Mở lại phiên tòa xét xử Nguyễn Đức Kiên, diễn biến mới nhất về tình hình biển Đông,… là những thông tin đáng chú ý nhất trong ngày.
TAND Hà Nội mở lại phiên tòa xét xử bầu Kiên
Sáng ngày 20/5, TAND TP Hà Nội đã tiến hành mở lại phiên tòa xét xử Nguyễn Đức Kiên 8 bị cáo khác. Phiên xét xử lần này diễn ra sau khi đã hoãn xử lần thứ nhất vào ngày 16/4 vừa qua.
Trong lần này, ngoài bầu Kiên và các bị cáo có mặt, ông Trần Xuân Giá đã có đơn xin vắng mặt. Trong buổi sáng cùng ngày, HĐXX cấp sơ thẩm đã đọc quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với ông Giá. Các bị cáo còn lại vẫn được xét xử bình thường.
Phiên tòa ngày 20/5 cũng ghi nhận sự có mặt của Huỳnh Thị Huyền Như với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên qua. Huyền Như là bị cáo đã nhận bản án chung thân trong một vụ án khác diễn ra trước đó.
Đáng chú ý tại phiên tòa ngày 20/5, sau khi đại diện VKS đọc cáo trạng, bị cáo Nguyễn Đức Kiên và các bị cáo khác đã nêu ý kiến, cho rằng những tội danh mà VKS truy tố là không chính xác.
Tuy nhiên, HĐXX cuối cùng đã quyết định tiếp tục phiên tòa. Dự kiến, phiên tòa này sẽ diễn ra từ 20/5 đến 6/6.
Trung Quốc ngang ngược áp lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông
Ngày 20/5, TQ đã ngang ngược áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá đối với các tàu cá trong nước và nước ngoài trong một số khu vực ở biển Đông, bao gồm cả quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tân Hoa xã cho rằng đây là lệnh đánh bắt cá thường niên, áp dụng kể từ năm 1999, sẽ có hiệu lực từ ngày 16/5-1/8/2014.
Cũng theo lệnh cấm này, những tàu vi phạm sẽ bị phạt gần 83.000 USD, bị tịch thu dụng cụ đánh bắt và hải sản. Lệnh cấm này đã được thông qua hồi tháng 11/2013 và bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2014, theo AFP.
Tàu Hải cảnh bắn vòi rồng xối xả vào tàu Kiểm ngư Việt Nam
Tiến sĩ Ian Storey, chuyên gia an ninh khu vực thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS, Singapore), nhận định vớiThanh Niên Online: "Lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương của Trung Quốc sẽ càng làm tình hình biển Đông thêm căng thẳng. Có những năm Trung Quốc thực thi lệnh cấm này cứng rắn hơn mức bình thường. Hãy chờ xem Bắc Kinh sẽ làm gì".
Khởi tố 16 vụ án hình sự sau vụ gây rối ở Đồng Nai
Trong ngày 19/5, các cơ quan thực thi pháp luật của tỉnh Đồng Nai đã bắt giữ thêm 27 đối tượng về tội trộm cắp tài sản và chuyển tạm giữ hành chính sang tạm giữ hình sự 65 đối tượng về hành vi gây rối trật tự công cộng và trộm cắp tài sản.
Đây là các đối tượng được xác định tham gia kích động và trực tiếp gây rối trật tự công cộng, hủy hoại tài sản, chống người thi hành công vụ, trộm cắp tài sản... xảy ra ở một số DN trong 2 ngày 13 và 14/5 vừa qua trên địa bàn các KCN của tỉnh Đồng Nai.
Như vậy, tính đến cuối giờ chiều 19/5, CA tỉnh Đồng Nai bắt giữ tổng cộng 410 đối tượng. Trong đó, Cơ quan điều tra đã khởi tố 16 vụ án hình sự với 37 bị can.
Thái Lan ban bố tình trạng thiết quân luật
Quân đội Thái Lan ban hành thiết quân luật nhằm khôi phục hòa bình và trật tự sau nhiều tháng biểu tình
Thông báo của quân đội Thái Lan sáng 20/5 được phát trên TV Channel 5, cho biết việc thiết quân luật nhằm "khôi phục hòa bình và trật tự cho người dân ở tất cả các bên". Thông báo do Tướng Prayuth Chan-Ocha ký, nhấn mạnh động thái "không phải là một cuộc đảo chính".
Luật cho phép quân đội kiểm soát an ninh trên toàn quốc. Quyết định này chiểu theo bộ luật năm 1914, trong đó cho phép quân đội can thiệp trong giai đoạn khủng hoảng. Quân đội Thái nói họ làm vậy vì những cuộc biểu tình quy mô lớn giữa các phe chính trị đối lập "có thể ảnh hưởng đến an ninh đất nước và an toàn tính mạng, cũng như tài sản của nhân dân".
Động thái này diễn ra sau nhiều tháng biểu tình chống chính phủ, làm 28 người chết và hàng trăm người bị thương ở Thái Lan. Quân đội Thái Lan đã thực hiện 11 cuộc đảo chính thành công kể từ cuộc cách mạng năm 1932.