Tử tội tụng kinh sám hối

An Dương| 22/04/2015 10:15
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau khi nhận bản án tử hình trong vụ giết người tại Sơn La, tử tội Lò Văn Phóng (23 tuổi, ngụ Sơn La) đã đọc kinh Phật sám hối...

Phóng tâm sự, khi tiếp xúc với kinh Phật, bị cáo như xua tan được mây mù, nhìn ra được giá trị cuộc sống. Từ sự dằn vặt đó, Phóng khai ra vụ án cướp tài sản, giết người, hãm hiếp một cô gái tại Bình Dương. 

Anh H., cán bộ Công an từng áp giải di lý tử tội từ Sơn La về Bình Dương kể lại câu chuyện của Lò Văn Phóng.

Tử tội tụng kinh sám hối

Bị cáo Lò Văn Phóng tại phiên xét xử

Mới đây, Phóng vừa ra trước vành móng ngựa TAND Bình Dương để tiếp tục nhận sự trừng phạt của pháp luật mà bị cáo cho rằng “gieo nhân nào, gặt quả nấy”.

Lò Văn Phóng sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, Phóng không được học hành đến nơi đến chốn và ít nhận được sự quan tâm giáo dục từ cha mẹ. Năm 2008, Phóng quyết định bỏ nhà về Hà Nội để sống tự lập. Tại đây, Phóng quen với một người tên Hiệp (Cơ quan điều tra vẫn chưa xác định được lai lịch). Hiệp bàn với Phóng cùng vào tỉnh Bình Dương kiếm việc làm. Phóng đồng ý, cả hai cùng khởi hành bắt đầu một chuyến đi mới đầy mờ mịt trên chiếc xe mô tô không giấy tờ.

Do cả hai không có giấy phép lái xe, lại đi xe máy “lậu” nên Phóng và Hiệp đi vào Nam theo kiểu “ngày ngủ, đêm đi” để tránh sự phát hiện của lực lượng Công an. Sau hành trình kéo dài nhiều tuần, Phóng, Hiệp đến tỉnh Bình Dương, vạ vật nhiều nơi nhưng không kiếm được việc làm. Khoản lộ phí ít ỏi đem theo cạn dần, cả hai “túng quá hóa liều”, bàn nhau đến khu vực xã Tân Bình, huyện Bắc Tân Uyên (thời điểm đó là huyện Tân Uyên), thấy một căn nhà nằm trong khu rừng cao su có nhiều tài sản nên theo dõi để tìm cơ hội trộm cắp. Đến rạng sáng ngày 14/12/2008, Hiệp và Phóng nhìn thấy chị Nguyễn Thị Ngoãn đi cạo mủ cao su một mình có đeo bông tai vàng nên cả hai liền bám theo.

Lò Văn Phóng tiếp cận nạn nhân bằng cách xuống xe đến bên cạnh chị Ngoãn vờ hỏi đường rồi bất ngờ vật chị Ngoãn xuống đất. Chị Ngoãn vùng vẫy, kêu cứu thì bị Hiệp và Phóng bóp cổ đến khi bất tỉnh. Trong thời gian Phóng đẩy xe máy vào trong lô cao su cất giấu, Hiệp thực hiện hành vi hiếp dâm chị Ngoãn. Sau đó, Hiệp cùng Phóng kéo chị Ngoãn vào khu nghĩa địa gần đó tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội.

Khi Lò Văn Phóng đang lục lọi tìm kiếm tài sản, chị Ngoãn bất ngờ tỉnh dậy, hét lên kêu cứu. Sợ bị phát hiện nên Phóng chụp lấy một đoạn cây, đâm chết nạn nhân. Kẻ sát nhân lo sợ hình ảnh của mình lưu giữ trong mắt chị Ngoan nên y lạnh lùng móc mắt người bị hại. Hai kẻ sát nhân tháo bông tai vàng và bộ vòng cimen bỏ túi, sợ nạn nhân chưa chết hẳn, Hiệp còn lấy tấm bia mộ đập nhiều cái vào đầu chị Ngoãn rồi cùng Phóng quẳng xác người phụ nữ xuống hố mộ đã bốc cốt, sau đó hai gã bỏ trốn. Phóng lái xe chở Hiệp chạy ngược về Hà Nội, bán số vàng cướp được và chia tay, đường ai nấy đi.

Sau khi gây án mạng man rợ, Lò Văn Phóng dường như mất hết tính người, y trượt dài trên con đường phạm tội, liên tiếp thực hiện nhiều vụ trộm cắp, lừa đảo, cướp tài sản, giết người. Phóng bị Công an tỉnh Sơn La bắt giữ, sau đó bị TAND tỉnh Sơn La kết án tử hình. Phóng viết đơn xin Chủ tịch nước ân giảm án tử hình nhưng bị bác bỏ. Quá trình chờ thi thành án tại trại giam Công an tỉnh Sơn La, ngày 3/12/2013, Lò Văn Phóng đã sám hối, y làm đơn thú tội, khai nhận gây vụ cướp, hiếp và giết chị Ngoãn tại Bình Dương.

Cán bộ Công an tỉnh Bình Dương tham gia di lý Lò Văn Phóng từ Sơn La về Bình Dương kể lại: “Trong suốt quá trình vận chuyển tử tội, Phóng tỏ thái độ rất ăn năn về những tội ác đã gây ra cho xã hội. Sau khi lãnh án tử hình, Phóng đã đọc kinh sám hối. Phóng ngộ ra được những giá trị nhân sinh, ân hận về những tội lỗi đã gây ra nên Phóng quyết định phải khai ra vụ án giết người để cầu mong nhận được sự thanh thản trước khi về thế giới bên kia”.

Lò Văn Phóng kể lại, y bị khuôn mặt không còn mắt của chị Ngoãn ám ảnh suốt nhiều năm qua. Kể từ khi được chuyển về trại giam tỉnh Bình Dương, ngày nào y cũng mơ gặp ác mộng, nhiều đêm Phóng không chợp mắt được vì thấy chị Ngoãn về đòi y trả lại đôi mắt. Phóng đã phải uống thuốc an thần để điều trị thần kinh. 

Lò Văn Phóng khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội, HĐXX tuyên phạt Lò Văn Phóng 18 năm tù về các tội giết người, cướp tài sản và hiếp dâm. Đây là mức hình phạt cao nhất dành cho người chưa thành niên bởi tại thời điểm gây án, Phóng mới hơn 16 tuổi. Tổng hợp với bản án tử hình cho tội ác giết người mà Phóng đã thực hiện tại tỉnh Sơn La, Phóng phải chấp hành hình phạt chung là tử hình. Phóng cúi đầu chấp nhận hình phạt, đó là một sự trả giá công bằng cho những hành vi phạm tội mất hết nhân tính trong sự sám hối muộn màng của bị cáo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tử tội tụng kinh sám hối