Nỗi niềm thiếu phụ "bí quá hóa liều"

An Dương| 23/02/2017 08:33
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trước vành móng ngựa TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh, Vũ Thị Phương Thảo (SN 1988, ngụ phường Phước Long A, quận 9) và đồng phạm nghẹn ngào khai nhận hành vi phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức”.

Theo bản án sơ thẩm và lời khai của bị cáo tại phiên tòa, Vũ Thị Phương Thảo từng có một gia đình êm ấm với người chồng là Lê Phan Trọng Hậu. Năm 2014, Hậu có mượn của ông Bùi Nhựt Thanh số tiền là 175 triệu đồng nhưng sau đó không trả được nợ. Do đó, Thảo và người làm công cho gia đình là Nguyễn Hoài Phong đã nhiều lần đi gặp chủ nợ để trả tiền lãi.

Áp lực nợ nần khiến gia đình Vũ Thị Phương Thảo lâm vào cảnh túng thiếu, Thảo khai liên tục bị chủ nợ gây áp lực nên từ tháng 2/2014, Thảo bế tắc nên nghĩ cách kiếm tiền bất chính. Thảo nghĩ đến thủ đoạn thuê xe ô tô sang, sau đó nhờ người làm giả giấy đăng ký xe, chứng minh nhân dân của chủ xe để cầm cố lấy tiền trang trải nợ nần và tiêu xài cá nhân.

Ngày 25/2/2014, Thảo liên hệ với Công ty TNHH Bảo Anh Thy, thuê ô tô Camry 2.4G BKS 51A–081.57 của ông Trần Văn Đạt đứng tên trên giấy chứng nhận đăng ký với giá 24 triệu đồng/tháng. Do không có tiền mặt nên Thảo mượn của đối tượng Quyền (chưa xác định được nhân thân) 60 triệu đồng để trả tiền thuê xe một tháng, tiền đặt cọc 20 triệu, số tiền còn lại Thảo giữ tiêu xài.

Cùng ngày, Thảo gọi Quyền đến nhà giao xe ô tô biển số 51A-081.57 cho Quyền và nhờ đối tượng này làm giả giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô cùng giấy chứng minh nhân dân tên Trần Văn Đạt. Mục đích là mang xe đi cầm cố lấy tiền trả nợ giúp chồng.

Nỗi niềm thiếu phụ

Bị cáo Thảo tại phiên tòa

Chỉ một ngày sau, Quyền gọi điện cho Thảo, báo tin đã làm xong giấy tờ giả, kêu Thảo tìm người để cầm xe. Thảo nhờ Nguyễn Hoài Phong (SN 1992, người làm công của gia đình Thảo) tìm dùm người nhận cầm xe ô tô trên. Mặc dù Phong biết Thảo thuê xe ô tô của người khác và làm giả giấy tờ xe nhưng Phong nể “cô chủ” nên đồng ý giúp Thảo. Phong nhận giấy tờ giả trên để mang xe liên hệ nơi cầm cố.

Phong khai do có mối quan hệ quen biết bà Trần Thị Liên (ngụ phường Phước Long B, quận 9, Tp. Hồ Chí Minh) nên Phong gọi điện nhờ bà Liên tìm mối, nếu cầm được sẽ “thưởng” cho bà 10 triệu đồng. Bà Liên có quen biết với Nguyễn Đình Quốc nên gọi điện kêu Quốc tìm người cầm xe ô tô cho Phong. Quốc đồng ý và hẹn ngày 27/02/2014 sẽ dẫn người đến xem xe ô tô để cầm.

Sáng 27/02/2014, bà Liên điện thoại cho Phong cho biết có người đến xem xe để cầm. Phong liền báo cho Thảo, Thảo điện thoại kêu Quyền mang xe đến quán cà phê ở khu dân cư Nam Long thuộc phường Phước Long B, Quận 9 để dụ người nhận cầm xe. Cả nhóm cẩn thận nhờ người đóng giả chủ xe ô tô. Tuy nhiên, việc cầm cố không thành.

Thảo và các đồng phạm khai việc tìm người nhận cầm cố khá “gian nan” nhưng đã lỡ chi tiền thuê xe nên Thảo vẫn quyết thực hiện hành vi phạm tội. Cuối cùng, bọn chúng cũng dụ được ông Phạm Văn Toàn nhận cầm chiếc xe để chiếm đoạt 600 triệu đồng.

Ngoài Nguyễn Hoài Phong, Cơ quan điều tra xác định các đối tượng Nguyễn Đình Quốc (SN 1976), Phạm Kim Long (SN 1988) tích cực liên hệ cùng mang xe ô tô đi cầm cho ông Toàn nhằm mục đích thu lợi bất chính. Từ đó, cáo trạng của VKSND tỉnh Bình Dương truy tố các bị cáo Thảo, Phong, Quốc, Long về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Trong tổng số tiền chiếm đoạt  600 triệu đồng, Thảo hưởng 500 triệu đồng. Ngoài tội lừa đảo, Thảo còn bị xử lý về tội Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức. Thảo chủ mưu, nhờ đối tượng tên Quyền làm giả giấy chứng nhận đăng ký xe mô tô biển số 51A - 081.57 và giấy chứng minh nhân dân cùng mang tên Trần Văn Đạt.

Trước vành móng ngựa, Thảo ân hận khai bị TAND tỉnh Bình Dương xét xử sơ thẩm, tuyên phạt Thảo mức án tổng hợp 13 năm tù là quá nặng nên kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Đối với các bị cáo Nguyễn Hoài Phong bị phạt 8 năm tù, Nguyễn Đình Quốc và Phạm Kim Long mỗi bị cáo 9 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng đều kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Bị cáo Thảo cho biết sức khỏe đang suy sụp, vừa phải nhập viện cấp cứu và xin giảm nhẹ hình phạt vì thành khẩn khai báo. Thảo mong muốn Tòa xem xét điều kiện phạm tội do gia đình quá túng quẫn nợ nần,“xã hội đen” liên tục gây sức ép khiến bị cáo khủng hoảng tinh thần dẫn đến phạm tội. Thảo cũng cho rằng sau khi có bản án sơ thẩm, dù rất khó khăn nhưng bị cáo đã bồi thường thêm cho gia đình bị hại, gia đình thuộc diện có công với cách mạng.

Tính chất phạm tội của Thảo gây ra là rất nghiêm trọng, bị cáo phạm một lúc hai tội nên HĐXX nhận định không có căn cứ để giảm án. Tòa tuyên phạt Thảo mức án tổng hợp là 13 năm tù. Đối với kháng cáo của Long và Quốc, HĐXX nhận định vụ án xảy ra là do Thảo chủ mưu, phần lớn tiền chiếm đoạt Thảo sử dụng, có căn cứ chấp nhận một phần kháng cáo của các bị cáo, phạt Phong 7 năm tù, Long 6 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗi niềm thiếu phụ "bí quá hóa liều"