Phải xem việc quy hoạch là một nhiệm vụ chính trị trọng điểm

Trang Nhi| 30/05/2022 16:58
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) đề nghị cần xem việc quy hoạch là một nhiệm vụ chính trị trọng điểm, phải có kế hoạch rõ ràng, phân công cụ thể, có thời gian hoàn thành, kiểm tra giám sát.

Ngày 30/5/2022, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, sau khi nghe Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường.

quy-hoach-quoc-hoi-1.jpg
Phải xem việc quy hoạch là một nhiệm vụ chính trị trọng điểm

Bày tỏ tán thành với nội dung báo cáo giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh việc ban hành Luật Quy hoạch đã giảm được hàng trăm quy định của pháp luật về quy hoạch, giúp giảm chi phí, công sức cho việc lập, thực hiện quy hoạch, xóa bỏ tình trạng chồng chéo, cản trở do phải tuân thủ quá nhiều quy định pháp luật khác nhau. Việc tích hợp quy hoạch đã tạo cơ chế tăng động lực điều phối của Nhà nước, của các ngành, chia sẻ dữ liệu hình thành hệ thống thông tin chung về quy hoạch, nhằm khai thác các nguồn lực một cách thống nhất, công khai, minh bạch, xóa bỏ tình trạng tự điều chỉnh, tự quy hoạch.

Về việc chậm tiến độ quy hoạch, đại biểu nhấn mạnh cần làm rõ nguyên nhân vì sao chậm, vì sao quy hoạch cấp dưới đã được phê duyệt có nguy cơ phải điều chỉnh, và nếu phải điều chỉnh, ai sẽ chịu chi phí bồi thường cho nhà đầu tư. Vì sao một số chỉ tiêu quy hoạch của ngành vừa được phê duyệt đã trở nên không phù hợp.

Nhấn mạnh quy hoạch tích hợp không đơn thuần là ghép nối quy hoạch một cách cơ học đơn thuần, đại biểu cho rằng để thực hiện tốt tích hợp quy hoạch, quá trình lập quy hoạch phải tiến hành đồng thời ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, để cùng đưa ra các phương án quy hoạch, cùng trao đổi, thảo luận, đi đến phương án chung thống nhất. Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị, trong các phương án quy hoạch phải quy hoạch các nguồn lực để dành cho phát triển các sản phẩm đã đặt ra trong mục tiêu chiến lược của tỉnh, của vùng, của ngành.

Còn Đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) khẳng định việc lựa chọn chuyên đề giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành" là quyết sách đúng đắn, hợp lý, sát thực tiễn và kịp thời nhằm tổng rà soát việc thực hiện pháp luật về công tác quy hoạch, tháo gỡ những vướng mắc, bất cập phát sinh trong thực tiễn.

Đại biểu đề nghị cần có quyết tâm chính trị trong toàn hệ thống, xem việc quy hoạch là một nhiệm vụ chính trị trọng điểm, phải có kế hoạch rõ ràng, phân công cụ thể, có thời gian hoàn thành, kiểm tra giám sát.

quy-hoach-quoc-hoi-2.jpg
Dại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường.

Bên cạnh đó, không nên phó mặc, phụ thuộc vào đơn vị tư vấn quy hoạch, các cơ quan tổ chức lập quy hoạch phải chủ động đưa ra các định hướng lớn trong quy hoạch.

Đại biểu cho rằng, người đứng đầu, các lãnh đạo cơ quan tổ chức lập quy hoạch phải dành thời gian nghiên cứu, đưa ra định hướng, góp ý cho tư vấn, tránh quy hoạch chậm tiến độ, kém chất lượng.

Ngoài ra, phải huy động được sự hỗ trợ kỹ thuật, nguồn lực bên ngoài một cách linh hoạt, nêu cao tinh thần dân chủ, tranh thủ ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, lắng nghe ý kiến của các địa phương… để đảm bảo chất lượng và tiến độ quy hoạch.

Đưa ra những giải pháp đảm bảo công tác quy hoạch được thực hiện có hiệu quả, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đề nghị Chính phủ kịp thời ban hành các văn bản pháp luật tháo gỡ khó khăn có liên quan đến công tác quy hoạch, quản lý ngành, lĩnh vực sau khi bãi bỏ các quy hoạch.

Cụ thể, đại biểu đề nghị triển khai rà soát các quy hoạch hết hiệu lực theo quy định tại Khoản 1, Điều 59 của Luật Quy hoạch. Chính phủ cần kịp thời ban hành các văn bản tháo gỡ khó khăn có liên quan đến việc quản lý ngành, lĩnh vực sau khi bãi bỏ hàng hóa dịch vụ, sản phẩm. Sớm phê duyệt quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng để làm cơ sở định hướng xây dựng chuyên ngành trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành nghiên cứu, phân cấp một số nội dung cho chính quyền địa phương như điều chỉnh cục bộ nội dung trong quy hoạch tỉnh, tạo thuận lợi cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện.

Đại biểu kiến nghị cần cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính, công khai công bố quy hoạch, báo cáo các cơ quan có thẩm quyền để kết hợp quy hoạch.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị cần quy định chặt chẽ về tiến độ từng bước, thời gian hoàn thành, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp các ngành, quy định rõ đến từng bước quy hoạch, đảm bảo việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và của từng địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phải xem việc quy hoạch là một nhiệm vụ chính trị trọng điểm