Hoãn phiên tòa xét xử vụ án chạy thận tại Hòa Bình

Mạnh Hùng| 08/01/2019 10:46
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay (8/1), TAND TP. Hòa Bình mở phiên tòa xét xử với các bị cáo trong vụ án “Vô ý làm chết người” và“Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” làm 9 người chết tại BVĐK Hòa Bình.

Tuy nhiên trong phiên tòa sáng nay, sau phần kiểm tra căn cước, Thư ký báo cáo HĐXX về việc bị cáo Hoàng Công Lương vắng mặt không lý do. 

Cũng tại tòa, đại điện VKS xác nhận vợ bị cáo Lương đã có đơn xin cho chồng xét xử vắng mặt và VKS đã xác minh Hoàng Công Lương vắng mặt vì lý do sức khỏe, hiện đang được điều trị tại BVĐK tỉnh Hòa Bình.

Ngoài ra, VKS cũng cho rằng, do vắng mặt một số người làm chứng và người tham gia tố tụng khác tại tòa, người có lý do, người không có lý do… Do đó, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo và những người tham gia tố tụng khác, VKS đã đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa.

Hoãn phiên tòa xét xử vụ án chạy thận tại Hòa Bình

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử sáng nay

Tiếp tục có ý kiến trước sự vắng mặt của bị cáo Hoàng Công Lương, luật sư Nguyễn Văn Chiến, luật sư bào chữa cho bị cáo Lương cho rằng, do lý do sức khỏe của Lương không được tốt, tuy nhiên trong phần thủ tục Thư ký báo cáo Lương vắng mặt không lý do là không đúng bởi phía tòa đã đi xác minh.

Trước đề nghị của đại diện VKS và luật sư, HĐXX đã hội ý và quyết định hoãn phiên tòa, phiên tòa sẽ được mở lại vào ngày 14/1/2019.

Chủ tọa phiên tòa là Thẩm phán Nghiêm Hoài Anh. Ngoài ra, thành viên HĐXX còn có Thẩm phán Đặng Minh Khoa và Thẩm phán dự khuyết Nguyễn Thị Nguyệt, cùng 3 Hội thẩm nhân dân. Đại diện VKS giữ quyền công tố tại phiên tòa gồm có: Kiểm sát viên Bùi Thị Thu Hằng, Đào Thị Hồng Điệp và 1 Kiểm sát viên dự khuyết.

Đây là lần xét xử sơ thẩm thứ hai sau khi HĐXX trả hồ sơ vào ngày 5/6/2018 để điều tra bổ sung. Trong lần xét xử này có thêm 4 bị cáo bị truy tố. Tuy nhiên, trước ngày TAND TP. Hòa Bình mở lại phiên tòa xét xử, vợ của bị cáo Hoàng Công Lương làm đơn xin xét xử chồng vắng mặt.

Tham gia bào chữa cho các bị cáo và người tham gia tố tụng có khoảng hơn 31 luật sư. Trong đó, có 22 luật sư tham gia bào chữa.

Trong đó, bị cáo Hoàng Công Lương có 10 luật sư bào chữa gồm các luật sư: Nguyễn Văn Chiến, Nguyễn Văn Đà, Ngô Thị Thu Hằng, Trần Hồng Phúc, Vũ Công Dũng, Hoàng Ngọc Biên, Trần Thu Nam, Nguyễn Thị Thúy, Nguyễn Văn Quynh và Nguyễn Thị Thúy Kiều.

Ngoài ra, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 9 gia đình có nạn nhân tử vong trong vụ án vẫn là luật sư Nguyễn Hoàng Trung, đoàn Luật sư TP. Hà Nội; 2 luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn dân sự BVĐK tỉnh Hòa Bình là Nguyễn Hữu Toại và Nguyễn Danh Huế, cùng thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội; 2 luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn dân sự CTCP Dược phẩm Thiên Sơn là Nguyễn Thị Đinh Hương (cùng bào chữa cho bị cáo Đỗ Anh Tuấn) và Ngô Thị Hồng Liên, đoàn Luật sư TP. Hà Nội.

Hoãn phiên tòa xét xử vụ án chạy thận tại Hòa Bình

Toàn cảnh phiên tòa sáng nay

Phiên tòa xét xử lần này sẽ có 7 bị cáo bị truy tố với 2 nhóm tội danh gồm: Hoàng Công Lương (SN 1986), bác sỹ khoa Hồi sức tích cực, nay là viên chức phòng Công nghệ thông tin, BVĐK tỉnh Hòa Bình; và Bùi Mạnh Quốc (SN 1986), Giám đốc Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh, cùng bị truy tố về tội “Vô ý làm chết người” theo khoản 2 Điều 98 - BLHS năm 1999.

Các bị cáo: Trần Văn Sơn (Sn 1990), viên chức phòng Vật tư - Thiết bị y tế, BVĐK tỉnh Hòa Bình; Trần Văn Thắng (SN 1965), nguyên Trưởng phòng Vật tư - Thiết bị y tế, BVĐK tỉnh Hòa Bình; Hoàng Đình Khiếu (SN 1962) Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình; Trương Quý Dương (SN 1962), nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình; Đỗ Anh Tuấn (SN 1976), Giám đốc CTCP Dược phẩm Thiên Sơn, cùng bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại khoản 2 Điều 285 - BLHS 1999.

Ngoài các bị cáo, TAND TP.Hòa Bình cũng triệu tập hơn 10 nhân viên y tế của BVĐK tỉnh Hòa Bình tham dự phiên tòa với tư cách người làm chứng. Hai bị đơn dân sự trong vụ án này được xác định là BVĐK tỉnh Hòa Bình và Công ty cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn. Ngoài ra, những người tham gia tố tụng khác còn có 2 giám định viên kỹ thuật hình sự thuộc Viện khoa học hình sự, Tổng cục cảnh sát, Bộ Công an.

Theo cáo trạng, Hoàng Công Lương là người có chuyên môn, được đào tạo kỹ thuật thận nhân tạo; có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh với phạm vi hoạt động chuyên môn là khám chữa bệnh Nội và Hồi sức cấp cứu.

Hoàng Công Lương là người thừa lệnh Trưởng khoa ký đề xuất sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2; biết rõ nội dung sửa chữa và thời gian cụ thể ngày 28/5/2017 sửa chữa hệ thống RO số 2.

Hoãn phiên tòa xét xử vụ án chạy thận tại Hòa Bình

Hoãn phiên tòa xét xử vụ án chạy thận tại Hòa Bình

Một số bị cáo được dẫn giải tới tòa

Ngày 29/5/2017, Hoàng Công Lương là bác sỹ duy nhất trong 3 bác sỹ được phân công điều trị cho bệnh nhân tại Đơn nguyên lọc máu có đủ điều kiện ra y lệnh lọc máu chạy thận. Chính y lệnh lọc máu chạy thận của Hoàng Công Lương cũng như việc Lương ký xác nhận vào y lệnh của bác sỹ Linh, bác sỹ Huyền có hiệu lực quyết định đối với ca chạy lọc máu cho 18 bệnh nhân. Do vậy, bác sỹ Lương là người chịu trách nhiệm về chuyên môn trong ca điều trị cho người bệnh ngày 29/5/2017.

Với trình độ, nhận thức và vai trò, trách nhiệm được giao, Hoàng Công Lương phải biết nước sử dụng trong lọc máu phải đảm bảo chất lượng, sau khi sửa chữa, bảo dưỡng “tẩy rửa màng RO” phải có xét nghiệm xác định chất lượng nguồn nước và biết trách nhiệm đảm bảo chất lượng nước thuộc trưởng khoa.

Tuy nhiên, sáng 29/5/2017, khi mới nghe Điều dưỡng Đỗ Thị Điệp (là người không có trách nhiệm bảo đảm chất lượng nước) nói về việc Trần Văn Sơn thông báo hệ thống RO số 2 đã sửa xong và có thể hoạt động bình thường, chưa có căn cứ xác định chất lượng nguồn nước đảm bảo và thực tế chưa có việc bàn giao hệ thống RO số 2 để đưa vào sử dụng, nhưng Hoàng Công Lương đã chủ quan ra y lệnh điều trị và ký xác nhân y lệnh điều trị của bác sỹ Nguyễn Mạnh Linh và bác sỹ Phạm Thị Huyền đối với 18 bệnh nhân.

VKSND tỉnh Hòa Bình kết luận việc ra y lệnh và ký xác nhận của Hoàng Công Lương để tiến hành lọc máu cho 18 bệnh nhân khi chưa có căn cứ xác định chất lượng nguồn nước sau sửa chữa RO số 2, dẫn đến việc nguồn nước không đảm bảo chất lượng trực tiếp đi vào người bệnh nhân, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Do đó, trong lần ra Cáo trạng thứ hai, cơ quan này đã truy tố Lương tội “Vô ý làm chết người”.

Trước đó, trong lần xét xử sơ thẩm lần 1, Lương bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và bị VKS đề nghị mức án tối đa 36 tháng nhưng cho hưởng án treo.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoãn phiên tòa xét xử vụ án chạy thận tại Hòa Bình