Đại án TrustBank: Tập trung làm rõ “số phận” 114 tài sản thế chấp

Văn Vũ| 18/11/2019 22:17
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Từ ngày 15- 25/11, TAND TP HCM đưa ra xét xử vụ án Hứa Thị Phấn và đồng phạm giai đoạn 2, xảy ra tại TrustBank. Tâm điểm phần xét hỏi hôm nay xoay quanh việc ông Phạm Công Danh đã chuyển 3.650 tỷ đồng nhưng không nhận được 114 tài sản theo thỏa thuận.

Hứa Thị Phấn vắng mặt tại phiên tòa

Theo cáo trạng, bị cáo Hứa Thị Phấn (sinh năm 1947, nguyên cố vấn cao cấp Hội đồng Quản trị TrustBank, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Phú Mỹ), Bùi Thị Kim Loan (sinh năm 1978, kế toán Công ty trách nhiệm hữu hạn Phú Mỹ, Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư địa ốc Phúc Nguyễn), Lâm Kim Dũng (sinh năm 1955, nguyên Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Địa ốc Lam Giang), Huỳnh Thị Xuân Dung (sinh năm 1959, nguyên Giám đốc Công ty địa ốc Phúc Nguyễn), Lâm Hứa Quỳnh Trinh (sinh năm 1983, nguyên Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Ngân quỹ TrustBank, Chi nhánh Sài Gòn), Phạm Hồng Hảo (sinh năm 1978, nguyên nhân viên TrustBank) bị truy tố về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Tại phiên tòa lần này, bị cáo Hứa Thị Phấn vắng mặt như những lần xét xử trước. Bào chữa cho bị cáo Hứa Thị Phấn có Luật sư Phạm Ngọc Trung và Lại Huy Tùng. Tòa cũng triệu tập nhiều bị án của các giai đoạn trước của vụ án như Phạm Công Danh, Phan Thành Mai, Hoàng Văn Toàn, Trần Sơn Nam..., Ngân hàng thương mại trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xây dựng Việt Nam (CB) tham dự với tư cách là nguyên đơn dân sự. Ngân hàng Nhà nước tham dự với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Đại án TrustBank: Tập trung làm rõ “số phận” 114 tài sản thế chấp

Các bị cáo tại phiên tòa

Các bị cáo “bảo gì làm đó”(!?)

Theo cáo trạng, lợi dụng việc nắm giữ 84,92% vốn điều lệ TrustBank, là cổ đông lớn của ngân hàng, Hứa Thị Phấn đã thâu tóm và chỉ đạo toàn bộ Hội đồng Quản trị, Ban điều hành và cán bộ, nhân viên TrustBank, chỉ đạo Bùi Văn Lắm (Chủ tịch Ban Chấp hành Công đoàn TrustBank), chỉ đạo Nguyễn Kim Thanh (Phó trưởng Phòng Đầu tư kiêm thành viên Hội đồng đầu tư TrustBank) làm các thủ tục để ngân hàng đầu tư trực tiếp 1.037 tỷ đồng vào 4 dự án bất động sản do 3 công ty của bà Phấn làm chủ đầu tư gồm Công ty cổ phần Phú Mỹ, Công ty cổ phần địa ốc Lam Giang và Công ty trách nhiệm hữu hạn Phú Mỹ. Thế nhưng, số tiền này Hứa Thị Phấn không sử dụng để đầu tư vào dự án như hợp đồng hợp tác mà rút tiền mặt để chiếm đoạt cá nhân và đến nay chối bỏ toàn bộ trách nhiệm thanh toán trả lại cho TrustBank.

Sau khi bà Lý Kim Chi (Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Phú Mỹ) mua lại 90% phần vốn góp vào Công ty trách nhiệm hữu hạn Phú Mỹ từ Hứa Thị Phấn, bà Chi đã thanh lý hợp đồng hợp tác và hoàn trả đủ cho TrustBank toàn bộ gốc cùng lợi nhuận khoản tiền hơn 136 tỷ đồng mà ngân hàng đã đầu tư vào Dự án Khu Công nghiệp Tân Đông Hiệp B bị Hứa Thị Phấn chiếm đoạt.

Vì vậy, thiệt hại thực tế cho TrustBank là hơn 901 tỷ đồng. Đến nay, cả 3 dự án còn lại đều không được triển khai, đã bị cơ quan có thẩm quyền chấm dứt đầu tư do chủ đầu tư không thực hiện dự án.

Ngoài hành vi trên, Hứa Thị Phấn còn trực tiếp chỉ đạo cấp dưới thực hiện việc mua và nâng khống giá trị 4 bất động sản: Số 10 Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, quận 1; số 422B Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3; số 409 Sư Vạn Hạnh, phường 12, quận 10 (đều ở thành phố Hồ Chí Minh) và số 30 Quang Trung (phường Vạn Thắng, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa).

Sau đó, Hứa Thị Phấn chỉ đạo Hội đồng Quản trị và Ban điều hành TrustBank mua 4 bất động sản này với lý do là mở rộng hệ thống hoặc đầu tư bất động sản, với tổng giá trị trên 661 tỷ đồng; trong khi TrustBank đã vượt quá tỷ lệ mua sắm tài sản cố định, dẫn đến 4 bất động sản này đến nay chưa thể hạch toán vào tài khoản tài sản cố định của ngân hàng. Trong phi vụ này, Hứa Thị Phấn đã chiếm đoạt hơn 437 tỷ đồng của TrustBank.

Theo cáo trạng, trong giai đoạn này, bị cáo Hứa Thị Phấn bị truy tố về hành vi chiếm đoạt hơn 1.338 tỷ đồng của TrustBank.

Tại phiên tòa, 5 bị cáo trong vụ án đều khai nhận hành vi phạm tội vì tin tưởng vào Hứa Thị Phấn. Bị cáo Bùi Thị Kim Loan cho rằng, bản thân mình chỉ là người làm công ăn lương, chỉ đưa các chứng từ cho các bị cáo khác ký theo chỉ đạo của bà Phấn. Bị cáo không biết và không được hưởng lợi gì từ hành vi này.

4 bị cáo còn lại là người thân của bà Phấn được cáo trạng xác định là tham gia giúp sức cho bà Phấn chiếm đoạt tiền của TrustBank. Hầu hết các bị cáo đều khai nhận được bà Phấn đưa vào nắm giữ các vị trí trong TrustBank, được đứng tên công ty, nhà đất cho bà Phấn và không biết gì về hành vi phạm tội của bà Phấn mà chỉ biết “đưa gì ký đó”.

Đại án TrustBank: Tập trung làm rõ “số phận” 114 tài sản thế chấp

Bị cáo Hứa Thị Phấn tiếp tục vắng mặt tại phiên tòa lần này

Tiền đã chuyển nhưng tài sản không chịu giao

Trong phần xét hỏi hôm nay, các Luật sư bảo vệ cho Phạm Công Danh và nhóm Thiên Thanh đã tập trung làm rõ Biên bản thỏa thuận ký ngày 06/06/2012 về việc chuyển giao 252.110.151 cổ phần của TrustBank giữa nhóm cổ đông bán cổ phần (nhóm Phú Mỹ) và nhóm mua cổ phần (nhóm Thiên Thanh) và Hợp đồng chuyển giao quyền và nghĩa vụ dân sự liên quan tại TrustBank ký ngày 09/10/2012 giữa bên chuyển giao quyền (bà Hứa Thị Phấn đại diện nhóm cổ đông Phú Mỹ) và bên nhận chuyển giao quyền và nghĩa vụ (Tập đoàn Thiên Thanh - Đại diện ông Phạm Công Danh) và các Phụ lục có liên quan.

Tại phiên tòa, các Luật sư tập trung hỏi về số tiền 3.658 tỷ đồng mà nhóm Thiên Thanh do Phạm Công Danh đại diện đã chuyển cho nhóm Phú Mỹ để Hứa Thị Phấn trả cho khoản nợ gốc 3.581 tỷ đồng cho dư nợ gốc 29 khoản vay, 76,9 tỷ đồng phần lãi của khoản vay (5 khoản) trong 29 khoản vay với dư nợ gốc 515 tỷ đồng (6 tài sản bảo đảm) để nhận 114 tài sản thế chấp để đảm bảo cho các khoản vay này.

Theo các Luật sư, sau khi nhóm Thiên Thanh chuyển số tiền 3.658 tỷ đồng vào tài khoản của bà Hứa Thị Phấn (đại diện nhóm Phú Mỹ) như đã thỏa thuận thì nhóm Phú Mỹ cho đến nay vẫn chưa thực hiện cam kết thu hồi các khoản công nợ phát sinh từ khi nhóm Phú Mỹ quản lý điều hành Ngân hàng, không thực hiện nghĩa vụ bàn giao tài sản 114 tài sản thế chấp bảo đảm cho 29 khoản vay có liên quan nói trên cho nhóm Thiên Thanh.

Theo Luật sư Trần Minh Hải, nhóm Thiên Thanh đã thực hiện nghĩa vụ và đã chuyển tiền theo thỏa thuận của Hợp đồng chuyển giao quyền và nghĩa vụ đã ký kết cho Nhóm Phú Mỹ. Bà Phấn đã trả dư nợ gốc cho 29 khoản vay này. Chưa kể, trong số dư nợ gốc này, tại trang 25 Phương án tái cơ cấu ghi nhận, trong 3.581 tỷ nợ gốc thì có hơn 1.700 tỷ đồng là tiền lãi nhập gốc. Do đó, nhóm Thiên Thanh có quyền được nhận 114 tài sản thế chấp này theo hợp đồng. Tuy nhiên, hiện nay, 114 tài sản này vẫn chưa được chuyển giao cho nhóm Thiên Thanh.

Trả lời các câu hỏi của Luật sư xung quanh 114 tài sản thế chấp trên, đại diện CB cho rằng, Ngân hàng không giải chấp những tài sản này vì để đảm bảo cho việc thu hồi 1.260 tỷ đồng liên quan đến tiền lãi chưa thanh toán của 29 khoản vay.

Ngày mai (19/11), phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi liên quan đến 114 tài sản thế chấp cho 29 khoản vay trên.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại án TrustBank: Tập trung làm rõ “số phận” 114 tài sản thế chấp