Sau khi nhận hồ sơ và tiền của các gia đình để chạy việc, Hoa đem các bộ hồ sơ ném xuống sông Lam còn tiền đem trả nợ và tiêu xài.
Nhẹ dạ cả tin
Một ngày giữa tháng 7/2018, hội trường TAND tỉnh Nghệ An chật kín người dự khán. Họ, những nạn nhân của một vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản đến từ các huyện miền núi Con Cuông, Anh Sơn, Thanh Chương, Yên Thành (Nghệ An).
Đứng trước vành móng ngựa, Vi Thị Hoa (SN 1972), trú tại xóm Cây Chanh, xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn vẫn tỉnh bơ như chưa hề có chuyện gì xảy ra, mặc cho bao ánh mắt đồ dồn về phía bị cáo với vẻ đầy trách móc.
Những nạn nhân này vốn là người dân lao động, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Chỉ vì muốn con cái thoát nghèo, có việc làm ổn định tại một cơ quan nhà nước mà tin tưởng “cô giáo” để rồi sập bẫy.
“Biết được gia đình chúng tôi đang cần xin việc cho con trai vào biên chế nhà nước, Hoa “nổ” là quen ông này, bà nọ có thể xin cho con vào dạy học tại huyện Kỳ Sơn. Hoa yêu cầu gia đình nộp chi phí xin việc là 150 triệu đồng, đặt cọc trước 50 triệu. Chỉ vì tin tưởng Hoa là một giáo viên, có nhiều mối quan hệ nên lần này đến lần khác gia đình đã đưa cho Hoa số tiền lên đến 163 triệu đồng để chạy việc. Tiền mất mà con tôi mãi cũng không có quyết định đi làm”, bà V.T. L, trú tại bản Trung Thành, xã Lục Dạ, huyện Con Cuông bức xúc.
Bị cáo Vi Thị Hoa
Có mặt tại phiên tòa, anh T.K.A trú tại xã Phong Thịnh, huyện Thanh Chương vẫn không tin rằng mình lại có thể dễ dàng mắc bẫy Vi Thị Hoa. Anh A. chia sẻ: “Qua một người hàng xóm, tôi được biết bà Hoa quen nhiều cán bộ ở tỉnh, có thể xin việc được cho con tôi vào cơ quan nhà nước. Tôi đã đến nhà bà Hoa thưa chuyện xin cho con gái biên chế vào dạy tại một trường mầm non trên địa bàn.
Gia đình tôi đã tin tưởng đưa cho cô Hoa 150 triệu đồng để chạy việc. Không những thế, Hoa còn nói quen với người ngoài Bộ Công an, có thể chạy việc cho con trai đang đi nghĩa vụ. Gia đình không hề mảy may nghi ngờ, đã gửi Hoa số tiền 350 triệu nhờ xin vào biên chế. Hiện, Hoa mới trả được 90 triệu đồng".
Lừa đảo để lấy tiền trả hàng đa cấp
Theo bản cáo trạng, do buôn bán và mua hàng đa cấp bị thua lỗ nên từ năm 2012 đến tháng 6/2017, Vi Thị Hoa đã tự giới thiệu có quen biết nhiều lãnh đạo cấp cao từ Trung ương tới địa phương và có thể chạy vào ngành công an, giáo viên, bệnh viện… trên địa bàn.
Vốn là một giáo viên dạy tại Trường THCS Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn nên Hoa được nhiều người tin tưởng. Nhiều gia đình đã vay mượn, thậm chí có người còn cắm cả sổ hưu của mình để đưa cho Hoa hàng trăm triệu đồng.
Với hành vi trên, Hoa đã chiếm đoạt của 14 bị hại với số tiền trên 2 tỷ đồng.
Sau khi chiếm đoạt số tiền trên, Hoa dùng để trả nợ vay trước đó khi mua hàng đa cấp và tiêu xài cá nhân. Hồ sơ xin việc của các bị hại, Hoa vứt xuống sông Lam để tiêu hủy.
Biết bị Hoa lừa, người dân đã trình báo Công an huyện Anh Sơn. Ngày 22/9/2017, Công an huyện Anh Sơn đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Hoa và cấm đi khỏi nơi cư trú.
Đến ngày 26/9/2017, phát hiện Hoa đang có ý định chuẩn bị quần áo tư trang và tiền bạc để bỏ trốn nên cơ quan chức năng đã thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Hoa để phục vụ công tác điều tra. Sau sự việc xảy ra, Hoa đã khắc phục một phần cho bị hại với tổng số tiền hơn 500 triệu đồng.
Tại phiên tòa, các bị hại yêu cầu HĐXX làm rõ số tài sản hiện nay mà Hoa đang có, đồng thời yêu cầu Vi Thị Hoa trả số tiền còn lại mà bị cáo đã chiếm đoạt của người dân.
Xem xét toàn diện vụ án, HĐXX tuyên phạt Vi Thị Hoa 14 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Về dân sự, HĐXX buộc Vi Thị Hoa phải bồi thường số tiền 1,5 tỷ đồng còn lại cho các bị hại.