Vai trò của Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ Tư pháp tại các phiên tòa

Châu Sơn| 29/01/2016 19:51
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Khi có lịch xét xử, lực lượng Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ Tư pháp xây dựng kế hoạch bảo vệ phiên tòa, trong đó, dự báo các tình huống xấu nhất có thể xảy đến và đề ra phương án giải quyết.

Trong suốt quá trình phiên tòa diễn ra, lực lượng này phải luôn giám sát chặt chẽ mọi hành vi của bị cáo, người bị hại, nguyên đơn, bị đơn và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, không để xảy ra hành vi gây rối, xúc phạm danh dự các thành viên Hội đồng xét xử hoặc giữa các bị cáo, bị hại hành hung lẫn nhau.

Công việc bảo vệ phiên tòa nghe kể tưởng chừng đơn giản nhưng đơn vị luôn chịu áp lực rất lớn, bởi công việc này liên quan đến tính mạng của bị cáo cũng như bảo đảm an toàn cho quá trình truy tố, xét xử của cơ quan pháp luật.

Đại úy Phan Hùng Vỹ - Đội trưởng, Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và Hỗ trợ Tư pháp (PC81), Công an tỉnh Quảng Nam cho biết: Có phiên tòa gần 20 bị cáo và hầu hết bị cáo đa số từng có tiền án, tiền sự nên từ khâu trích xuất đến khâu dẫn giải gặp nhiều khó khăn, lãnh đạo phòng phải huy động tất cả cán bộ chiến sĩ tham gia bảo vệ. Trong khi đó, những phiên tòa xét xử công khai, có cả nghìn người tham dự nên đơn vị luôn phải kiểm soát, giám sát chặt chẽ các điểm chốt, giữa các khu vực cách ly... để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi cản trở việc áp giải, hành hung bị cáo.

Vai trò của Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ Tư pháp tại các phiên tòa

Lực lượng Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ Tư pháp luôn sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống xấu nhất có thể xảy ra

Như vụ xét xử bị cáo Nguyễn Thị Thùy Linh (SN 1995, trú xã Quế Xuân 2, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) đã khiến cho các cán bộ, chiến sĩ của đơn vị khá vất vả. Hôm ấy, vụ án được xét xử công khai và có hơn 1.000 người tham dự. Trước đó, ngày 19/9/2013, chị gái của Linh mất 2 chiếc ĐTDĐ nên cằn nhằn với Linh. Linh nghi ngờ anh Nguyễn Quốc Việt (SN 1988, thôn 5, xã Quế Phú, huyện Quế Sơn) lấy trộm nên lấy dao Thái Lan bỏ vào túi quần rồi cùng mẹ mình là bà Phạm Thị Đại (SN 1972) tìm anh Việt để tra hỏi. 

Ban đầu, anh Việt thừa nhận không có lấy điện thoại, nhưng sau khi bà Đại khuyên giải thì anh Việt nhận mình đã lấy 2 chiếc điện thoại và đưa Linh cùng bà Đại đến nơi anh Việt cất giấu. Sau khi lấy được điện thoại, bà Đại lái xe chở anh Việt ngồi giữa, Linh ngồi sau quay về nhà mình. Khi bà Đại chạy xe về đến trước cổng, vừa xuống xe, Linh rút ngay con dao Thái Lan trong túi quần ra và đâm một nhát vào bụng anh Việt. Dù anh Việt đã bỏ chạy nhưng Linh vẫn tiếp tục truy sát anh Việt đến tử vong. Sau khi gây án, Linh bình tĩnh lấy xe máy của mẹ mình đi gặp gỡ bạn trai. Đến 22 giờ Linh trở về nhà và ghé vào một quán tạp hóa để mua thuốc lá hút thì bị công an bắt giữ.

Không ít trường hợp, khi nghe hội đồng xét xử tuyên án con em mình bị chung thân hoặc tử hình, nhiều người thân không kìm được cảm xúc nên có những hành động tiêu cực lao đến vành móng ngựa, nhiều trường hợp bị cáo còn giả điên giả dại ngay tại phiên tòa. Những tình huống như thế, các cán bộ, chiến sĩ tham gia bảo vệ tại phiên tòa phải kịp thời trấn an tinh thần bị cáo cũng như người thân của họ, đồng thời cương quyết ngăn chặn không để cho họ có hành vi gây mất trật tự tại phiên tòa và khu vực xét xử.

Không chỉ riêng việc áp giải bị cáo, việc dẫn giải nhân chứng cũng gặp nhiều khó khăn. Nhiều vụ án, nhân chứng không hợp tác. Dù cơ quan chức năng nhiều lần gửi giấy mời nhưng họ vẫn không chịu tham gia tố tụng. Trong những tình huống này, cán bộ PC81 phải thực hiện nhiệm vụ dẫn giải. Tuy nhiên, bao giờ các anh cũng lấy đạo lý để thuyết phục nhân chứng, giải thích quyền lợi, nghĩa vụ để nhân chứng có mặt tại phiên tòa.

Theo yêu cầu nghiệp vụ, các cán bộ của PC81 được phân công áp giải phải luôn theo sát phạm nhân, bị can, bị cáo. Trong khi đó, không ít bị cáo nhiễm HIV, mắc bệnh lây nhiễm, có thể gây ảnh hưởng đến cán bộ thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, để giữ an toàn cho một phiên tòa xét xử và các vấn đề liên quan thì lực lượng Thi hành án hình sự và Hỗ trợ Tư pháp không ngừng rèn luyện, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vai trò của Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ Tư pháp tại các phiên tòa