Lão thành cách mạng Đặng Châu Tuệ: Vị Thẩm phán mẫu mực

04/01/2014 09:18
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nơi thì lấy tên ông đặt tên đường phố như đường Đặng Châu Tuệ, một con đường lớn dài gần chục km tại TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Có địa phương thì lấy tên phong trào du kích do ông khởi xướng và lãnh đạo đặt tên cho địa danh trong khu vực để tưởng nhớ đến ông như phường Ngọc Trạo, TP. Thanh Hóa (phường mang tên đội du kích Ngọc Trạo hùng tráng do ông chỉ huy năm nào). Ngành Tòa án nhân dân nhớ đến ông bởi sự “phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” mà ông luôn thực hiện trong suốt thời gian công tác trong ngành Tòa án.

 

Con nhà tư sản sớm giác ngộ cách mạng

 

Từ thời niên thiếu, cậu bé Đặng Châu Tuệ luôn thể hiện tình cảm với tầng lớp nô dịch bị thực dân, phong kiến ức hiếp. Mặc dù chưa đến tuổi thành niên, ông Tuệ đã sớm được giác ngộ và đi theo cách mạng. Thoạt đầu, ông tham gia các phong trào chống thực dân, phong kiến ở quê hương Thái Bình. Bị các quan thầy thực dân phong kiến bắt bớ, tra khảo nhưng ông vẫn một mực thể hiện khí tiết của cậu bé Trần Quốc Toản “bóp nát quả cam” tại bến Bình Than năm xưa. 

 

Lão thành cách mạng Đặng Châu Tuệ: Vị Thẩm phán mẫu mực

Ông Đặng Châu Tuệ trong một lần về thăm Báo Quảng Ninh

 

Khi đến tuổi trưởng thành, ý chí và tinh thần căm thù thực dân, phong kiến cũng như mong mỏi thoát khỏi ách thống trị của chúng, ông Tuệ rời nhà đi theo cách mạng. Những năm 1920, cái tên Đặng Châu Tuệ là nỗi ám ảnh lớn của các quan thầy thực dân, phong kiến toàn bộ khu vực phía Bắc bởi những hoạt động chống phá, tiêu hao cơ sở vật chất của địch do ông Tuệ chỉ huy. Sau đó, ông Tuệ được kết nạp và tham gia Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội do Nguyễn Ái Quốc khởi xướng. Lúc bấy giờ, khu mỏ Hồng Gai - Cẩm Phả - Đông Triều - Uông Bí là khu công nghiệp lớn, có đội ngũ công nhân đông đảo, sớm tập trung của vùng Đông Bắc nước ta. Đây là một trong những nơi được Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội đặc biệt quan tâm.

 

Trưởng thành trong gian khó

 

Cuối năm 1928 đến đầu năm 1929, Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội đã phái nhiều hội viên là những thanh niên trí thức, tiểu tư sản đến khu mỏ để phát động phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân chống ách áp bức bóc lột của bọn thực dân Pháp, bọn tư bản chủ mỏ. Đầu năm 1929, Chi bộ Đảng đầu tiên ở khu mỏ được thành lập tại Mạo Khê, Quảng Ninh bao gồm: Đặng Châu Tuệ, Trần Văn Tước, Vũ Thị Mai, Bùi Văn Đạo, Đinh Tiến Toán. Vừa ra đời, Chi bộ ở Mạo Khê đã vận động công nhân quyên góp tiền ủng hộ cuộc đấu tranh của công nhân xưởng A-vi-a ở Hà Nội (nổ ra ngày 28/5/1929), mở lớp dạy văn hóa cho công nhân, giăng biểu ngữ, giải truyền đơn chống nô dịch áp bức… Sau ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga rầm rộ do Chi bộ đảng khu mỏ lãnh đạo (7/11/1929) ở Cẩm Phả - Cửa Ông, ông Đặng Châu Tuệ và bà Vũ Thị Mai bị truy bắt gắt gao. Ông Tuệ và bà Mai phải rời Cẩm Phả - Cửa Ông đến Mạo Khê hoạt động. Ông Tuệ vào làm công nhân đào than tại lò Pi-o (Non Đông ngày nay), sau đó chuyển sang làm thợ chống lò ở Vạn Lợi (tức Văn Lôi ngày nay). 

 

Cũng từ đây, ông Tuệ, bà Mai cùng với Chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng ở Mạo Khê phát hành báo “Than” mà người chủ chốt làm báo Than là Bí thư Chi bộ Đặng Châu Tuệ và đảng viên Vũ Thị Mai. Tờ báo ra đời đã làm phong trào yêu nước trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Với những hoạt động nổi bật của ông Tuệ, thực dân Pháp nhiều năm săn lùng và năm 1931, ông Tuệ bị lộ và bị bắt, sau đó ông bị giam tại Hỏa Lò rồi nhà tù Côn Đảo với mức án chung thân. Trong quá trình bị giam cầm, ông Tuệ luôn thể hiện khí phách kiên trung, lòng yêu nước nồng nàn, ông cùng bạn tù quyết liệt đấu tranh nên năm 1936, thực dân Pháp buộc phải trả tự do cho ông. 

 

Ra khỏi nhà tù thực dân, Đặng Châu Tuệ đã cùng với Đặng Xuân Khu (tức đồng chí Trường Chinh), Hạ Bá Cang (tức đồng chí Hoàng Quốc Việt) Khuất Duy Tiến… tham gia nhóm Lé Travail (Báo Lao động) - nơi ông Võ Nguyên Giáp đang làm việc. Đầu 1938, ông được giao phụ trách nhà đại lý báo của Đảng bộ Nam Định, đến đầu năm 1939, ông được điều động về phụ trách hiệu sách “Phạm Đình Truy” của Đảng bộ Thái Bình. Thực chất đây là những cơ sở tuyên truyền của Đảng. Cùng thời gian này, sau khi chi nhánh hải ngoại của Đảng Xã hội Pháp (SFIO) ra đời ở Bắc và Trung Kỳ, Đảng Cộng sản Đông Dương đã cử đảng viên của mình, trong đó có Đặng Châu Tuệ, tham gia SFIO để tranh thủ những người Pháp dân chủ và các trí thức Việt Nam tiến bộ.

 

Năm 1941, Đặng Châu Tuệ được Xứ uỷ Bắc Kỳ cử vào tham gia Thường vụ Tỉnh uỷ Thanh Hoá với vai trò là Bí thư Tỉnh ủy, chỉ đạo việc thành lập chiến khu du kích Ngọc Trạo và trực tiếp chỉ huy đội du kích chiến khu. Ngày 19/9/1941, đội du kích vũ trang thoát ly đầu tiên của chiến khu Ngọc Trạo ra đời với 21 chiến sĩ, được chia thành các tiểu đội khác nhau như: Tiểu đội súng kíp, tiểu đội mã tấu và gươm giáo, tiểu đội trinh sát, tiểu đội thanh niên cảm tử, tổ chăm sóc y tế và tổ tiếp tế. Các chiến sĩ du kích chiến khu Ngọc Trạo sau này đã trở thành những nòng cốt trong các đội vũ trang của các tổng Cổ Tế, Trạch Nhật tham gia cướp chính quyền ở huyện Thạch Thành, Thanh Hóa; cùng nhân dân cả nước thực hiện thành công Cách mạng tháng Tám năm 1945. Hình ảnh chiến khu Ngọc Trạo là niềm tự hào của quân dân Thạch Thành nói riêng, của cả nước nói chung. 

 

Tri ân với nhà cách mạng 

 

Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, Đặng Châu Tuệ được cử làm Chủ tịch Uỷ ban Hành chính lâm thời tỉnh Nam Định, được bầu là Đại biểu Quốc hội khoá I của tỉnh Nam Định, đặc phái viên của Chính phủ. Ngày 30/9/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 237/SLM cử Đặng Châu Tuệ giữ chức Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến hành chính tỉnh Ninh Bình. Năm 1954, ông là Chánh án Tòa án liên khu 3... Nhớ về ông Đặng Châu Tuệ, ông Đỗ Cao Thắng, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy TANDTC tâm sự: “Ngày ông Tuệ làm Chánh án Tòa án liên khu 3, tôi đang là một cán bộ của Vụ Tổ chức cán bộ TANDTC nên tôi hay được gặp ông Tuệ mỗi khi về Tòa liên khu, hoặc khi Chánh án Tuệ lên làm việc với TANDTC. Ngày ông được điều về làm lãnh đạo Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội, nhiều lần tôi được ngồi nghe ông xử án. Những vụ án mà ông Tuệ xét xử, tôi thấy có tính giáo dục rất cao, rất sâu sắc và học hỏi được nhiều điều trong quá trình công tác sau này”.

 

Với những dấu ấn để lại trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của ông Đặng Châu Tuệ, nhiều địa phương trong cả nước đã vinh danh ông. Tỉnh Quảng Ninh đã quyết định lấy tên Đặng Châu Tuệ đặt cho tên đường phố ở TP Hạ Long. Khu di tích lịch sử chiến khu Ngọc Trạo do ông khởi xướng tại huyện Thạnh Thành, tỉnh Thanh Hóa đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. Và, từ năm 1981, tỉnh Thanh Hóa quyết định đặt tên một địa danh trung tâm của TP Thanh Hóa là phường Ngọc Trạo.

 

Cao Văn Tỉnh

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lão thành cách mạng Đặng Châu Tuệ: Vị Thẩm phán mẫu mực