Xét xử vụ án Ngân hàng Đông Á: Vũ "nhôm" kêu oan không có căn cứ

An Dương| 13/12/2018 14:10
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 13/12/2018, phiên tòa sơ thẩm xét xử 26 bị cáo trong vụ án gây thiệt hại hơn 3.600 tỉ đồng tại Ngân hàng Đông Á (DAB) tiếp tục với phần tranh luận.

Đại diện VKSND TP. Hồ Chí Minh đã phát biểu quan điểm đối đáp lại và sau đó, các luật sư đã trình bày phần quan điểm bào chữa, bảo vệ bổ sung.

Vị đại diện VKSND Tp. Hồ Chí Minh nêu rõ, Viện đã rất chú ý lắng nghe, nghiên cứu về quan điểm bào chữa, bảo vệ của các luật sư cho các bị cáo Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DAB (bị VKS đề nghị án chung thân cho cả 2 tội danh); Nguyễn Thị Kim Xuyến Phó tổng giám đốc DAB (bị đề nghị cao nhất 30 năm tù) và các bị cáo còn lại (bị đề nghị từ 2-16 năm tù, một số được đề nghị cho hưởng án treo).

Các luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Phương Bình đề nghị xem xét nguyên nhân bối cảnh DAB tại thời điểm xảy ra vụ án, đề nghị xem xét lại hành vi xuất khẩu vàng, hành vi kinh doanh ngoại hối là rủi ro có thật, chi lãi ngoài là tránh ngân hàng sụp đổ… để đánh giá tính chất hành vi, thiệt hại. Ngoài ra, các luật sư có nêu các tình tiết giảm nhẹ cho ông Bình.

Xét xử vụ án Ngân hàng Đông Á: Vũ

VKS nhận định: "Vũ “nhôm” kêu oan không có căn cứ"

Đại diện VKS đã bác bỏ quan điểm của các luật sư về việc ông Bình chi lãi suất trái phép để tránh DAB sụp đổ. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có quy định cụ thể về mức lãi suất, ông Bình và đồng phạm không chấp hành, khi thấy ngân hàng rút vốn thì chủ trương chi lãi ngoài.

Viện lập luận: "Nếu DAB có nguy cơ sụp đổ thì cần phải báo cáo NHNN có biện pháp chứ không thể tự ý đưa ra chủ trương trái luật, dẫn đến thiệt hại 467 tỷ đồng".

Đại diện VKS không chấp nhận ý kiến cấn trừ cổ phần ông Bình và người thân tại DAB, bởi bị cáo thực hiện hành vi phạm tội mua cổ phần DAB đứng tên mình và người thân. Hậu quả là DAB đã thiệt hại không thể khắc phục, còn ông Bình và người thân được nhận cổ tức hàng năm. Đồng thời cổ phần tại DAB chưa giao dịch nên chưa tính được giá trị nên không thể cấn trừ vào thiệt hại.

Đại diện VKS cũng bác quan điểm cho rằng cần loại bỏ trách nhiệm hình sự đối với ông Bình trong việc xuất quỹ sai nguyên tắc để mua USD cho Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm"). Tại tòa, ông Vũ đã thừa nhận trách nhiệm dân sự và đang khắc phục hậu quả. Hành vi chiếm đoạt tiền của DAB đã hoàn thành trước đó, Vũ nộp lại tiền chỉ xem là khắc phục hậu quả chứ không thể loại bỏ trách nhiệm hình sự của các bị cáo.

Đối với kiến nghị của luật sư Phan Trung Hoài (bào chữa cho bị cáo Bình) về việc cần phải thu hồi lại tiền chi lãi suất ngoài từ các đối tượng đã nhận để khắc phục hậu quả vụ án, đại diện VKS nhận định có cơ sở chấp nhận.

Đối đáp lại với quan điểm của VKS trong sáng nay, luật sư Trương Thị Hòa (bào chữa cho bị cáo Bình) tranh luận: Về yếu tố cấu thành tội phạm, luật sư không đối đáp. Về phần kinh doanh vàng, ngoại hối trái phép,  luật sư xác định bị cáo có vi phạm Thông tư 02 của Thống đốc NHNN, “chúng tôi chỉ xin xem xét toàn diện hơn, ông Bình đã vi phạm Thông tư 02 nhưng yếu tố gây hậu quả cần xem xét thêm”. 

Luật sư Hà Văn Đăng tranh luận bổ sung 3 vấn đề, trong đó có nêu “thiệt hại của DAB là tài sản tập thể”, luật sư đề nghị DAB cung cấp tài liệu về tăng trưởng từ 2007 đến nay để HĐXX có điều kiện đánh giá một cách đầy đủ, khách quan: “Thiệt hại như cáo trạng quy kết hơn 3000 tỷ đồng thì luật sư chúng tôi cho rằng rất cần cân nhắc”.

Theo luật sư Đăng, ông Trần Phương Bình là người “nhạy bén trên thương trường”, nếu không chi lãi ngoài thì ngân hàng đã không thể tồn tại, cần xem xét bối cảnh.

Xét xử vụ án Ngân hàng Đông Á: Vũ

Các luật sư tại phiên tòa

Luật sư Phan Trung Hoài bào chữa bổ sung nêu rõ: "Đại diện VKS buộc ông Bình phải chịu trách nhiệm liên quan đến vụ mua 13,4 triệu USD chuyển cho ông Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”), khi đề cập đến trách nhiệm dân sự lại buộc ông Bình chịu trách nhiệm khi ông Bình không chiếm đoạt", do vậy Luật sư Hoài đề nghị HĐXX xem xét.

Luật sư Hoài băn khoăn: "Việc điều hành một Ngân hàng có bề dày 26 năm, ông Bình đã nhìn nhận trách nhiệm. Việc kinh doanh vàng, ngoại hối phát sinh thua lỗ, nên phải xác định việc thua lỗ hay thiệt hại. Ngân hàng khi thành lập được kinh doanh ngoại hối, kinh doanh thua lỗ". Luật sư mong HĐXX đánh giá thêm.

Về nội dung kêu oan của bị cáo Vũ “nhôm”, đại diện VKS nhận định không có cơ sở. Bị cáo đã không thành khẩn trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử và vu khống, xúc phạm những người tiến hành tố tụng. Tại tòa, bị cáo Vũ tố cáo kiểm sát viên, điều tra viên  có hành vi xúc phạm bị cáo trong phiên đối chất giữa bị cáo Vũ, bị cáo Bình. Tuy nhiên, Viện xem xét kỹ các văn bản tố tụng được lập tại thời điểm đó nhận thấy không có chứng cứ thể hiện việc “khủng bố tinh thần” đối với bị cáo.

Về một số bị cáo khác, vị đại diện VKS nhận định: Các luật sư đã nêu các tình tiết giảm nhẹ hình phạt và VKS nhận thấy có căn cứ để chấp nhận. Cụ thể như bị cáo Nguyễn Đức Tài có hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố,  khung hình phạt VKS đã đề nghị từ 16-18 năm tù. Xem xét quan điểm của luật sư xin giảm nhẹ hình phạt, Viện nhận thấy vai trò của Tài có phần hạn chế nên VKS hạ xuống 14-16 năm tù; Bị cáo Nguyễn Thị Ái Lan tuy kêu oan nhưng sau lại xin giảm nhẹ, VKS thấy bị cáo thành khẩn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên hạ xuống 9-10 năm tù so với đề nghị ban đầu là 10-12 năm tù; Các bị cáo Nguyễn Vinh Sơn, Phan Thị Tố Loan vai trò cũng hạn chế , có nhiều tình tiết giảm nhẹ, thể hiện sự ăn năn hối hận nên VKS đề nghị cho hưởng án treo…

Đối đáp lại, vị luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Vinh Sơn cảm ơn đại diện VKS đã “cầu thị hiếm có, không chỉ bằng mắt mà bằng trái tim, tạo sự tin tưởng cho các bị cáo vào pháp luât”. Thay mặt bị cáo, luật sư cảm ơn sự cầu thị của đại diện VKS.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xét xử vụ án Ngân hàng Đông Á: Vũ "nhôm" kêu oan không có căn cứ