Từ giảng đường bước ra… vành móng ngựa

congly.com.vn| 13/04/2012 10:53
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Không còn đứng trên bục giảng dạy dỗ học sinh đạo đức làm người, những bị cáo mang cặp kính trắng tri thức lại phải ra trước vành móng ngựa, chịu sự trừng phạt của pháp luật. Vì sao họ lại đi ngược lại những điều đã rao giảng với các em học sinh như vậy?

HĐXX tuyên án


Hành trình tha hoá và tính chất phạm tội của Huỳnh Thị Vân Khanh (SN 1967, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tây Bắc Lân, huyện Hóc Môn) diễn ra nhanh đến mức tập thể giáo viên Trường Tiểu học Tây Bắc Lân không khỏi sững sờ. Nhận thấy lương giáo viên “ba cọc ba đồng” không thể làm giàu nhanh chóng, Khanh nảy sinh ý định lập hồ sơ giả để lừa các ngân hàng. Lợi dụng việc một số ngân hàng chấp thuận cho giáo viên, công nhân viên vay tiền theo hình thức tín chấp, Khanh cấu kết với nhiều đối tượng tổ chức làm nhiều bộ hồ sơ “ma”.

Vân và đồng bọn mượn giấy chứng minh của người quen để đứng tên làm giả hồ sơ vay vốn. Thậm chí một số người xe ôm, hớt tóc... trình độ chưa hết cấp 2, Vân vẫn táo bạo "hô biến" thành… “giáo viên” Trường Tây Bắc Lân để xin vay tiền trả góp. Thủ đoạn của bà cựu Hiệu phó là làm giả các tài liệu như bảng lương của trường, quyết định nâng lương... Sau đó, Vân giả chữ ký của bà Hiệu trưởng Huỳnh Thị Anh Đào rồi đóng dấu xác nhận. Có “bảo bối” trên, Khanh ung dung mang hồ sơ giả nộp các ngân hàng để xin vay tiền. Số tiền thu được Khanh chỉ cho người vay giả từ 200.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/một lần, phần còn lại Khanh bỏ túi riêng 850 triệu đồng. Chỉ trong 1 năm, Khanh và đồng bọn thực hiện trót lọt 89 vụ lừa đảo, chiếm đoạt trên 1 tỷ đồng của nhiều ngân hàng.


Không chỉ lừa đảo ngân hàng, Khanh còn táng tận lương tâm, lợi dụng chức vụ Hiệu phó để đưa nhiều giáo viên cấp dưới “vào tròng”. Để chiếm đoạt được nhiều tiền, Khanh nhờ một số giáo viên, nhân viên của Trường Tây Bắc Lân đứng tên vay tiền ngân hàng cho Khanh mượn. Mặc dù các giáo viên không hề có nhu cầu vay vốn nhưng do tin tưởng “sếp” nên họ vẫn nhiệt tình đứng tên giúp. Khi nhờ vay, Khanh sốt sắng cam kết sẽ thanh toán nợ cho ngân hàng nhưng sau khi ôm hết số tiền 276 triệu đồng của 25 người, bà Hiệu phó liền “quất ngựa truy phong”.

Làm ơn mắc oán, những người Khanh nhờ đứng tên vay giùm tiền của ngân hàng đành phải còng lưng bỏ tiền túi để trả nợ gốc và lãi cho các ngân hàng. Những người đến Toà tham dự đều không thể ngờ một nhà giáo có chức tước như bị cáo Huỳnh Thị Vân Khanh lại thực hiện thủ đoạn phạm tội tàn nhẫn và “chuyên nghiệp” đến như vậy. Bởi lẽ điều đó quá tương phản với hình ảnh cô giáo Khanh lên lớp giảng dạy về đạo đức làm người, “Tiên học lễ, hậu học văn” cho các em học sinh. Với mức án 21 năm tù, Khanh sẽ có quãng thời gian đủ dài để chiêm nghiệm lại những hành vi phạm tội của bản thân.


Khác với Huỳnh Thị Vân Khanh, ông Hồ Xuân Nghiêm ngồi ghế Hiệu trưởng Trường PTHH Ngô Quyền trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai đã hơn chục năm. Trong quá trình “chấp chính”, với cung cách làm việc vô trách nhiệm, ông Nghiêm đã để cấp dưới “móc ruột” công quỹ, gây thất thoát trên 900 triệu đồng. Bản thân ông Nghiêm còn rút tiền Nhà nước để tiêu xài cá nhân nhưng ông chỉ bị khởi tố tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Nhân viên cấp dưới của ông Nghiêm là Bùi Kim Son (SN 1957, thủ quỹ trường PTTH Ngô Quyền).

Do có nghiệp vụ trung cấp kế toán nên Son được kế toán Nguyễn Thị Nhiên (SN 1948) nhờ giúp một phần công việc như nhận biên lai tài chính, ghi phiếu và thu các khoản tiền học sinh đóng góp, trong đó có khoản tiền xã hội hóa giáo dục. Tuy nhiên, kế toán Nhiên và Hiệu trưởng Nghiêm buông lỏng quản lý nên Bùi Kim Son đã đục khoét tiền quỹ xã hội hoá giáo dục. Khi thu tiền do phụ huynh học sinh đóng góp, Son tiêu xài cá nhân và che đậy hành vi tham ô bằng cách cố ý không nhận biên lai từ Phòng Tài chính Tp. Biên Hoà mà vẽ ra “biên lai tạm” để ghi thu. Tính tổng cộng trong 4 năm học, Son bỏ túi hơn 921 triệu đồng. Việc Son thực hiện trót lọt hành vi tham ô là do sự thiếu trách nhiệm của Hiệu trưởng Nghiêm và kế toán Nhiên.


Cái giá phải trả cho sự trượt dài trên con đường sa ngã là Bùi Kim Son bị Toà Phúc thẩm TANDTC tại Tp. Hồ Chí Minh tuyên phạt 20 năm tù về tội “Tham ô tài sản”; Hồ Xuân Nghiêm lãnh 4 năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, Nguyễn Thị Nhiên lãnh 3 năm tù.

An Dương

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từ giảng đường bước ra… vành móng ngựa