính xác và nghiêm minh của bản án, quyết định. Thực tiễn xét xử tại Tòa án cho thấy vẫn có Thẩm phán sai lầm trong vấn đề này dẫn đến bản án, quyết định bị hủy. Ngoài ra, những sai lầm thường mắc phải trong quá trình xét xử các tội xâm phạm trật tự về quản lý kinh tế là việc xác định sai trách nhiệm bồi thường dân sự và xác định sai tư cách người tham gia tố tụng.

 

Cần tiếp tục hoàn thiện trong Bộ luật Hình sự 

 

Việc hướng dẫn, giải thích quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về tình tiết định tội, định khung trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế là yêu cầu cần thiết giúp cho những người tiến hành tố tụng xác định tội danh và áp dụng pháp luật chính xác tránh những sai lầm dẫn đến việc làm oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm. Do tính chất và đặc điểm của các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế luôn bị chi phối bởi chính sách kinh tế của Đảng và Nhà nước, vì thế, qua thực tiễn xét xử và thực tiễn nghiên cứu cho thấy: Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế là những loại tội phức tạp, việc định tội danh, đánh giá chứng cứ khi nghiên cứu, xét xử là một công tác khó không chỉ đối với cán bộ Tòa án mà đối với cả những Thẩm phán có kinh nghiệm. Trên thực tế, công tác xét xử loại tội phạm nói trên cũng đã có những tiến bộ đáng kể thể hiện sự nỗ lực của những người làm công tác bảo vệ pháp luật trong thời gian qua. Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng việc áp dụng pháp luật và thi hành pháp luật đối với loại tội phạm trên cũng vẫn còn những hạn chế, nhất là khi Bộ luật Hình sự 2009 có sửa đổi, bổ sung về một số tội thuộc chương các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế.

 

Bộ luật Hình sự chỉ quy định những dấu hiệu đặc trưng của tội phạm, còn hành vi cụ thể xâm phạm trật tự quản lý kinh tế lại phải căn cứ vào các văn bản của Nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý kinh tế mới xác định được. Vì thế, ngoài việc áp dụng Bộ luật Hình sự thì cần có sự thống nhất với các luật chuyên ngành như: Luật Thuế, Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn liên quan. Chính vì vậy, bên cạnh việc nâng cao trình độ, phẩm chất đạo đức của các cán bộ xét xử thì việc tăng cường hướng dẫn các loại tội phạm này cũng là một phương thức hỗ trợ đắc lực tránh được việc hiểu không thống nhất khi áp dụng pháp luật. 

 

Do đó, cả trên phương diện lý luận và thực tiễn áp dụng pháp luật về hình sự và tố tụng hình sự đối với các tội xâm phạm trật tự về quản lý kinh tế nói riêng hay các tội phạm khác được quy định trong Bộ luật Hình sự nói chung cần phải được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện để qua đó nâng cao hiệu quả của công tác đấu tranh, phòng ngừa phòng chống tội phạm và nâng cao hiệu quả của công tác xét xử, nhất là đối với các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế trong giai đoạn hiện nay. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần tiếp tục hoàn thiện quy định đối với các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế