Còn đâu nghĩa vợ, tình chồng

An Dương| 13/11/2014 05:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong các vụ án giết người do mâu thuẫn vợ chồng, nguyên nhân thường bắt nguồn cả từ hai phía.

“Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” là đúc kết về trách nhiệm của mỗi thành viên trong gia đình trong việc giữ gìn hòa khí, sự nhường nhịn lẫn nhau và trong đó có cả “thiên chức” dịu dàng của người vợ, người mẹ. Khi vợ chồng chia tay, không còn tình thì nên giữ nghĩa, đừng để con cái phải chịu cảnh mồ côi.

Trong vụ án Nguyễn Văn Phong (ngụ xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai), nhìn lũ trẻ bơ vơ mất mẹ mà người dự khán không thể cầm được nước mắt…

Với các hành vi mà bị cáo Nguyễn Văn Phong thực hiện như dùng hung khí nguy hiểm đâm liên tiếp nhiều nhát vào vợ mình là bà Mai Thị Tố Như khiến những ai nghe bản cáo trạng này cũng cảm thấy căm phẫn, nhất là khi chị Như chính là người “đầu ấp má kề” của bị cáo. Vậy nhưng khi nghe con của người bị hại trình bày trước Tòa về việc ba tàn tật nhưng thường bị mẹ đánh, nhiều người lại lặng người trước bi kịch gia đình của bị cáo Phong.

Nguyễn Văn Phong sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo có đến 8 người con. Tuổi thơ của Phong rất bất hạnh vì bị cáo không may bị tàn tật, teo cơ chân tay sau một cơn sốt ác tính. Sức khỏe yếu và cũng không được đến trường nhưng Phong vẫn sống tự lập bằng nghề bán vé số. Lúc đầu, Phong ngồi một chỗ để bán nhưng do ế ẩm nên được mẹ mua cho chiếc xe đạp, hàng ngày Phong đạp xe đi khắp xã bán vé số. Trong thời gian hành nghề, Phong quen biết với chị Mai Thị Tố Như, một người phụ nữ cùng có hoàn cảnh rất éo le. Chồng chị Như chẳng may mất sớm, để lại người vợ không nghề nghiệp ổn định với hai đứa con thơ dại. Chị Như đi làm thuê một thời gian nhưng thu nhập không đủ sống nên chị đã gửi con cho mẹ đẻ rồi đi bán vé số.

Hai thân phận bất hạnh gặp nhau và nảy nở tình cảm yêu thương. Phong cảm thông với người góa phụ, còn Như thương người đàn ông tật nguyền nhưng biết vượt lên hoàn cảnh. Khi nghe Phong ngỏ lời muốn cưới mình làm vợ, chị Như đã rưng rưng cảm động và đồng ý. Tuy nhiên, gia đình Phong không hài lòng vì chị Như là người đã có hai con. Họ lo ngại con trai của mình vốn là người tàn tật sẽ không cáng đáng được vai trò người chồng, dễ dẫn đến bi kịch gia đình.

Còn đâu nghĩa vợ, tình chồng

Hình minh họa

Dù phản đối việc hôn nhân nhưng mẹ Phong vẫn tạo điều kiện cho con trai bằng việc cho đất cất nhà. Một căn nhà nhỏ tạm bợ đã trở thành tổ ấm cho vợ chồng Phong, họ có con chung và tận hưởng những năm đầu hạnh phúc. Chị Như đón hai con riêng về chung sống, các cháu rất thương người cha dượng tuy tàn tật nhưng biết chăm sóc gia đình. Hàng ngày, vợ chồng Phong mỗi người một ngả đi khắp các nẻo đường để bán vé số. Ai cũng ngỡ rằng, họ đã vượt qua những định kiến để sướng khổ có nhau, cùng dắt tay nhau vượt lên cuộc sống.

Những xích mích, khó khăn trong cuộc sống khiến gia đình Phong bắt đầu nảy sinh mâu thuẫn. Vài lần chị Như đem tài sản gia đình cho cháu mượn nhưng không nói trước hoặc không có sự đồng ý của chồng khiến Phong cảm giác mình không được tôn trọng. Từ đó dẫn tới vợ chồng xúc phạm, bạo hành  lẫn nhau. Khi sự rạn nứt trở nên khó hàn gắn, chị Như bỏ nhà đưa các con ra thuê phòng trọ ở riêng. Trước khi đi, chị Như đã giữ sổ trợ cấp hàng tháng đối với người khuyết tật của Phong.

Sáng 12/3, Phong đến nơi chị Như ở trọ để yêu cầu trả lại sổ trợ cấp. Chẳng những không trả, chị Như còn chửi bới, đánh người chồng tàn tật khiến Phong lầm lũi trở về tay không. Càng nghĩ, Phong càng tức giận người vợ cậy sức bạo hành nên đến chiều, Phong cầm theo dao nhọn đến nhà trọ của vợ. Chị Như thấy Phong liền chạy đến giáng hai bạt tai, cứ ngỡ người chồng sẽ “giơ đầu chịu báng” như mọi khi, ai ngờ Phong rút dao đâm chị Như tử thương. Gây án xong, Phong đi thẳng ra Cơ quan điều tra tự thú.

Trong phiên tòa, Nguyễn Văn Phong cho rằng, chị Như nhiều lần đánh bị cáo, nhiều khi đơn giản chỉ là do Phong làm trái ý. Do tàn tật không đánh trả được nên bị cáo mới dùng dao để tự vệ. Do người bị hại đánh vào mặt nên bị cáo không kìm được bức xúc dẫn tới dùng dao gây án. Trong khi đó, gia đình chị Như cho rằng, Phong thường uống rượu, bạo hành vợ, từng đánh chị Như chấn thương đầu phải khâu nhiều mũi. Khi người con chị Như khai rằng đã nhiều lần chứng kiến bố mẹ gây sự đánh nhau, chị Như khỏe hơn nên luôn giành phần thắng. Những lời nói ngây thơ của con trẻ khiến những người dự phiên tòa nhói lòng. 

Vị chủ tọa phiên tòa phân tích, nguyên nhân dẫn đến hành động phạm tội của bị cáo chính là sự thiếu tôn trọng, xúc phạm lẫn nhau giữa những thành viên trong gia đình. Nếu như chị Như tế nhị, Phong biết kiềm chế hơn một chút thì có lẽ án mạng đã không xảy ra. Phiên tòa kết thúc bằng bản án 12 năm tù dành cho Phong, ba người con của bị cáo tật nguyền chạy đến bên cha kêu khóc nức nở. Hình ảnh gây xúc động mạnh cho những ai tham dự phiên tòa. 

(Tên nhân vật đã được thay đổi)

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Còn đâu nghĩa vợ, tình chồng