Hành trình “viết lại cuộc đời”

Nam Hoàng| 10/08/2018 06:34
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Khi tham dự các phiên tòa, tôi đã gặp không ít bị cáo là trẻ vị thành niên chỉ vì những đam mê, bồng bột, nhất thời không kiềm chế được nhục dục của bản thân mà lao đầu vào con đường phạm tội, để rồi phải trả giá bằng tuổi trẻ.

Bỏ lại sau lưng những hoài bão tươi đẹp, những giọt nước mắt của mẹ cha, sự thất vọng của thầy cô, bè bạn, giờ đây “những cành non” ấy bắt đầu hành trình phục thiện, bắt đầu “viết lại cuộc đời” mình.

Cậu bé người Mông mê "phim đen"

Lúc gây án, Vàng Mí Na (SN 30/6/1996, ở Sủng Pờ, xã Thắng Mố, huyện Yên Minh, Hà Giang) mới bước qua tuổi 18 được vài ngày. Nhà nghèo, học hết lớp 5 thì Na bỏ. Bỏ là bỏ hẳn, suốt ngày cậu chỉ quanh quẩn giúp bố mẹ vài việc lặt vặt như quét nhà, rửa bát. Quê Na, núi rừng hoang thẳm, đồng đất ít, con người sống chen nhau với đá. Bị chuyện cơm áo gạo tiền ghì sát đất nên bố mẹ Na cũng chẳng đủ thời gian để nhận ra sự thay đổi tâm sinh lý mỗi ngày của cậu con trai.

Ở nhà bám váy mẹ mãi cũng chán, Na nằng nặc đòi xuống thị trấn huyện làm thuê. Bất cứ ai thuê việc gì, cậu làm việc ấy, miễn là kiếm được đồng tiền sinh. Từ chặt củi, khuân vác đến phu hồ, thợ đá…, Na đều đã từng làm. Nhờ vẻ ngoài thật thà chất phác cộng với bản tính cần cù, chịu khó nên cậu chiếm được cảm tình của nhiều người dân trong bản cũng như nơi phố huyện. Nhờ thế thu nhập của Na từ công việc làm thuê cũng dần tăng. 

Nhưng, kể từ kiếm được ít tiền từ việc bán sức lao động, thỉnh thoảng Na lại tự thưởng cho mình cái quyền được… xả hơi. Cậu bắt đầu tập tành, học đòi theo chúng bạn cà phê, chát chít và giao du với một đám trẻ nhầng nhầng tóc xanh tóc đỏ. Cả hội thường xuyên tụ tập ăn chơi đàn đúm, lên mạng thâu đêm. Rồi cũng chả biết từ khi nào, chúng bập vào phim "đen".

Hành trình “viết lại cuộc đời”

Vàng Mí Na trước Tòa

Xem mãi thành quen, quen rồi thành nghiện, đầu óc Na lúc nào cũng quay cuồng, mê mụ bởi những hình ảnh đồi trụy, dung tục trong phim. Xem ở nhà bạn chưa thỏa, Na còn đi mua đĩa mang về nhà thím ruột là Giàng Thị Say (SN 1989, dân tộc Mông, ở thôn Sủng Pờ, xã Thắng Mố, huyện Yên Minh) để xem nhờ. Và cũng chính từ một lần đi xem nhờ ấy, Na đã phạm tội vì không kiềm chế được dục vọng của mình. Nạn nhân là cháu Vàng Thị M, con gái chị Say, em họ của Na.

Hôm đó, sau khi cơm nước xong, nhớ đến mấy cuốn phim đen mà mình mới mượn từ hôm trước, Na đi bộ từ nhà sang nhà Giàng Thị Say để xem nhờ. Lúc bấy giờ, chị Say đang ngồi xem phim cùng với ba đứa con là Vàng Thị M, Vàng Mí P và Vàng Thị S. Thấy vậy, Na cũng ngồi xuống ghế xem phim cùng mọi người.

Sau khi xem được khoảng 5 phút, Na nói với Say: “Xem phim truyền hình chán lắm, thím mở mấy cái đĩa phim “tình cảm” cháu mới mượn về đi”. Say trả lời: “Mấy cái đĩa đấy thím cho hàng xóm mượn rồi, nếu cháu thích xem thì thím bảo cái M đi lấy về”. Sau đó, Say sai con gái lớn của mình là Vàng Thị M sang hàng xóm đòi đĩa, còn mình thì cho hai đứa nhỏ là Vàng Mí P và Vàng Thị S vào buồng ngủ.

Sau khi M đi đòi được đĩa phim về, Na cầm lấy cho vào đầu video mở rồi cùng ngồi xem với M. Xem hết đĩa phim thứ nhất, ham muốn trong người Na trỗi dậy. Cậu bắt đầu ấp ủ ý định cưỡng hiếp M. Chờ cho chị Say, mẹ của M ngủ, Na liền ôm lấy M để giở trò đồi bại. Thấy M có biểu hiện chống cự, Na dọa: “Không được kêu, nếu kêu thì anh đánh chết”. M sợ quá đành nằm im chịu trận. Gây án xong, Na điềm nhiên mặc lại quần áo rồi vào buồng gọi chị Say dậy mở cổng để mình về.

Mở cổng cho Na về xong, quay vào buồng thấy con gái mình ngồi khóc, chị Say căn vặn thì M kể lại đầu đuôi câu chuyện. Sáng hôm sau, Say làm đơn tố cáo Na gửi lên Đồn Biên phòng Bạch Đích. Ngay chiều hôm đó, cán bộ Đồn đã phối hợp với chính quyền địa phương triệu tập đối tượng Na để xác minh làm rõ. Qua đấu tranh, Na đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Đồn Biên phòng Bạch Đích đã hoàn chỉnh hồ sơ sau đó bàn giao cho Công an huyện Yên Minh.

Hành trình “viết lại cuộc đời”

Niềm vui của Lò Văn Lư khi được nhận quà

“Tại hôm đó xem phim xong cháu “thèm” quá không chịu được. Thấy em M không kêu, chống cự nhiều, cháu còn tưởng em ấy cũng... thích như mình nên cháu mới "làm" đến cùng...”. Ngày bị đưa ra xét xử, Na cứ ngây ngô kể chuyện phạm tội tày đình của mình như thế. Và trước tất cả những câu hỏi của HĐXX, Na tỏ ra là người thành khẩn. Mọi hành vi phạm tội của mình, Na đều khai nhận. Sau khi xem xét, HĐXX tuyên phạt Vàng Mí Na 12 năm tù.

Ân hận muộn màng

Cũng sinh ra ở miền núi, lớn lên giữa thăm thẳm đói nghèo, con đường dẫn tới hành vi phạm tội của cậu bé Lò Văn Lư không khác với Vàng Mí Na là mấy. Lư quê Mường Lý, một xã nghèo của huyện Mường Lát, xứ Thanh. Mẹ mất sớm, bố đi lấy vợ khác, cậu sống nương tựa hai bên ông bà nội ngoại. Do thiếu thốn cả về vật chất lẫn tình cảm từ khi còn tấm bé, nên Lư sống tương đối khép mình. Tuy còn rất trẻ, nhưng khuôn mặt cậu đã mang rất nhiều nét ưu tư. Khác với những đứa bạn cùng trang lứa, Lư không có điều kiện để được học hành đến nơi đến chốn. Vừa biết mặt chữ thì cậu bỏ học để đi rừng.

Tiếp xúc với Lư, điều dễ dàng nhận thấy ở cậu là vẻ chân thật nhiều khi đến ngô nghê của một thiếu niên ít học người dân tộc. Cũng chính vì cái sự ít học, ít hiểu biết ấy cho nên trong trăm vạn nẻo vào đời, cậu đã chọn cho mình một nẻo đường tăm tối nhất. Bài học làm người lớn của Lư đã phải trả cái giá quá đắt vì tội “Hiếp dâm trẻ em”. Nạn nhân là một bé gái hàng xóm ít hơn cậu vài tuổi. Vụ án gây chấn động cả miền rừng Mường Lát suốt một thời gian dài.

Khi kể về hành trình phạm tội của mình, nước mắt liên tục lăn dài trên gương mặt bầu bĩnh của cậu bé mới vừa bước qua tuổi thiếu niên: “Chỉ vì ám ảnh bởi những thước phim đen trên internet, nên em lúc nào cũng muốn... thử một lần cho biết. Hôm đó, em đang lên rừng kiếm ít củi, đột nhiên gặp bé H. đang lúi cúi chơi. Em kéo vào chỗ kín rồi đè ra…”, Lư nhớ lại. Và cái giá Lư phải trả cho cái chuyện “thử một lần cho biết” ấy là 7 năm tù đằng đẵng.

Hành trình “viết lại cuộc đời”

Tạ Văn Hậu: “Bị cáo biết mình sai rồi, xin HĐXX mở lượng khoan hồng”

Kể từ ngày về cải tạo tại Trại giam Thanh Lâm – Bộ Công an (đóng trên địa bàn huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa), Lư luôn tỏ thái độ ngoan ngoãn, lễ phép. Không chỉ được bạn bè cùng tổ đội lao động quý mến, Lư còn chiếm được cảm tình của các quản giáo nhờ tinh thần cải tạo của mình. Từ lâu, cậu xem trại giam như là ngôi nhà thứ hai để mình nương náu. Bởi, ở cái trại giam nơi rừng xanh núi đỏ này, Lư đã nhận được sự ân cần, chỉ bảo của các cán bộ trại giam. Những người đã từng có rất nhiều kinh nghiệm uốn nắn những trẻ vị thành niên phạm tội như Lư. Nhờ sự giáo dục, uốn nắn của họ mà nhiều em khi bước qua khỏi cổng trại đã trở thành người lương thiện.

Không giống như Lư, chỉ “thử một lần cho biết”, Tạ Văn Hậu (quê ở Thác Dài, Tức Tranh, Phú Lương, Thái Nguyên) sau khi chiếm đoạt được cô bé 14 tuổi, cậu còn dùng điện thoại quay lại cảnh ái ân rồi dùng clip đó ép buộc nạn nhân thêm nhiều lần nữa đến mức có thai. Tất cả cũng bởi cậu là “fan cuồng” của mấy thước phim đen trên internet.

Khi bị bắt, Hậu khai rằng, trong những ngày lang bạt làm thuê, cậu thường tìm đến quán nét để giải khuây. Ban đầu thì chơi game, chơi riết cũng chán, Hậu mò vào mấy trang web đen để xem phim “người lớn”. Xem rồi đâm nghiện, đầu óc Hậu lúc nào cũng quay cuồng, mê mụ bởi những hình ảnh đồi trụy, dung tục trong phim. Thế rồi Hậu gặp và quen cô bé Ngô Thị D, 14 tuổi, đang học lớp 8, nhà ở gần xưởng mộc nơi Hậu làm thuê.

Ban đầu chỉ là chát chít, tán tỉnh nhau trên mạng, sau vài lần như thế Hậu rủ được cô bé ra cánh đồng tâm sự. Do quần áo bị lấm bùn, sợ về nhà bị mắng nên cô bé tiếp tục theo Hậu vào nhà nghỉ để giặt đồ. Tại đây, Hậu đã thực hiện hành vi hiếp dâm, bất chấp sự kêu la, phản kháng dữ dội của nạn nhân. Sau đó, Hậu còn lấy điện thoại ra quay và chụp hình nạn nhân và dùng những clip, hình ảnh này để ép buộc cô bé quan hệ thêm nhiều lần nữa. Phải đến khi gia đình cô bé phát hiện con mình có thai, nên mới làm đơn tố cáo. Hậu bị bắt và rồi bị Tòa án tuyên phạt 12 năm tù.

Chứng kiến cảnh những trẻ vị thành niên như Na, như Lư, như Hậu phạm tội, nhiều người thấy không khỏi tiếc. Giá như các em được học hành, quan tâm, giáo dục đến nơi đến chốn, giá như bố mẹ không buông lỏng quản lý mà chăm bẵm, giáo dưỡng con cái được tốt hơn thì thì đâu đến nỗi. Đến bao giờ các bậc làm cha, làm mẹ mới thừa nhận một sự thật: Giờ đây, có quá nhiều tội ác được gây nên bởi đám trẻ sống lệch lạc, bầy đàn như hoang thú? Họ đã ở đâu và làm gì khi những đứa con, đứa cháu của mình sống lang chạ, dạt nhà đi bụi, gà gật miên man bất tận trong các nhà nghỉ, quán game, quán chát? Để rồi từ đó, những đứa trẻ, những thanh niên mới lớn dễ bề trượt ngã vào vũng tối. Và, xã hội sẽ còn bao nhiêu Vàng Mí Na, Lò Văn Lư, Tạ Văn Hậu nếu các bậc sinh thành không giật mình chấn chỉnh?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hành trình “viết lại cuộc đời”