Đại diện của Bộ Y tế nói gì trong phiên tòa xét xử bác sỹ Hoàng Công Lương?

Mạnh Hùng| 22/05/2018 17:40
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều nay (22/5), phiên tòa xét xử bị cáo Hoàng Công Lương trong sự cố chạy thận khiến nhiều người tử vong tiếp tục được diễn ra ở phần xét hỏi.

Theo đó, trong phiên xử chiều nay, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố đã xét hỏi ông Đinh Tiến Công, Điều dưỡng trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Tại phiên tòa, ông Đinh Tiến Công một lần nữa khẳng định lại lời khai của ngày hôm qua của mình là hoàn toàn chính xác. Theo đó, ông khẳng định chính ông là người sửa chữa, bổ sung biên bản cuộc họp cuối năm 2015 trong sổ giao ban của khoa về nội dung phân công bác sỹ Hoàng Công Lương làm nhiệm vụ phụ trách đơn nguyên Thận nhân tạo.

Ông Đinh Tiến Công không nhớ chính xác thời điểm sửa chữa biên bản cuộc họp, chỉ nhớ rằng việc này được thực hiện sau khi xảy ra sự cố y khoa làm nhiều người chết ngày 29/05/2017 và việc sửa chữa này là do chỉ đạo của Trưởng khoa Hoàng Đình Khiếu (hiện đang là Phó Giám đốc Bệnh viện) và trước sự có mặt của ông Khiếu.

Đáng chú ý, biên bản cuộc họp cuối năm 2015 không hề có chữ ký của lãnh đạo khoa và ông Khiếu chỉ ký biên bản vào thời điểm Điều dưỡng trưởng Đinh Tiến Công ghi bổ sung nội dung trên.

Đại diện của Bộ Y tế nói gì trong phiên tòa xét xử bác sỹ Hoàng Công Lương?

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử

Đại diện Viện Kiểm sát đã đặt câu hỏi với ông Công vì sao trước đó tại cơ quan Cảnh sát điều tra lại khai ngược lại, ông Công nói: “Vì khi đó tôi chưa xác định được trách nhiệm của mình với việc ghi bổ sung nội dung như vậy. Việc ghi thêm vào sổ, bản thân tôi chỉ nghĩ là hoàn thiện thủ tục hành chính chứ không nghĩ về vấn đề nào khác”.

Nói về hành động ghi thêm này, ông Công cho biết vì mình là cấp dưới nên phải thực hiện ghi theo chỉ đạo.

Trước đó, Phó Giám đốc Hoàng Đình Khiếu cũng thừa nhận có chỉ đạo việc hoàn thiện thủ tục hành chính nói trên.

Cũng tại phiên tòa chiều nay, Viện Kiểm sát đã hỏi bị cáo Hoàng Công Lương có hay không việc bác sỹ Lương ký vào đề xuất sửa chữa thiết bị lọc RO năm 2016? Sau khi HĐXX cho xem tờ trình có chữ ký của bác sỹ Lương và điều dưỡng Nguyễn Thu Hằng, bị cáo Lương khẳng định chữ ký đó không phải của mình.

Chiều nay, trả lời luật sư Nguyễn Chiến, ông Hoàng Đình Khiếu khẳng định sau sự cố xảy ra, với tư cách là lãnh đạo khoa ông đã chỉ đạo hoàn thiện về thủ tục hành chính. “Tôi không chỉ đạo cụ thể, tôi chỉ nói rằng tất cả những thủ tục hành chính cần phải hoàn thiện, nếu cái gì còn thiếu thì phải ghi vào. Trách nhiệm của tôi là Trưởng khoa, tôi chỉ phân công các bác sỹ trong khoa theo đúng trình tự chuyên môn và theo đúng như kế hoạch của khoa,” ông Hoàng Đình Khiếu nói.

Đại diện Bộ Y tế, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế có mặt tại phiên xử chiều 22/5 đã trả lời hàng loạt câu hỏi của HĐXX.

Theo ông Quang, để đảm bảo an toàn nước dùng cho lọc máu, Bộ Y tế áp dụng 2 Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) do Bộ KH&CN ban hành và 2 quy trình lọc máu chu kỳ do Bộ Y tế ban hành.

Đại diện của Bộ Y tế nói gì trong phiên tòa xét xử bác sỹ Hoàng Công Lương?

Ông Đinh Tiến Công tại phiên tòa xét xử

Bộ Y tế đã triển khai tới Giám đốc các Sở Y tế và các đơn vị trực thuộc Bộ. Giám đốc Sở và Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ có trách nhiệm phổ biến xuống phía dưới.

Cũng theo ông Quang, quy trình quản lý nước RO (theo quy định tại Quyết định 36 của Bộ Y tế) hiện nay áp dụng theo tiêu chuẩn của Việt Nam và sau đó nhà sản xuất có trách nhiệm công bố thực hiện. Các nhà sản xuất phải căn cứ vào 2 tiêu chuẩn của Việt Nam do Bộ KH&CN công bố là tiêu chuẩn tự nguyện; ngoài ra còn cả tiêu chuẩn cơ sở.

Nói về chủ trương xã hội hóa trong khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập, ông Quang cho biết Bộ Y tế chủ trương xã hội hóa trong hệ thống y tế theo Nghị định 59 của Chính phủ; hiện nay là Nghị định 85, Nghị quyết 93 và một số văn bản hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, việc thực hiện phải đáp ứng các quy định tại Thông tư 15 của Bộ Y tế ban hành năm 2017 về việc liên kết sử dụng máy chạy thận.

Ông Nguyễn Huy Quang nói: “Chủ trương của Chính phủ là cho phép xã hội hóa, liên danh liên kết trong các cơ sở công lập. Nhưng phải xem việc này có đáp ứng quy định tại Thông tư 15 hay không mới có thể xem xét tiếp được. Sở Y tế có thẩm quyền cấp phép hoạt động chạy thận nhân tạo đối với bệnh viện tỉnh”.

Khi được hỏi về việc trước khi xảy ra sự cố, Bộ Y tế có biết đến việc xã hội hóa trong chạy thận tại BVĐK tỉnh Hòa Bình hay không, ông Quang trả lời: “Cho đến thời điểm này, tôi chưa nhận được thông tin nào gửi về Bộ Y tế về việc này. Bộ Y tế không nhận được thông tin việc liên danh liên kết này, nhưng Bộ có đợt đi kiểm tra và có công văn báo cáo các bệnh viện đã có sự liên danh liên kết. Sau khi có báo cáo, Bộ sẽ chọn một số đơn vị để đi kiểm tra thực tế”.

HĐXX hỏi trách nhiệm của Bộ Y tế trong việc ban hành quy chế về chạy thận nhân tạo, ông Quang cho biết đối với các quy định liên quan đến chuyên môn thì thực hiện theo quy chế bệnh viện do Bộ Y tế ban hành năm 1997. Còn theo quy định về hệ thống lọc RO thì thực hiện theo tiêu chuẩn kỹ thuật, tức là quản lý theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất.

Đại diện của Bộ Y tế nói gì trong phiên tòa xét xử bác sỹ Hoàng Công Lương?

Ông Nguyễn Huy Quang, đại diện Bộ Y tế tại phiên tòa xét xử chiều nay

HĐXX hỏi: “Tức là các cơ sở tự mua sắm và nhà sản xuất phải đảm bảo các tiêu chuẩn do họ tự công bố?”, ông Nguyễn Huy Quang trả lời: “Vâng, đúng như vậy!”.

Cũng tại phiên tòa, ông Quang cho biết đây là sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình mà còn ảnh hưởng đến ngành Y tế.

Đại diện Bộ Y tế cho biết thêm, sau khi sự việc xảy ra, Bộ Y tế đã rà soát các quy định liên quan đến quản lý thiết bị nói chung và quản lý quả thận nhân tạo, hệ thống RO nói riêng. Đối chiếu với báo cáo của Bệnh viện Bạch Mai, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký ban hành Quyết định về quy trình liên quan đến quản lý hệ thống RO và các quy định chuyên môn kỹ thuật liên quan đến chạy thận cho bệnh nhân.

“Tháng 4/2018, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành 52 quy trình, trong đó có 7 quy trình liên quan đến lọc nước RO. Trước đây chưa có quy định liên quan đến sửa chữa nhưng tất cả phải theo quy chuẩn của nhà sản xuất”, ông Quang khẳng định lại.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế cũng khẳng định Hệ thống lọc nước RO là một phần cung cấp nước sạch cho hệ thống chạy thận nhân tạo. Ông Quang nói: “Sau khi thực hiện Luật Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, cộng với việc báo cáo của Bệnh viện Bạch Mai, chúng tôi rà soát lại và thấy quy trình sửa chữa, bảo dưỡng của các nhà sản xuất khác nhau, và chúng tôi thấy cần có sự thống nhất. Chính vì thế Bộ Y tế đã ban hành 52 quy trình nói trên”.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại diện của Bộ Y tế nói gì trong phiên tòa xét xử bác sỹ Hoàng Công Lương?