Phúc thẩm “đại án” VNCB giai đoạn 2: Luật sư chứng minh 4.500 tỷ là để tăng vốn điều lệ

Văn Vũ| 18/12/2018 13:11
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay (18/12), phiên tòa phúc thẩm xét xử đại án tại Ngân hàng VNCB giai đoạn 2 tiếp tục bước sang phần tranh tụng.

Trước đó, trong phần nêu quan điểm, đại diện VKS cho rằng, về số tiền 4.500 tỷ đồng, theo bản án sơ thẩm tuyên buộc CB phải trả cho bị cáo Phạm Công Danh. Sau bản án sơ thẩm, VKS đã kháng nghị và CB cũng có kháng cáo không chấp nhận phán quyết của cấp sơ thẩm.

Theo đại diện VKS, số tiền 4.500 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ cho VNCB từ 3.000 tỷ đồng lên 7.500 tỷ đồng, nguồn gốc số tiền này là bất hợp pháp và không phải là tiền của Phạm Công Danh. Mặt khác số tiền này cũng chưa được hạch toán tăng vốn điều lệ cho VNCB vì NHNN không chấp nhận việc dùng tiền vay để tăng vốn điều lệ nên không có cơ sở pháp lý buộc CB trả lại số tiền này cho Phạm Công Danh.

“Số tiền 4.500 tỷ đồng không phải là vật chứng của vụ án như án sơ thẩm nhận định nên không có cơ sở thu hồi từ CB để trả lại cho Phạm Công Danh”, đại diện VKS nêu. 

Phúc thẩm “đại án” VNCB giai đoạn 2: Luật sư chứng minh 4.500 tỷ là để tăng vốn điều lệ

Các bị cáo tại toà

Ngay sau khi đại diện VKS nêu quan điểm không chấp nhận CB hoàn trả cho Phạm Công Danh 4.500 tỷ đồng, Luật sư Hà Hải, Luật sư Phan Trung Hoài và Luật sư Chu Mạnh Cường (cùng bào chữa cho Phạm Công Danh) đã tranh tụng với đại diện VKS. Theo các Luật sư, việc không hoàn trả cho Phạm Công Danh 4.500 tỷ đồng là không có căn cứ vì nguồn gốc và quyền sở hữu của 4.500 tỷ đồng tăng vốn điều lệ cho VNCB.

Theo đó, ngày 26/12/2013, VNCB đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới sau khi thay đổi vốn điều lệ lên 7.500 tỷ đồng. Về nguồn gốc 4.500 tỷ đồng, quá trình kiểm tra, giám sát của Cơ quan TTGS NHNN, cũng như trong quá trình điều tra của 2 giai đoạn đã chứng minh trong 4.500 tỷ đồng mà nhóm cổ đông mới do Phạm Công Danh làm đại diện có nguồn gốc từ Phạm Công Danh và Danh không sử dụng 4.500 tỷ đồng vào mục đích cá nhân mà sử dụng vào hoạt động của VNCB. Do đó, CB phải có trách nhiệm hoàn trả số tiền này cho Phạm Công Danh.

Riêng trong phần nêu quan điểm của đại diện VKS đối với 2 bị cáo Hoàng Long Hà (nguyên Phó Giám đốc BIDV Chi nhánh Gia Định) và Nguyễn Ngọc Sơn (nguyên Trưởng phòng khách hàng – BIDV Chi nhánh Gia Định) và được cấp sơ thẩm tuyên cho hưởng án treo, đây là mức phạt đã có sự xem xét, chiếu cố, vì vậy VKS không xem xét gì thêm tại phiên phúc thẩm này.

Bào chữa cho 2 nguyên cán bộ BIDV này, Luật sư Hoàng Thị Thu (Công ty luật Hoàng Thu, Đoàn Luật sư TP HCM) trình bày, cấp sơ thẩm chỉ xem xét cho 2 bị cáo 2 tình tiết “thành khẩn khai báo và ăn năn hối cải” mà bỏ qua 4 tình tiết khác.

Cụ thể theo Luật sư Hoàng Thu, cả 2 bị cáo phạm tội lần đầu, chưa có tiền án tiền sự và theo hướng dẫn tại Công văn 01/2017/GD của TANDTC thì 2 bị cáo thuộc trường hợp “phạm tội không nguy hiểm”. Hành vi của 2 bị cáo đều không phải là nguyên nhân trực tiếp gây thiệt hại cho VNCB.

Luật sư cũng cung cấp hàng loạt Giấy khen, Bằng khen của các cấp – mà theo Luật sư là đủ cơ sở để HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho 2 bị cáo. Luật sư cũng trình bày "tổ chức Công đoàn thuộc BIDV, tập thể lao động chi nhánh BIDV cũng có đơn gửi tòa xin giảm nhẹ hình phạt cho 2 bị cáo".

Phân tích hành vi của 2 bị cáo trong vụ án, Luật sư Thu cho rằng, toàn bộ số tiền mà 29 Công ty vay từ 3 ngân hàng để chuyển cho Phạm Công Danh sử dụng là vật chứng vụ án đã được thu hồi theo dòng tiền để trả cho CB, vì vậy thiệt hại vụ án (phần liên quan 2 bị cáo) xem như đã được khắc phục.

Sau khi xin phép HĐXX trình bày thêm về một số “nội tình” của BIDV, Luật sư Thu cho biết 2 bị cáo Hà, Sơn được BIDV quy hoạch là cán bộ nguồn, theo quy định của BIDV thì những người đang chấp hành bản án hình sự, chưa xóa án tích thì không được bổ nhiệm vào các vị trí chủ chốt của BIDV. “Với án sơ thẩm thì 2 bị cáo mất cơ hội cống hiến, thiệt thòi cho ngân hàng nói chung và BIDV nói riêng, mong HĐXX xem xét chuyển 2 bị cáo Hà sang 18 tháng và Sơn 12 tháng cải tạo không giữ”, Luật sư Hoàng Thu đề nghị.

Đáng lưu khi Luật sư Hoàng Thu trình bày “đơn ký tập thể BIDV xin giảm án cho bị cáo” và hàng loạt thành tích cũng như “lý lịch vàng” của 2 bị cáo đã bật khóc. Bên dưới phòng xử, nhiều người thuộc BIDV cũng ngấn lệ.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phúc thẩm “đại án” VNCB giai đoạn 2: Luật sư chứng minh 4.500 tỷ là để tăng vốn điều lệ