Sự tiếc nuối của người vợ không hề biết mình đã bị chồng ly hôn

Mạnh Hùng| 08/02/2017 19:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Người vợ cho rằng không gặp chồng một thời gian, cắt đứt mọi liên quan sẽ khiến người chồng nghĩ lại, mâu thuẫn hôn nhân sẽ được giải quyết. Đến một ngày chồng cưới vợ mới, chị mới ngã ngửa biết mình đã bị ly hôn.

Hốt hoảng khi biết mình đã bị... ly hôn

Anh N.V.D và chị L.T.G cưới nhau từ năm 2009. Thời gian đầu, hai vợ chồng thuê nhà sống và cuộc sống hôn nhân hạnh phúc. Hạnh phúc được nhân lên khi chị G mang thai đứa con đầu tiên. Nhưng thật không may mang thai chưa được bao lâu thì chị G bị sảy thai. Từ đấy hai người dù cố gắng nhưng vẫn không có mầm sống nào phôi thai.

Đến năm 2013, khi hai người tích cóp được ít tiền, mua căn hộ chung cư cho người thu nhập thấp ở Gia Lâm bằng hình thức trả góp. Những tưởng lo xong việc nhà cửa sẽ khiến cuộc sống được thảnh thơi phần nào trong khi chờ đợi hoài thai một đứa trẻ. Vậy mà, kể từ ngày có nhà riêng, cũng là lúc mâu thuẫn của hai vợ chồng nảy sinh.

Theo Anh D, từ ngày có nhà riêng, hằng tháng phải trả một khoản cố định kha khá nên mâu thuẫn bắt đầu nảy sinh. Khi đó hai vợ chồng chủ yếu bất đồng quan điểm về vấn đề tài chính và công việc của chị G. Nhưng mâu thuẫn lại càng trở nên lớn hơn do hai người vẫn chưa có con chung. Anh D thấy cuộc sống hai vợ chồng tẻ nhạt nên viết đơn xin ly hôn. Tuy nhiên, do chị G níu kéo nên anh lại rút đơn.

Nhưng sau đó mối quan hệ của hai người không được cải thiện, những bất đồng vẫn liên tục nảy sinh. Sau một lần cãi vã rồi xảy ra xô xát, đầu năm 2015 chị G bỏ nhà ra ngoài thuê trọ sống một mình.Chị không cho chồng biết chỗ mình ở, đồng thời cắt đứt hoàn toàn liên lạc với gia đình nhà chồng.

Ở nhà, anh D nộp đơn lên TAND huyện Gia Lâm xin ly hôn. Chị G bỏ đi nhưng hộ khẩu tạm trú vẫn ở căn hộ chung cư nên TAND huyện Gia Lâm gửi giấy triệu tập nhiều lần chị đều không biết. TAND huyện Gia Lâm sau đó xét đơn ly hôn của anh D vắng mặt vợ. Cấp sơ thẩm tuyên chấp nhận yêu cầu xin ly hôn của anh D vào đầu năm 2016, không chia tài sản cùng con chung.

Ít tháng sau khi được giải quyết ly hôn, anh D lấy người vợ mới. Lúc này chị G mới hốt hoảng tìm về thì hay tin mình đã bị chồng đơn phương ly hôn. Chị xin kháng cáo vì thấy vẫn còn tình cảm với chồng, muốn níu kéo cuộc hôn nhân.

Sự tiếc nuối của người vợ không hề biết mình đã bị chồng ly hôn

Hình ảnh mang tính minh họa

Phán quyết pháp lý có thể đem về hạnh phúc?

Trình bày tại phiên phúc thẩm, chị G cho rằng hai vợ chồng chị không có mâu thuẫn gì lớn, chị luôn yêu thương chồng nhưng không hiểu vì sao anh hay tìm cớ gây sự, thậm chí đánh đập chị. Chị nói rằng vì sợ bị chồng đánh nên muốn lánh mặt một thời gian để anh bình tâm lại. Nhưng không ngờ lại bị ly hôn khi vắng mặt.

Anh D lại cho rằng, sau khi cưới 2-3 năm, tình cảm của hai vợ chồng đã không còn. “Hơn nữa, ngoài tình cảm vợ chồng chung sống còn cần có con cái, công việc nhưng cuộc hôn nhân của chúng tôi đều không có gì. Vợ chồng thì lục đục, con cái mong mỏi mãi vẫn chả thấy đâu” - anh D trình bày.

Anh cũng cho biết anh và gia đình đã đầu tư tiền bạc, thời gian để chạy chữa nhưng không thấy chuyển biến. Đã bức bối chuyện con cái, chị G lại không chịu làm ăn, kiếm việc, công việc nào chị cũng cho là không “tử tế”, làm được dăm bữa nửa tháng lại nghỉ việc.

Không có gì để thanh minh trước những lời trình bày có vẻ chịu đựng mệt mỏi của chồng, chị G chỉ một mực nhắc đi nhắc lại vẫn thủy chung, thương yêu chồng. Anh D vẫn giữ lập trường nhất quyết không muốn hòa giải với vợ khiến vị chủ tọa phải ngắt lời. Ông nói rằng tình cảm không có đúng sai. Khi không còn tình cảm thì mỗi người nên tự hỏi chính mình trước. “Anh chị không còn tình cảm với nhau thì tòa có nhốt chung hai người lại một chỗ cũng để làm gì”?, vị Thẩm phán buồn rầu nói. Một vị Thẩm phán khác cũng phân tích, tòa xử là trách nhiệm nhưng tình cảm vợ chồng phải xuất phát từ hai phía. Bà cho rằng, chị G chỉ có thể dùng tình cảm để níu anh D chứ một phán quyết pháp lý không thể giúp chị hạnh phúc hơn.

HĐXX hỏi người vợ rất nhiều câu như: khi hai vợ chồng có mâu thuẫn chị đã làm gì? Trong lúc bỏ nhà ra đi rồi chị có liên lạc, có làm gì để hàn gắn hôn nhân không? Một người phụ nữ có học thức như chị, khi bị bạo hành có biết đến đâu nhờ trợ giúp không? Đáp lại tòa, chị G chỉ im lặng rồi lặp lại nhiều lần rằng không biết vì sao anh D  giận, cũng không hiểu vì sao hai vợ chồng mâu thuẫn nhưng chắc chắn chị vẫn yêu chồng. Đến cả khi một nữ thẩm phán hỏi chị anh D nay đã có gia đình mới thì dù chị quay lại hai người có hạnh phúc được không? Chị vẫn khẳng định muốn níu kéo hôn nhân.

Về phần anh D, Tòa cũng hỏi anh có thấy mình có trách nhiệm trong việc hôn nhân đổ vỡ và công việc không ổn định của vợ không? Anh D tỏ ra ngạc nhiên và đáp rằng, anh chỉ là một công chức bình thường nên quan hệ không đủ để xin cho vợ một công việc mà theo chị phải là “tử tế”.

Cả hai vợ chồng đều không thể hòa giải được tại tòa nên cuối cùng HĐXX tuyên chấp nhận một phần đơn kháng cáo của chị G, sửa án sơ thẩm, bác yêu cầu xin ly hôn của anh D. Cấp phúc thẩm cho rằng việc TAND huyện Gia Lâm chấp nhận yêu cầu ly hôn của anh D là có căn cứ vì tình cảm vợ chồng đã không còn. Tuy nhiên, vì chị G vắng mặt nên việc hòa giải giữa hai người chưa diễn ra khiến chị G còn chưa thỏa mãn. TAND Hà Nội quyết định giao cho cấp sơ thẩm giải quyết lại từ đầu để chị G có cơ hội hòa giải với chồng.

Phiên tòa kết thúc. Anh D lặng thinh ra về còn người phụ nữ luôn khẳng định “vẫn tha thiết yêu thương chồng, muốn hàn gắn hôn nhân” nhưng khi ra khỏi phòng xử đã đi thẳng một mạch, không hề quay lại nhìn chồng lấy một lần. Liệu rằng rồi đây, cơ hội duy nhất Tòa mới trao lại cho chị D có giúp chị hòa giải để người chồng đã một lần dứt áo ra đi quay trở về lại bên chị, khi mà giờ đây trong đầu chị câu hỏi "Tại sao?" vẫn còn bỏ lửng...

* Tên nhân vật đã được thay đổi.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sự tiếc nuối của người vợ không hề biết mình đã bị chồng ly hôn