"Con cái không phải là tài sản để giành giật, cưỡng chế"

Nam Anh| 23/07/2017 16:35
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mai chia tay Thành và được Tòa trao quyền nuôi khi con mới vài tháng tuổi. Một thời gian sau, Mai xuất ngoại lấy chồng ngoại quốc. Việc giành quyền nuôi con gái nhỏ trên Tòa liệu có phải tình thương thật sự mà Thành và Mai dành cho con...

Vừa chào đời đã xa bố mẹ

Nguyễn Văn Thành và Nguyễn Quỳnh Mai đều mới ngoài 20 tuổi. Tình yêu sôi nổi của Thành và Mai đã nhanh chóng đơm hoa kết trái bằng cuộc hôn nhân được gia đình hai bên và bạn bè hàng xóm đánh giá là một cặp đôi đẹp bởi Thành là một chiến sĩ công an của thành phố Hải Dương, còn Mai là một cô gái xinh đẹp và rất giỏi ngoại ngữ, có nhiều chàng trai theo đuôi nhưng cô lại quyết định gắn bó cuộc đời mình với một anh chàng công an.

Nhưng sau khi cưới nhau được vài tháng, thay bằng những ngày tháng hạnh phúc ngọt ngào thì những mâu thuẫn lớn, nhỏ dồn dập kéo đến khiến Mai không đủ sức chịu đựng. Mai xách vali về nhà bố mẹ mình sống mang theo bào thai trong bụng đang lớn dần.

Sau ngày Mai bỏ về nhà mẹ đẻ, Thành cũng đã vài lần tới mong hàn gắn lại hạnh phúc, nhưng dường như giữa họ duyên số đã cạn, mối quan hệ của hai vợ chồng Mai không thể cải thiện được nữa.

Ngày con gái đầu lòng của Thành và Mai chào đời cũng là ngày cuộc hôn nhân của họ bên bờ vực đổ vỡ. Đáng buồn hơn, ngay khi chào đời, cháu bé đã mang bên mình chứng u máu mi mắt khiến vợ chồng Mai đã buồn lại càng buồn hơn.

Chỉ 3 tháng sau ngày con gái chào đời, cuộc hôn nhân của Thành và Mai đã chính thức kết thúc khi được Toà án chấp nhận cho ly hôn. Mai được trao quyền nuôi con gái, Thành có nghĩa vụ mỗi tháng chu cấp cho con 1,5 triệu đồng.

Sau khi ly hôn Thành vài tháng, Mai xuất ngoại sang Hàn Quốc làm việc. Tại đây, người mẹ trẻ đã sớm bén duyên với một người đàn ông bản xứ rồi tiến tới cuộc hôn nhân và nhanh chóng có thai với người chồng mới. Bận bịu với cuộc sống nơi xứ người, Mai rất hiếm khi về nước thăm con gái nhỏ mà chỉ gửi tiền về cấp dưỡng cho bé. 

Con cái không phải là tài sản để giành giật, cưỡng chế

Những ngày sau đó, con gái của Thành và Mai ở với ông bà ngoại. Trong thời gian này, chứng u máu mí mắt của con ngày một nặng thêm.

Hình ảnh mang tính minh họa

Về phía Thành, sau khi ly hôn vẫn gửi tiền chu cấp đều cho con và mãi đến cuối năm 2015 anh mới biết Mai đã xuất ngoại. Thành đã quyết định đến xin được đón con gái về nuôi dưỡng để tiện bề chăm sóc cho con, nhưng bị gia đình Mai từ chối.

Đầu năm 2016 Thành đã không gửi tiền nuôi con với lý do muốn thay đổi quyền chăm sóc cháu bé. Anh cũng chuẩn bị hồ sơ khởi kiện đề nghị Toà án phân xử việc tranh chấp quyền nuôi con.

Khi Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý vụ án, Mai lấy lý do đang mang thai lại ở xa nên xin hoãn phiên toà đến khi sinh xong sẽ về Việt Nam giải quyết chuyện con cái. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm đã tuyên thay đổi quyền nuôi con, giao con gái của hai người cho Thành chăm sóc mà không yêu cầu Mai phải cấp dưỡng nuôi con.

Tuy nhiên, Mai đã không đồng ý giao con cho chồng cũ, cô cho rằng trong suốt thời gian bầu bí, sinh con, Thành đã không quan tâm và thăm con ngày nào... Mai cho rằng dù mình ở xa con nhưng vẫn luôn dành tình thương yêu cho con gái. Ngoài ra, cháu bé ở với ông bà ngoại từ nhỏ được chăm sóc tốt đã ổn định môi trường, nên cô không muốn con bị xáo trộn. Mai đã kháng cáo lên TAND cấp cao tại Hà Nội.

Tại phiên tòa, Mai trình bày, từ khi ly hôn Thành rất ít đến thăm con gái nên cháu bé không gần gũi bố. Bố Mai tiếp lời con gái, cháu ngoại ở với ông bà từ lúc sinh ra, bệnh u máu của bé tiến triển nặng nếu không được phẫu thuật sớm sẽ có những biến chứng khó lường.

Thành thì nói khác. Anh giải thích, trước khi ly hôn anh nhiều lần cùng vợ đưa con gái lên Hà Nội khám và được bác sĩ cho biết đây là một chứng bệnh lành tính, chỉ cần đợi đến 5 tuổi tiểu phẫu là cô bé vẫn phát triển bình thường. Đồng thời, anh cũng cho rằng giờ Mai đã có gia đình mới lại sống xa con nên muốn bù đắp tình cảm cho con.

“Cô ấy đã không nuôi con thì hãy nhường tôi. Tiền cô ấy cần tôi trả, việc cấp dưỡng tôi cũng không đòi hỏi cô ấy nữa”, Thành bày tỏ nguyện vọng trước HĐXX.

Thật bất ngờ, người mẹ trẻ nói mình vẫn có nguyện vọng nuôi con nhưng nếu Thành vẫn quyết đâm đơn kiện thì cô nhường con cho chồng cũ nuôi, chỉ cần Thành trả đủ số tiền cấp dưỡng còn thiếu trong thời gian trước đây.

Sau lời nói của vợ cũ, Thành thở phào nhẹ nhõm, anh luôn miệng nói đồng ý trả tiền cho Mai chỉ mong gia đình cô không cản trở việc anh đón con về để thuận việc chăm sóc con. HĐXX cấp phúc thẩm cũng đã quyết định đình chỉ việc xét xử, thông báo bản án sơ thẩm có hiệu lực.

Phiên tòa kết thúc với kết quả được cho là "thuận" cả đôi bên, trong khi đó, Thành vẫn bần thần ôm đống giấy tờ, hỏi đi hỏi lại với sự lo lắng thể hiện rõ trên khuôn mặt, anh nói “nếu không được giao con như thoả thuận tôi biết nhờ ai can thiệp?”. Tòa cho hay, nếu Mai và gia đình không chịu giao con, anh có thể yêu cầu cơ quan thi hành án giải quyết.

“Đây là một đứa trẻ, nên giao nhận trong tình yêu thương, đừng coi con cái là một tài sản để giành giật, cưỡng chế”, câu nói cuối cùng của vị đại diện HĐXX bất chợt làm Thành bừng tỉnh khỏi tâm trạng còn hoang mang, hỗn loạn, thay vào đó là sự trống rỗng và cảm giác mất mát không hề nhỏ xâm chiếm tâm hồn.

Cách đấy vài bước chân, khuôn mặt của người mẹ trẻ cũng bất thần ngơ ngẩn. Cô thảng thốt vài câu muộn màng xin cho mình được gần con thêm mấy tháng, trước khi quay trở lại Hàn Quốc xa xôi, cô sẽ tự nguyện giao lại con gái cho chồng cũ. Mai cũng xin HĐXX cho cô được cấp dưỡng nuôi con cùng Thành cho tới khi con gái nhỏ của cô tới độ tuổi khôn lớn và trưởng thành.

(Tên nhân vật đã được thay đổi).

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Con cái không phải là tài sản để giành giật, cưỡng chế"