Nỗi niềm của những thầy thuốc trị bệnh cứu người

Nguyễn Kim Cương| 27/02/2016 07:19
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ông cha nói "cứu người như cứu hỏa", vì thế trong việc trị bệnh cứu người, tính mạng của bệnh nhân luôn được những thầy thuốc đặt lên hàng đầu.

Chúng tôi đến thăm thầy lang Phùng Xuân Hằng (SN 1954, dân tộc Mường, trú xóm Minh Thượng, xã Phúc Khánh, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ), gặp lúc thầy đang ngồi băm thuốc, chế ra các vị đặc trị để cứu những người mắc các chứng bệnh nặng.

Thầy Hằng là người có tiếng khắp tỉnh Phú Thọ với những bài thuốc gia truyền về xương khớp, dạ dày, sỏi thận, xơ gan cổ trướng...Trải qua 30 năm hành nghề y, ông đã gặp qua nhiều các chứng bệnh, chữa trị cho hàng ngàn người.

Suốt quãng thời gian đó, ông luôn trăn trở, nhiệt tâm, nhiệt huyết với nghề. Khi gặp các chứng bệnh nặng, ông luôn tìm đủ mọi cách, ăn ngủ cùng người bệnh, không quản ngày đêm vượt núi cao, rừng sâu, vực thẳm tìm ra các dược liệu quý, chế các bài thuốc, quyết trị khỏi bệnh cho những người tìm đến ông.

Nỗi niềm của những thầy thuốc trị bệnh cứu người

Thầy lang Phùng Xuân Hằng đang hái thuốc.

"Trị bệnh cứu người là một điều cực kỳ thiêng liêng cao cả, người thầy thuốc không được lợi dụng tình trạng bệnh nhân để tư lợi, như thế là trái với đạo đức ngành y. Cứu người là một “nghề cao quý”, vì thế người thầy thuốc phải dốc hết tâm trí, sức lực của mình. Phải biết đau cùng bệnh nhân mới mong thành công trong y đức", ông Hằng chia sẻ.

Còn nhớ, có một bệnh nhân nghèo khó, do không có tiền trị bệnh nên gia đình đành chuyển về nhà, sự sống chỉ còn đếm từng ngày một. Khi tìm đến ông Hằng, bệnh nhân đó đã được cứu sống. Đó là trường hợp bệnh nhân Hà Văn Chỉnh (40 tuổi, trú tại xóm Vèo, thị trấn Tân Sơn, Phú Thọ), bị tai nạn xe máy, dập toàn bộ xương lưng, bể xương chậu. Khi được ông Hằng bắt bệnh, bốc thuốc, trực tiếp điều trị, lấy hương liệu đắp vào chỗ lở loét, cho uống thuốc cố định xương, sau 5 tháng kiên trì, ông Chỉnh đã dần hồi phục, sau 1 năm đã có thể ngồi dậy và đi lại bình thường.

"Cả đời tôi trị bệnh bằng cái tâm, bằng niềm đam mê với thuốc, bằng cả trái tim với người bệnh. Thấy một người khỏi bệnh, trở lại khỏe mạnh là tôi thấy mình như trẻ lại một tuổi. Đối với tôi, đó là những món quà vô giá”, ông Hằng trải lòng.

Cùng chung suy nghĩ với ông Hằng, bác sỹ Nguyễn Hoài Nam - Giám đốc bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Nghệ An chia sẻ: "Hành nghề y, phải xem người bệnh như người thân của mình và tôi luôn quán triệt tinh thần đó đến toàn thể cán bộ trong cơ quan, bệnh viện, phải làm việc bằng cả kiến thức mình được học và bằng cả tấm lòng của mình”.

Ngoài thực hiện các dịch vụ khám chữa bệnh bình thường, ông Nam cho biết, bệnh viện cũng thường xuyên hỗ trợ khám chữa bệnh cho những người nghèo, người già neo đơn không có tiền đóng viện phí.

Nỗi niềm của những thầy thuốc trị bệnh cứu người

Bác sỹ Nguyễn Hoài Nam bên bé Kím lúc xuất viện

Điển hình, khi biết được trường hợp của bé Lương Thị Kím (13 tuổi, trú tại xã Yên Na, Tương Dương, Nghệ An),  trong 1 lần học thể dục ở trường, không may bị ngã và dẫn đến chấn thương chân. Gia đình quá nghèo không có tiền đi chữa trị nên bé Kím chỉ nằm 1 chỗ trên giường. Không được chữa trị kịp thời, càng ngày vết thương của bé Kím càng nghiêm trọng và có dấu hiệu hoại tử.

Ngay sau đó, bệnh viện đã liên hệ với Hội chữ thập đỏ huyện Tương Dương và gia đình cháu Kím để đưa xuống bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Nghệ An điều trị. Sau gần 2 tháng được điều trị, cháu Kím đã dần hồi phục, và được xuất viện. Giây phút chia tay, những y bác sỹ đã chăm sóc cho bé đều bịn rịn rơi lệ vì hạnh phúc.

Về Tam Hiệp (Thanh Trì , Hà Nội), hỏi thăm thầy lang Nguyễn Văn Ninh thì hầu như ai cũng biết. Bao nhiêu năm gắn bó với nghề là ngần ấy thời gian ông đem cái tâm của thầy thuốc chữa bệnh cho người nghèo.

Nói về cái duyên đến với nghề y của mình, ông Ninh cho biết: “Tôi trở thành lương y trị bệnh cứu người bởi một lý do rất đơn giản là muốn giúp đỡ bà con cắt được những nỗi đau bệnh tật. Điều này bắt đầu từ thời gian tôi ở trong quân ngũ, rất yêu thích cỏ cây hoa lá, được đi nhiều vùng miền trên cả nước, được các lãnh đạo ở đơn vị tín nhiệm, đặt niềm tin giao phó cho làm trạm trưởng, trong thời gian đó bất cứ khi nào có thời gian, tôi  luôn tìm tòi những cây cỏ xung quanh rồi bắt đầu nghiên cứu tìm ra bài thuốc mới.

Nỗi niềm của những thầy thuốc trị bệnh cứu người

Thầy lang Nguyễn Văn Ninh đang điều trị cho bệnh nhân

Sau khi rời quân ngũ, tôi đầu tư thêm thời gian học hỏi, nghiên cứu không ngừng và đã kết hợp thành công thành tựu tiên tiến, phát triển của khoa học hiện đại với những bài thuốc cổ truyền thành những phương thuốc trị bệnh của riêng mình rất hiệu quả. Cứu được nhiều bệnh nhân vượt qua cơn bạo bệnh. Tôi chủ yếu trị về các chứng bệnh xương khớp và một số căn bệnh khác”.

Trong số rất nhiều bệnh nhân đã được ông Ninh chữa khỏi bệnh, trường hợp bé Hải ở Tào Sơn, Anh Sơn, Nghệ An là một điển hình. Bé Hải được đưa đến gặp ông trong tình trạng bệnh xương đã rất nặng, đầu cháu nghẹo, hai chân liệt, thể lực rất yếu, khóc không ra tiếng…Qua 2 tháng  điều trị, bệnh của cháu Hải đã có dấu hiệu hồi phục tốt. Một thời gian sau đó, cháu đã có thể đi lại, ăn ngủ được.

“Niềm vui, niềm hạnh phúc lớn nhất của những người thầy thuốc là thấy bệnh nhân mình khỏe lại, hồi sinh. Làm nghề y cần có đức độ lớn, lòng cứu sinh và tâm hồn hướng đến những cái thanh cao, đừng bao giờ để tâm hồn vẩn đục bởi vật chất, tiền tài, bởi “Lương y như từ mẫu”, ông Ninh cho biết thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗi niềm của những thầy thuốc trị bệnh cứu người