Ngay từ khi còn là một sinh viên, tôi đã mơ ước sau này được về công tác ở vùng khó khăn, cùng các em gieo ước mơ đến con chữ”. Đó là chia sẻ của Nguyễn Vân Nhi – giáo viên trường Tiểu học – Trung học bán trú Tô Hiệu.
Khát khao được về khó công tác
Tôi gặp cô giáo Nguyễn Vân Nhi – giáo viên trường Tiểu học – Trung Học bán trú Tô Hiệu xã Cư San – huyện M’Đrăk - tỉnh Đăk Lăk tại Chương trình Chia sẻ cùng thầy cô năm 2019.
Được biết, cô Nhi là một trong những cô giáo trẻ có thời gian công tác khá dài ở xã vùng khó khăn của tỉnh Đăk Lăk. Tâm sự với PV cô Nhi kể: “Khi còn trên ghế nhà trường ở trường cao đẳng, trong những chuyến đi mùa hè xanh mình được sống, chứng kiến những khó khăn của người dân đặc biệt là hành trình tìm đến với con chữ của các em người dân tộc thiểu số rất gian nan. Chính vì vậy, sau khi ra trường mình mong mỏi có thể về vùng sâu công tác”.
Và mong ước của cô đã thành hiện thực, năm 2012, huyện M’Đrăk thiếu hợp đồng giáo viên dạy Mỹ thuật ở vùng sâu cô đã đăng ký. “Thật may mắn, hồ sơ mình được chọn”, cô Nhi tâm sự.
Cô Nguyễn Vân Nhi. Ảnh Ngô Chuyên.
Ngôi trường cô về cồng tác ở cách nhà cô sống 50 km, học sinh 100% là người dân tộc thiểu số chính vì vậy các em hạn chế đủ bề. “Chưa nói đến việc học. Các kỹ năng giao tiếp cũng hạn chế chính vì vậy các em rất nhút nhát, rụt rè”, cô Nhi kể.
Để khắc phục những điểm yếu đó đồng thời tạo cơ hội cho các em môi trường giao tiếp, thể hiện mình cô Nhi thường tổ chức những cuộc thi về kỹ năng như: Thi hóa trang thành chú Cuội, chị Hằng bằng vật liệu tái chế hay tổ chức cuộc thi Tô Hiệu got talent - tìm kiếm tài năng trường Tô Hiệu. Cô Nhi cũng tâm sự thêm, con đường đến trường của các em đã khó khăn lắm rồi, chính vì vậy tôi muốn mỗi ngày các em đến trường đều được học những điều bổ ích, được thể hiện khả năng của mình.
Không đơn thuần là một giáo viên dạy mỹ thuật
Không chỉ là một cô giáo dạy môn Mỹ thuật mà cô Nhi còn là một giáo viên Tổng phụ trách đội chính vì vậy cô có cơ hội tìm hiểu sâu hơn học sinh của mình. 8 năm công tác đây cô đã chứng kiến cảnh nhiều em có hoàn cảnh khó khăn phải nghỉ học giữa chừng. “Tôi nghĩ mà xót xa”, cô Nhi nghẹn ngào nói đôi mắt ngấn lệ khủng lại.
Cô Nhi kể thêm: “Tôi từng có một học sinh, nhà có 5 anh em cha mẹ đi làm thuê ở xa. 5 anh em ở nhà tự nuôi nhau, đứa lớn nhất lúc đó học lớp 4 một mình phải lo cho 4 đứa em từ ăn uống, đến giấc ngủ”.
“Buồn hơn nữa, cha mẹ thì đi làm xa không liên lạc về nhiều hôm tôi đến thăm các em đang nhịn đói, mua cho các em đồ ăn thì nó ăn vồ vập, ngấu nghiến rất đáng thương. Thậm chí có hôm không có gì ăn các em đi ăn trộm trứng gà của nhà hàng xóm ăn vì đói quá”, cô Nhi kể.
Hay câu chuyện của Giàng Thị Hà phải bỏ học bởi gia đình khó khăn, mẹ bị tàn tật. Ngoài nuôi mẹ em còn là lao động chính của nhà. “Nếu Hà đi học thì ở nhà không có ai chăm mẹ và không có ai làm việc đồng án. Hoàn cảnh như thế buộc em phải nghỉ học. Mặc tôi và nhà trường đã xin học bổng, xin hỗ trợ cho em nhưng vẫn không thể giúp em chuyên tâm đi học được”, cô Nhi tâm sự.
Cô Nhi cùng nhóm học sinh của mình. Ảnh NVCC.
Chứng kiến cảnh học sinh của mình nghỉ học nhiều bởi vậy cô Nhi nói với gia đình mình cùng nhau hỗ trợ các em chỗ ăn ở khi đi học cấp 3. Cô Nhi kể: “Tôi khuyên các em cố gắng đi học hết đi học cấp 3 ra nhà cô ở”.
Khựng lại trước cuốn học bạ
Cụ độ đầu năm, khi cầm cuốn sổ học bạ để tìm hiểu về thông tin học sinh của mình, không ít lần cô đã khựng lại và rơi nước mắt. Cô Nhi kể, tôi vẫn nhớ mãi khi xem học bạ của hai học sinh, đó là hai chị em cùng học chung một lớp. Đọc đến phần bố mẹ tôi giật mình người đỡ đầu là ông nội. Tìm hiểu mới biết là bố mẹ đã mất, giờ chỉ nương tựa vào ông bà nội. Thấy được hoàn cảnh như vậy nên tôi đã thương xuyên đến nhà thăm hỏi, động viên hai chị em để các em có thể đến trường.
Hay câu chuyện của em Ma Văn Chương – năm nay Chương đã học lớp 11 nhưng cô Nhi vẫn dìu dắt, chăm sóc. Chương học rất giỏi nhưng gia đình khó khăn, không có điều kiện đi học tiếp. Trong khi đó trường cấp ba ở thị trấn, chính vì vậy cô Nhi đã đón Chương ra ở nhà mình để tiện đi học. “Tôi muốn rằng học sinh của mình được đến trường, được cảm nhận được tuổi học trò đẹp như thế nào. Dẫu đường đến với con chữ của các em còn gặp rất nhiều khó khăn và gian”, cô Nhi tâm sự.
8 năm ròng công tác tại một xã vùng sâu, một ngày cả đi lẫn về hơn 100km thế nhưng cô Nhi chưa bao giờ có ý nghĩ sẽ xin chuyển công tác về gần nhà. Trong tâm cô luôn muốn truyền cảm hứng cho học trò thân yêu của mình.