Xét xử vụ án vỡ đường ống nước Sông Đà: Các bị cáo nhận đã làm hết trách nhiệm

Mạnh Hùng| 05/03/2018 19:02
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều nay (5/3), phiên tòa xét xử sơ thẩm các bị cáo trong vụ án Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ vỡ đường ống nước Sông Đà - Hà Nội tiếp tục được diễn ra ở phần thẩm vấn.

Theo đó, mở đầu phiên xử chiều nay, trả lời câu hỏi của HĐXX hỏi về quá trình công tác tại Công ty cổ phần (CTCP) Ống sợi thủy tinh Vinaconex (Viglafico) cũng như thời điểm Công ty cung cấp ống sợi thủy tinh cho dự án đường ống nước Sông Đà - Hà Nội, thời gian Viglafico được chỉ định thầu, bị cáo Trần Cao Bằng, nguyên Giám đốc CTCP Ống sợi thủy tinh Vinaconex trả lời: “Tôi đề nghị tòa lấy tài liệu đọc chứ tôi không xác nhận”.

Tuy nhiên, trước thái độ của bị cáo Bằng, HĐXX vẫn yêu cầu bị cáo này phải trả lời, sau một hồi tra cứu tài liệu, bị cáo Bằng cho biết Viglafico được thành lập từ tháng 6/2004 và được Vinaconex chỉ định thầu ở thời điểm từ tháng 10/2004. Bị cáo này cũng cho biết: “Bị cáo bị bắt đi tù mà không biết mình đi tù về tội gì. Bị cáo quá vất vả khi cứ phải đi giải thích cho mọi người”.

Tiếp đó, bị cáo Trần Cao Bằng tỏ ra là người nắm rất chắc về chuyên môn khi giải thích cho HĐXX những thuật ngữ chuyên ngành về lĩnh vực này theo Tiêu chuẩn sản xuất ống composite sợi thủy tinh ANSI/AWWA C950-01 của Hiệp hội Công trình thủy Hoa Kỳ.

Kết luận giám định ngày 15/4/2015 của Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) đã kết luận nguyên nhân chính gây ra vỡ đường ống truyền tải nước sạch là do ống composite đã lắp đặt cho công trình không đảm bảo chất lượng do đơn vị sản xuất không tuân thủ theo tiêu chuẩn này.

Bên cạnh đó, khi trả lời các câu hỏi của HĐXX, bị cáo đã liên tục có những biểu hiện vung tay khiến Thẩm phán Nguyễn Thị Xuân Thu phải nhắc nhở: “Bị cáo không cần phải vung tay vì đây không phải chỗ diễn thuyết”.

Xét xử vụ  án vỡ đường ống nước Sông Đà: Các bị cáo nhận đã làm hết trách nhiệm

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử

Tiêp tục phần trả lời thẩm vấn của HĐXX, bị cáo Nguyễn Văn Khải, nguyên Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Sông Đà - Hà Nội cho biết: so với 7 tiêu chuẩn của ANSI/AWWA C950  - 01 của Hiệp hội Công trình thủy Hoa Kỳ, trong hợp đồng có 5 tiêu chuẩn. Bị cáo Nguyễn Văn Khải nói: “Căn cứ theo trách nhiệm của những người trong BQLDA, đại diện chủ đầu tư chịu trách nhiệm về xây dựng, kiểm soát chất lượng ống, bị cáo cùng các bị cáo khác ký các biên bản nghiệm thu. Bị cáo khẳng định là không thiếu tiêu chuẩn, nhưng hồ sơ bên Viglafico chỉ đóng dấu của phòng thí nghiệm chưa hợp chuẩn. Nhưng theo bị cáo, hợp đồng đó không sai”.

Ngoài ra, Nguyễn Văn Khải cũng yêu cầu làm rõ kết luận giám định: “Khi xảy ra vụ án, bị cáo rất lo. Khi bị khởi tố, bị cáo rất hoang mang vì đã nghỉ làm nên không còn tài liệu để đối chiếu. Mong HĐXX xem xét khách quan tất cả nguyên nhân làm vỡ ống. Ống sợi thủy tinh là ống đầu tiên sử dụng tại Việt Nam, chủ đầu tư, bên thiết kế thi công chưa có kinh nghiệm nên rất dễ có sự nhầm lẫn giữa các bên”.

Theo cáo trạng truy tố, vật liệu chính của tuyến ống ban đầu được chủ đầu tư dự án là Vinaconex lựa chọn dùng ống gang dẻo. Nhưng sau đó đã được HĐQT Vinaconex quyết định thay đổi bằng vật liệu composite cốt sợi thủy tinh. Sau khi thay đổi, HĐQT quyết định ban hành các quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật, quyết định phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công dự án do đơn vị thiết kế dự án là Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Vinaconex lập; trong đó đã lựa chọn và phê duyệt áp dụng tiêu chuẩn sản xuất và thử nghiệm ống composite cốt sợi thủy tinh cung cấp cho Dự án theo Tiêu chuẩn ANSI/AWWA C950 - 01 của Hiệp hội Công trình thủy điện Hoa Kỳ. Đây cũng là tiêu chuẩn xây dựng mà chủ đầu tư dự án phê duyệt áp dụng trong dự án.

Cũng trong phần thẩm vấn, bị cáo Trương Trần Hiển, nguyên Trưởng Phòng Vật tư, thiết bị thuộc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Sông Đà - Hà Nội, khẳng định hồ sơ kèm theo trong việc cung cấp ống dẫn phù hợp với quy định của hợp đồng, đối chiếu lại thì có 5 chỉ tiêu trước khi xuất xưởng.

Xét xử vụ  án vỡ đường ống nước Sông Đà: Các bị cáo nhận đã làm hết trách nhiệm

Bị cáo Trần Cao Bằng tại phiên tòa xét xử

Theo đó, bị cáo này nói và kêu oan với HĐXX: “Trong hợp đồng mua bán, nghiệm thu có 5 chỉ tiêu. Ống nước này tuân theo Tiêu chuẩn ANSI/AWWA C950 - 01 và phải tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam. Trong quá trình kiểm tra, thử áp lực, kiểm tra hồ sơ thì thấy chỉ có 5 giấy thí nghiệm. Khi 23 ống chất lượng kém dẫn đến hậu quả ống vỡ có nhiều nguyên nhân từ khâu chọn vật liệu, thiết kế, bảo quản,… Hậu quả xảy ra, theo chức năng nhiệm vụ được phân công, tôi không làm sai; theo quy định của pháp luật tôi không vi phạm. Cáo trạng truy tố như vậy tôi thấy oan”.

Tiếp tục thẩm vấn bị cáo Vũ Thanh Hải, nguyên Trưởng phòng sản xuất, nguyên Quản đốc phân xưởng, nguyên Phó Giám đốc Công ty cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex. Tuy nhiên, bị cáo này bày tỏ không đồng ý với nội dung của cáo trạng.

Bị cáo Hải cho rằng trong quá trình làm Trưởng phòng sản xuất từ tháng 8/2004 - 12/2005, chủ yếu chỉ đạo xây dựng nhà máy, tiếp nhận công nghệ, kiểm tra sản phẩm trong thời gian ngắn. Đến tháng 1/2007, bị cáo mới làm Phó Giám đốc nhà máy phụ trách mảng kinh doanh. Do vậy, việc Cáo trạng quy trách nhiệm bị cáo chỉ đạo xuyên suốt quá trình thực hiện dự án là không hợp lý.

Bị cáo Hải nói: “Bị cáo chỉ ký 66 biên bản nghiệm thu, không phải 73 biên bản nghiệm thu như Cáo trạng đã nêu. Bị cáo không trực tiếp chỉ đạo vấn đề kỹ thuật. Bị cáo ký với tư cách Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh, trên cơ sở đã được lập trước đó. Đến thời điểm này, bị cáo chưa biết sai ở điểm nào”.

Trước lời khai của các bị cáo liên tục cho rằng mình làm đúng, chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Nguyễn Thị Xuân Thu cho rằng hầu hết các bị cáo đều đã thành khẩn khai báo, nhưng vấn đề của các bị cáo là chưa nhận thức được việc làm của mình là sai, khi đã không nhận ra được sai lầm của mình thì có thể sẽ lặp lại sai lầm như đã từng.

Cùng trong phần thẩm vấn, bị cáo Nguyễn Biên Hùng và Hoàng Quốc Thống đều nguyên là cán bộ Công ty CP Nước & Môi trường Việt Nam, hai bị cáo này đều khẳng định mình đã làm hết trách nhiệm và không làm trái quy định của pháp luật.

Trước lời khai của hai bị cáo này, vị chủ tọa phiên tòa cho rằng các bị cáo được chủ đầu tư thuê tư vấn giám sát nên trình độ chắc chắn phải hơn so với các bị cáo khác đang ngồi đây. Nếu đến bây giờ các bị cáo đều khẳng định mình không làm sai, vậy thì ai sẽ chịu trách nhiệm cho 18 lần vỡ đường ống nước?

Phiên tòa xét xử sẽ tiếp tục được làm việc trở lại vào 8h sáng ngày mai (6/3).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xét xử vụ án vỡ đường ống nước Sông Đà: Các bị cáo nhận đã làm hết trách nhiệm