Phấn đấu giảm lãi suất cho vay trong những tháng cuối năm

Lan Trần| 12/10/2017 16:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Những tháng cuối năm 2017, NHNN tiếp tục điều hành các giải pháp nhằm ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu giảm lãi suất cho vay phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ tiền tệ nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố một số thông tin về điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng tháng 9/2017 và định hướng những tháng cuối năm 2017.

Mặt bằng lãi suất được giữ ổn định

Thông tin của NHNN cho biết mặt bằng lãi suất được giữ ổn định và giảm mặc dù có sức ép tăng trong 6 tháng đầu năm 2017.

Từ ngày 10/7/2017, để hỗ trợ giảm chi phí hoạt động cho doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, NHNN đã điều chỉnh giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên, điều chỉnh giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành của NHNN. Bên cạnh đó, NHNN có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục chủ động triển khai các biện pháp tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Phấn đấu giảm lãi suất cho vay trong những tháng cuối năm

Theo đó, các tổ chức tín dụng đã giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên; giảm lãi suất cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh với lãi suất thấp hơn khoảng 0,5-1%/năm, giảm lãi suất một số chương trình cho vay trung dài hạn đối với lĩnh vực ưu tiên xuống còn khoảng 8%/năm (từ mức phổ biến 9-10,5%/năm trước đó), triển khai các gói tín dụng ngắn hạn và trung dài hạn đa dạng với lãi suất ưu đãi cho các ngành thiết yếu trong phát triển kinh tế và an sinh xã hội, áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn đối với khách hàng tốt khoảng 4-5%/năm.

Hiện mặt bằng lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức: ngắn hạn 6-6,5%/năm, trung và dài hạn 8-10,5%/năm; đối với sản xuất kinh doanh thông thường, khoảng 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung dài hạn.

Cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên đều tăng

Trên cơ sở định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm, NHNN đã thông báo chỉ tiêu cho các tổ chức tính dụng và xem xét điều chỉnh phù hợp với tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung giải ngân tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao. NHNN cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn lực, cân đối nguồn vốn để triển khai mạnh mẽ các chương trình tín dụng ưu đãi đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là đối với lĩnh vực nông thôn, nông nghiệp công nghệ cao...

Báo cáo của NHNN cho thấy tín dụng đối với nền kinh tế liên tục tăng ngay từ những tháng đầu năm 2017 và tăng đều qua các tháng. Đến ngày 20/9/2017, tín dụng tăng 11,02% so với cuối năm 2016 - là mức tăng cao so với các năm gần đây (cùng kỳ năm 2016 tăng 10,46% và cùng kỳ năm 2015 tăng 10,78%). Cơ cấu tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, trong đó, tín dụng đối với một số ngành kinh tế trọng điểm và lĩnh vực ưu tiên tăng cao hơn so với mức tăng chung của toàn hệ thống.

Theo đánh giá của NHNN, cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên đều tăng so với cuối năm 2016. Cụ thể tín dụng nông nghiệp và phát triển nông thôn đến tháng 8/2017 đạt 1.222.267 tỷ đồng, tăng 17% so với cuối năm 2016, chiếm tỷ trọng khoảng 20,2% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế; Tín dụng đối với 4 lĩnh vực ưu tiên còn lại (đến cuối tháng 8/2017): Tín dụng cho lĩnh vực xuất khẩu đạt 207.001 tỷ đồng, tăng 8,14%; Tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 35.012 tỷ đồng, tăng 25,12%; Tín dụng công nghiệp ưu tiên phát triển đạt 153.837 tỷ đồng, tăng 18,9%; Tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 1.292.182 tỷ đồng, tăng 7,49%.

Phấn đấu giảm lãi suất cho vay trong những tháng cuối năm

NHNN cho biết trong trong những tháng cuối năm 2017, tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp về tiền tệ, hoạt động ngân hàng nhằm kiểm soát lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, lạm phát, hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng, NHNN điều hành linh hoạt lượng cung tiền, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, xem xét điều chỉnh lộ trình áp dụng tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn để sử dụng cho vay trung, dài hạn phù hợp, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng và giảm áp lực thanh khoản, hỗ trợ các tổ chức tín dụng ổn định mặt bằng lãi suất huy động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay.

NHNN sẽ tiếp tục điều hành các giải pháp nhằm ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu giảm lãi suất cho vay phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ tiền tệ nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ. Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động cân đối nguồn vốn và sử dụng vốn để đảm bảo thanh khoản; thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh.

Tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt trên cơ sở tham chiếu diễn biến thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, thị trường quốc tế, các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ, cán cân thanh toán và phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ; Phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để chủ động, linh hoạt điều hành các công cụ chính sách tiền tệ nhằm ổn định thị trường tiền tệ, bảo đảm thanh khoản hệ thống, cung ứng vốn có hiệu quả cho nền kinh tế, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Thực hiện các giải pháp và định hướng điều tiết tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống, trên cơ sở kiểm soát lạm phát, diễn biến kinh tế vĩ mô và hoạt động ngân hàng, hướng tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; hạn chế tập trung tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao; Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành nhằm tháo gỡ khó khăn và triển khai các chương trình tín dụng ngành, lĩnh vực (cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; cho vay hỗ trợ ngư dân đóng tàu...).

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phấn đấu giảm lãi suất cho vay trong những tháng cuối năm