Mặt lạnh của người đàn bà giết chồng "hờ"

Hoài Nhân| 18/05/2013 16:54
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Lạnh lùng ra tay sát hại chồng “hờ”, ra tòa, người phụ nữ ấy biện minh vì yêu nên ghen.

Thế nhưng, suốt cả phiên tòa ấy, người viết cố gắng kiếm tìm một biểu hiện nhỏ minh chứng cho cái gọi là tình yêu nhưng hoài công. Nhân danh tình yêu, không ít kẻ đã tự cho mình quyền tước đoạt sinh mạng người vô tội.

Giết chồng hờ vì cắt “viện trợ”

Lẽ thường, ra tòa, đa số bị cáo thường có chung biểu cảm – hối hận – mà chẳng biết cảm xúc ấy có bao nhiêu phần trăm là sự thật. Lẽ thường, đứng sau vành móng ngựa, đa số bị cáo mang tội danh “Giết người”, nhất là giết người tình, đều rơi nước mắt, không biết là bởi sự day dứt đọng lại sau cùng trong tâm hồn hay là nỗi sợ hãi phải đối mặt với bản án mà pháp luật đã phán xét. Thôi thì, dù là nguyên nhân gì đi chăng nữa, ít nhất, họ - những kẻ từng lầm lỡ - cũng đã thể hiện chút “hình hài” được gọi tên “con người”.

Thế nhưng, trong số đông bình thường ấy, lại có những người bất thường. Bất thường ở đây là gì? Là đi ngược lại quy luật tâm lý chung của xã hội; đối lập với sự ăn năn thường thấy là sự lạnh lùng, tàn nhẫn, không chút hối cải về hành vi phạm tội của mình. Số ấy không nhiều, nhưng tôi khẳng định rằng có. Đơn cử là bị cáo Nguyễn Thị Kim Loan bị truy tố về tội “Giết người”. Nạn nhân trong vụ án, không ai khác, chính là người mà bà gọi là chồng, ông Phạm Văn Thân. Cả hai cùng sinh năm 1966, thường trú tại xã Tân Tây, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.

Đều từng một lần tan vỡ hôn nhân, ngoài những đứa con dứt ruột đẻ ra, cả ông và bà chẳng còn lại gì, ngoài một mảnh tâm hồn rạn nứt cùng vết thương lòng rỉ máu. Có lẽ, cũng chính điều ấy đã khiến hai thân phận người dần nhích lại gần nhau bởi sự đồng cảm và thấu hiểu. Và, họ yêu nhau, như một điều rất đỗi bình thường, để khỏa lấp sự cô đơn trong nhau.Bảy năm gắn bó, cả hai từng có một quãng thời gian yêu đương nồng đậm, như bất cứ mối tình lãng mạn nào trên thế gian. Cứ tưởng, hạnh phúc rồi sẽ đến với họ sau những cay đắng của cuộc đời. Nào ngờ, niềm vui như sợi chỉ mỏng tang, mong manh và dễ đứt.

Năm 2011, bà mở một quán nước gần nhà để kinh doanh. Rồi, bà nghi ngờ ông có quan hệ tình cảm với người đàn bà nên không chu cấp tiền cho mình nữa. Cũng lúc này, bà mắc nợ nhiều người với số tiền lớn nên cơn ghen âm ỉ trong lòng ngày càng bùng nổ dữ dội. Ngày 10/8/2012, bà giận dỗi cầm theo một con dao Thái Lan rồi quyết định đến nhà người tình để hỏi rõ sự việc, đồng thời yêu cầu ông đưa tiền trả nợ.

Vừa đến nhà người tình, bà ngay lập tức đòi ông phải đưa tiền cho mình. Ông từ chối, bà liền giật sợi dây chuyền vàng 18k có trọng lượng hơn 3 chỉ mà ông đang đeo trên cổ, cho vào túi áo rồi bỏ đi. Ông đuổi theo, giữ xe lại khiến cả hai cùng chiếc xe ngã xuống đồng ruộng. Trong lúc cả hai vật lộn, giằng co với nhau, bà đã rút con dao mang theo, đâm người tình hai nhát khiến ông tử vong. Gây án xong, mặc kệ người mà mình từng yêu thương nằm đó, bà ném con dao rồi bỏ đi.

TAND tỉnh Tiền Giang đã xử phạt bà tù chung thân về hai tội: “Giết người” và “Cướp tài sản”. Cho rằng bản án quá nặng, bà làm đơn kháng cáo.

Mặt lạnh của người đàn bà giết chồng

Với hành vi tàn độc, Loan phải chấp nhận mức phạt nặng.

Lạnh lùng và dửng dưng

Tại phiên xử phúc thẩm mới đây, bà ra tòa với bộ đồ tây màu cam nhạt khá chỉn chu. Gương mặt người đàn bà đã ra tay sát hại tình nhân ấy, từ đầu đến cuối, vẫn giữ nguyên một thái độ: dửng dưng, thờ ơ và cảm giác có cả chút cam chịu. Cam chịu số phận. Cam chịu bản án.

Mở đầu phần xét hỏi, vị chủ tọa hỏi: “Cáo trạng vị đại diện VKSND Tối cao vừa đọc có truy tố bị cáo đúng không?”. Không ngần ngại, bà đổ thừa mọi tội lỗi cho người đàn ông một thời bà yêu đương, nay đã nằm sâu dưới ba tấc đất. Bà đáp: “Chưa đúng. Tại vì tui nghĩ hai người tụi tui quan hệ với nhau như vợ chồng nên anh Thân phải có trách nhiệm với tui. Anh Thân là chồng, phải tế nhị. Nếu ảnh là đàn ông mà nhỏ nhẹ với người đàn bà đang nóng giận như tui thì đâu có đến nông nổi như ngày hôm nay”. Vị chủ tọa tiếp tục chất vấn: “Anh Thân có phải là chồng của chị chưa?”. “Trên pháp luật thì chưa nhưng hai người sống chung với nhau lâu rồi, cũng coi như là vợ chồng”, bà trả lời một cách dõng dạc.

Tại sao là vợ chồng mà chị lại đâm chết anh Thân”, vị chủ tọa nghiêm giọng. Không chút ăn năn, bà cố tìm mọi cách để ngụy biện: “Tui không có đâm, là do quơ dao trúng cánh tay, lỡ đâm trúng”. Bức xúc, vị chủ tọa truy vấn: “Lỡ tay mà nhát dao chí mạng, đâm trúng tim nạn nhân. Đến bây giờ rồi, chị vẫn không thẳng thắn nhìn nhận hành vi phạm tội của mình sao”. Bà vẫn không ngừng quanh co: “Do tui nằm dưới, anh Thân nằm trên nên tui mới vùng vẫy…”. Vị chủ tọa cắt ngang: “Rồi chị có vùng lên được phía trên không”. “Có”, bà lí nhí. “Tại sao đã nằm lên trên, thắng thế rồi lại còn dùng dao đâm chết nạn nhân?”, chủ tọa hỏi. Bà im lặng. Có lẽ, không ngôn từ nào đủ để bà còn có thể biện minh cho hành vi tội lỗi của mình.

Hồi lâu, bà run run, khẩn thiết mong HĐXX xem xét giảm nhẹ mức án cho mình bởi người con trai lớn đã bị mất trí sau một tai nạn giao thông, đứa con nhỏ chỉ mới 13 tuổi. Nay, hai con bà đều đang nương tựa cha mẹ già yếu, một đã 70 tuổi, một đã 65 tuổi.

HĐXX nhận định, về ý thức chủ quan, bà nhận thức được rằng tính mạng con người là vốn quý nhất, được xã hội bảo hộ. Thế nhưng, chỉ vì nghi ngờ người bị hại có quan hệ với người phụ nữ khác, và để có tiền trả nợ, tiêu xài mà bà đã chủ động đem theo dao đến nhà người bị hại để gây sự nhằm chiếm đoạt tài sản. Khi người bị hại phản ứng, bà liền sử dụng con dao mang theo đâm chết nạn nhân để tẩu thoát. Xét hành vi của bà cùng lúc đã phạm hai tội thuộc trường hợp rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng nên cần xử phạt mức án nghiêm khắc để phòng ngừa chung cho xã hội. Bên cạnh đó, cấp sơ thẩm khi xét xử cũng đã xem xét bà có nhân thân tốt, không tiền án, tiền sự, thành khẩn khai báo, đã bồi thường một phần chi phí mai táng dể giảm nhẹ mức án cho bà khi lượng hình. Ngoài ra, tại phiên phúc thẩm, bà không nêu được tình tiết giảm nhẹ nào mới. Do đó, HĐXX đã tuyên y án, xử phạt bà mức án tù chung thân về tội “Giết người”, “Cướp tài sản”.

Theo chân các cán bộ tư pháp ra dẫn giải phạm nhân, khuôn mặt người phụ nữ ấy vẫn không chút biến chuyển, điềm tĩnh đến lạ thường. Cảm giác, mức án tòa vừa tuyên chẳng can dự đến bà. Tôi không biết bà nghĩ gì, cũng chẳng biết sau song sắt nhà tù, liệu lương tâm của bà có cắn rứt. Tôi cũng hoài nghi cái mà bà gọi là cơn ghen thường tình của phụ nữ. Đó có phải tình yêu?

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mặt lạnh của người đàn bà giết chồng "hờ"