Hậu quả của phút giây làm “quái xế” đường thủy

An Dương| 22/08/2014 07:54
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Từ nhiều năm nay, giao thông trên các sông rạch ở tỉnh Cà Mau luôn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm bởi sự xuất hiện của các “hung thần ghe” chuyên phóng nhanh, vượt ẩu gây tai nạn chết người.

Bài học từ vụ án Lê Thanh Bình (SN 1970, ngụ ấp Gò Công, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau) là thông điệp cho những “quái xế” đường thủy: Đừng nhanh một phút để chậm cả đời…

Bị cáo Lê Thanh Bình là người làm nông, công việc đồng áng nuôi trồng thủy sản ở Cà Mau thường dùng ghe để đi lại, chở nông sản. Theo cáo trạng, vào khoảng 13 giờ 30 phút ngày 9/1, Lê Thanh Bình điều khiển phương tiện vỏ Composite hiệu Đức Tài dài 6.3m và máy Mitsubishi 6.0HP, chở vợ và đi từ nhà anh Bùi Văn Ngân ở ấp Tân Thành Mới, xã Rạch Chèo về nhà ở Gò Công, xã Nguyễn Việt Khái theo hướng ngược dòng nước chảy. Phương tiện của Bình khá thô sơ, không trang bị các dụng cụ phát âm hiệu để đảm bảo an toàn.

Hậu quả của phút giây làm “quái xế” đường thủy

Hình minh họa

Khi điều khiển đến đoạn co quẹo cách ngã ba kênh Giáo Bảy khoảng 100m thuộc ấp Tân Thành Mới, xã Gạch Chèo, huyện Phú Tân, Bình không giảm tốc độ và không phát âm hiệu. Bình tá hỏa khi phát hiện phương tiện vỏ Composite hiệu Đức Tài dài 7.2m và máy Vangur 6.0HP do ông Cao Quốc Thanh chở vợ  chạy theo hướng ngược chiều xuôi dòng nước. Phương tiện của ông Thanh cũng không được trang bị dụng cụ phát âm hiệu, bản thân ông lại không có Chứng chỉ chuyên môn. Do chạy tốc độ quá nhanh nên Bình không thể xử lý kịp khiến ghe đâm vào 1/2 vỏ của ông Thanh. Cú va chạm quá mạnh khiến bà Nguyễn Thị Lơn (vợ ông Thanh) bị thương tích, chiếc vỏ trượt về phía sau đụng vào người ông Thanh và máy Vangur làm ông Thanh và máy rớt xuống sông.

Quá hãi hùng trước cảnh tượng tai nạn, Lê Thanh Bình lo sợ bị trách nhiệm nên tiếp tục điều khiển vỏ máy phóng như bay về nhà. Bà Lơn truy hô và được mọi người đưa ông Thanh đến Trạm y tế xã Tân Hưng Tây cấp cứu. Tuy nhiên, do bị thương cộng với việc bị chìm trong nước, ông Thanh đã tử vong ngay sau đó. Bà Lơn được đưa đến Bệnh viện huyện Cái Nước để khâu vết thương ở đầu. Khi Cơ quan điều tra đến nhà, bị cáo Bình đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Bình bị VKSND huyện Phú Tân truy tố về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy” theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 212 BLHS.

TAND huyện Phú Tân xét xử sơ thẩm, tuyên phạt phạt Bình một năm tù. Tuy nhiên, gia đình người bị hại kháng cáo, đề nghị tăng hình phạt đối với bị cáo Bình và cho rằng, cấp sơ thẩm chưa xem xét đến việc bị cáo Bình có sử dụng rượu khi tham gia giao thông, vi phạm điểm b khoản 2 Điều 212 của BLHS. Việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải theo điểm b khoản 1 Điều 46 của BLHS là không phù hợp vì sau khi gây tai nạn, Bình đã đào thoát khỏi hiện trường để trốn tránh trách nhiệm.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Bình đã thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội và tỏ thái độ ăn năn hối cải. HĐXX xem xét kháng cáo của gia đình người bị hại và thấy rằng, quá trình điều tra cũng như cáo trạng của Viện kiểm sát huyện Phú Tân không đề cập đến việc bị cáo có sử dụng rượu tại thời điểm gây tai nạn nên Tòa cấp sơ thẩm không đủ cơ sở xem xét, còn việc bị cáo gây tai nạn bỏ trốn là đã áp dụng tình tiết định khung 2 cho bị cáo. Gia đình bị cáo có nhiều người có công với nước, đặc biệt, bị cáo có bà nội là Mẹ Việt Nam Anh hùng để giảm nhẹ và xử bị cáo Bình dưới khung là đúng theo quy định tại Điều 47 của BLHS. Hơn nữa, trong vụ án này, phía người bị hại cũng có lỗi: Phương tiện vỏ máy chưa có đăng ký, đăng kiểm theo quy định, ông Thanh không có Chứng chỉ chuyên môn và phương tiện không có thiết bị an thoàn kỹ thuật (dụng cụ phát âm hiệu). Tòa tuyên phạt bị cáo Lê Thanh Bình một năm tù, công nhận sự tự nguyện thỏa thuận việc bồi thường của bị cáo đối với đại diện phía người bị hại thêm 25 triệu đồng.

Tại phiên tòa, vị Thẩm phán chủ tọa đã phân tích về lỗi của bị cáo Bình, đó là ý thức tham gia giao thông của bị cáo rất thấp. Bi kịch xảy ra bắt nguồn từ việc phóng nhanh, không trang bị các phương tiện an toàn, vô trách nhiệm với bản thân và người khác. Tai nạn giao thông là thứ rủi ro không chừa ai và hậu quả của nó bao giờ cũng thật bi thương và đau khổ. Bị cáo Bình đã có thể tránh được bi kịch nếu không phóng nhanh, vượt ẩu để rồi phải ăn năn suốt quãng đời còn lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hậu quả của phút giây làm “quái xế” đường thủy