Ông Trần Thăng Long – Trưởng Phòng phân tích CTCK Ngân hàng ĐT & PT Việt Nam (BSI) cho rằng thị trường chứng khoán quý 2/2014 sẽ đi ngang và điều chỉnh nên nhà đầu tư có thể cân nhắc lựa chọn mua tích lũy cổ phiếu.
Ông Trần Thăng Long – Trưởng Phòng phân tích CTCK Ngân hàng ĐT & PT Việt Nam (BSI) |
Thưa ông, ông vẫn giữ quan điểm thị trường chứng khoán có khả năng điều chỉnh và đi ngang trong quý 2 như đã phân tích tại hội thảo “Triển vọng ngành năm 2014 và cơ hội thị trường chứng khoán” do BSI tổ chức vào đầu tháng 2?
Quan điểm thị trường chứng khoán (TTCK) đi ngang và có khả năng điều chỉnh mà BSI đưa ra hồi tháng 2 dựa trên hai nhận định (1) Khối ngoại chấm dứt chuỗi mua ròng mạnh kéo dài từ đầu năm (2) Áp lực từ Thông thư 02 áp dụng từ 01/06/2014.
Đến nay thì Thông thư 02 đã có những điều chỉnh quan trọng làm giảm bớt sức ép lên hệ thống ngân hàng cũng như TTCK. Riêng khối ngoại đúng như dự kiến đã có 1 tháng bán ròng vào tháng 3/2014. Bù lại, lực cầu trong nước đang rất mạnh nhờ vĩ mô ổn định, lãi suất thấp, trong khi các kênh đầu tư khác đều kém triển vọng so với chứng khoán. Do vậy, chúng tôi vẫn duy trì quan điểm TTCK quý 2 sẽ khó khăn hơn quý 1, nhưng vẫn duy trì được mức tăng trưởng nhẹ.
Diễn biến thị trường nửa sau năm 2014 sẽ phụ thuộc vào chuyển biến thực sự của kinh tế vĩ mô và kỳ vọng dòng tiền của nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài.
Ông có thể chia sẻ chi tiết hơn về những yếu tố sẽ dẫn dắt thị trường trong quý 2/2014?
Tháng 4 có khá nhiều yếu tố thuận lợi cho TTCK như tin từ mùa ĐHĐCĐ, cổ tức, đàm phán thương mại (FTA và TPP), kết quả kinh doanh quý 1/2014.
Trong khi đó, tháng 5 sẽ khó khăn hơn do vào kỳ trũng của thông tin (Sell in May).
Đến tháng 6 thì TTCK nhiều khả năng sẽ phục hồi so với mặt bằng tháng 5 nhờ triển vọng kết quả kinh doanh quý 2/2014.
Cơ hội sẽ đến với cổ phiếu nào, thưa ông?
BSI vẫn giữ nguyên quan điểm về nhóm ngành và nhóm cổ phiếu mạnh trong quý 2/2014. TTCK sẽ có cơ hội từ sự phục hồi của các cổ phiếu mid cap và các ngành có tính chất phòng thủ cao (điện, dược, hàng tiêu dùng).
Bên cạnh đó, tùy thuộc vào tác dụng của các chính sách kinh tế của Chính Phủ một số nhóm ngành như xây dựng, vật liệu, thủy sản cũng có khả năng bắt đầu thu hút dòng tiền. Do vậy NĐT có thể cân nhắc lựa chọn và mua tích lũy các nhóm cổ phiếu và nhóm ngành nói trên đầu tư trong quý 2/2014.
Ngoài ra, cổ phiếu ngân hàng và bất động sản vẫn mở cơ hội đáng kể trong quý 2 và quý 3 năm nay.
Ông có cho rằng khi lãi suất điều hành giảm, chứng khoán sẽ là kênh hưởng lợi nhiều nhất không?
Khi mặt bằng lãi suất giảm sẽ có lợi cho sức cạnh tranh và sự phục hồi của một nền kinh tế nói chung. Riêng đối với chứng khoán, lãi suất giảm sẽ có 2 tác động lớn: (1) Giảm sự hấp dẫn của kênh đầu tư tiền gửi (2) Giảm chi phí vốn cho Nhà đầu tư chứng khoán.
Do vậy, không chỉ riêng với Việt Nam, mà tại bất cứ thị trường nào, khi lãi suất điều hành giảm, Chứng khoán sẽ là một trong những kênh đầu tư được hưởng lợi đầu tiên.
Trở lại với thanh khoản thị trường, ông có tin là sắp tới thị trường sẽ có phiên giao dịch 10,000 tỷ đồng?
Thanh khoản thị trường đang tăng lên rất nhanh nhờ có 2 yếu tố: (1) Dòng tiền của NĐT nội quay lại thị trường, (2) Nhà đầu tư nước ngoài mua mạnh tại Việt Nam.
Cuối năm 2013, BSI có dự báo thanh khoản thị trường trong năm 2014 sẽ tăng 60% lên mức 1,800 tỷ đồng/phiên. Tuy nhiên chúng tôi đã chưa đánh giá đủ sức mạnh của dòng tiền nhà đầu tư nội đột biến tăng trong quý 1/2014. Với xu hướng hiện tại thì thanh khoản thị trường đã lập mặt bằng mới khoảng 3,000 tỷ đồng/phiên, và chúng tôi cũng kỳ vọng thanh khoản sẽ tăng dần và thu hút được sự quan tâm của các NĐT nước ngoài chuyên nghiệp, các quỹ đầu tư quy mô lớn.
Riêng với mức 10,000 tỷ đồng thanh khoản một phiên với Việt Nam vẫn là khá lớn và chỉ đạt được nếu các chính sách nới room, các công cụ quỹ mở, các sản phẩm phái sinh được áp dụng và có thêm nhiều cổ phiếu chất lượng tốt IPO và lên niêm yết.
Xin cám ơn ông!
Sanh Tín thực hiện