Nội hàm quyền tư pháp trong Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)

03/06/2014 21:22
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Việc cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền tư pháp trong Luật Tổ chức TAND để xác định đúng, đủ, chính xác chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của TAND, tạo cơ sở pháp lý cho TAND thực hiện có hiệu quả quyền tư pháp...

Góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN là hết sức cần thiết. Đây chính là việc cần làm rõ được nội hàm quyền tư pháp của TAND theo hiến định.

 

TAND là cơ quan thực hiện quyền tư pháp

 

Ngày 2/6/2005, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW “về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, trong đó đề ra nhiệm vụ đổi mới tổ chức và hoạt động của TAND, với mục tiêu là xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam XHCN; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao.

 

Khoản 3 Điều 2 Hiến pháp 2013 quy định rõ: “Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Đồng thời, khoản 1 Điều 102 Hiến pháp 2013 hiến định: “TAND là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp; có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Để làm rõ quyền tư pháp, tại Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị cũng đặt ra yêu cầu: “Nghiên cứu, xác định rõ nội hàm quyền tư pháp; xây dựng cơ chế kiểm soát chặt chẽ giữa các cơ quan trong việc thực hiện các hoạt động tư pháp”. Vì vậy, việc cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền tư pháp trong Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) để xác định đúng, đủ, chính xác chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của TAND, tạo cơ sở pháp lý cho TAND thực hiện có hiệu quả quyền tư pháp, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN là hết sức cần thiết.

 

Nội hàm quyền tư pháp trong Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)

 

Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình chủ trì Hội thảo về dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)

 

Ở nhiều quốc gia trên thế giới, quyền tư pháp là một trong những quyền lực Nhà nước được giao cho Tòa án thực hiện, bao gồm từ quyền phán quyết đối với các vi phạm pháp luật, kể cả vi phạm Hiến pháp trong các đạo luật (một số nước có Toà án Hiến pháp, một số nước khác giao cho TATC thực hiện quyền này); xử lý các tranh chấp, xung đột về quyền và nghĩa vụ phát sinh từ các quan hệ xã hội; công nhận giá trị pháp lý đối với các sự kiện, hành vi làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ của cá nhân, cơ quan, tổ chức... cho đến quyền giải thích pháp luật để pháp luật được áp dụng thống nhất, công bằng nhằm bảo đảm và bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra đối với nước ta là việc quy định quyền tư pháp phải xuất phát từ nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước theo quy định của Hiến pháp năm 2013, phù hợp với đặc thù thể chế chính trị, thực tế và truyền thống pháp luật của Việt Nam. Đây là vấn đề mới và rất khó, đặc biệt khi đặt ra yêu cầu quy phạm hóa nội hàm của quyền tư pháp và xác định chức năng, nhiệm vụ của Tòa án trong việc thực hiện quyền tư pháp.

 

Thể chế hóa những định hướng về cải cách tư pháp

 

Trong quá trình xây dựng Dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), một trong những nội dung quan trọng nhận được sự quan tâm lớn của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, sự quan tâm của các cơ quan, tổ chức ở cả Trung ương và địa phương, sự quan tâm của nhiều chuyên gia có uy tín cao trong lĩnh vực pháp luật đó là phải thiết kế làm sao để thể hiện được nội hàm của quyền tư pháp trong Dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Trong đó, Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) phải thể chế hóa những định hướng về cải cách tư pháp, đó là xác định Tòa án có vị trí trung tâm và xét xử là trọng tâm của hoạt động tư pháp; xây dựng cơ chế kiểm soát chặt chẽ giữa các cơ quan trong việc thực hiện các hoạt động tư pháp. Có làm rõ được nội hàm quyền tư pháp thì mới quy định đúng, đủ, chính xác chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của TAND, bảo đảm cho TAND thực hiện có hiệu quả quyền tư pháp; góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN.

 

Nội hàm quyền tư pháp trong Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)

Toàn cảnh buổi hội thảo

 

Căn cứ vào các quy định của Hiến pháp và pháp luật hiện hành cũng như thực tiễn hoạt động của các cơ quan Nhà nước hiện nay, đồng thời tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, TANDTC xây dựng nội hàm của quyền tư pháp (khoản 2 Điều 2 Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)) thông qua các quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của TAND. Cụ thể là, trong hoạt động tư pháp, quyền tư pháp trước hết được thể hiện là quyền xét xử. Khi xét xử, Tòa án không bị giới hạn bởi tội danh và khung hình phạt theo cáo trạng của Viện kiểm sát. TANDTC là cơ quan xét xử cao nhất nên quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC là quyết định cao nhất, không bị kháng nghị. Ngoài ra, để Tòa án thực hiện nhiệm vụ Hiến định là bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì quyền tư pháp không chỉ là quyền xét xử. Quyền tư pháp còn là quyền kiểm tra, đánh giá và kết luận về tính hợp pháp và có căn cứ của các quyết định, hành vi tố tụng do các cơ quan tư pháp thực hiện trong suốt quá trình tố tụng và thi hành bản án, quyết định của Tòa án (như kiểm soát các quyết định và hành vi tố tụng; kiểm soát quá trình thi hành bản án, quyết định của Tòa án; quyết định và giám sát việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ đối với những đối tượng đặc biệt). Có như vậy thì việc giải quyết, xử lý các vụ án mới bảo đảm đúng pháp luật, tránh oan, sai và bỏ lọt tội phạm. Đây có thể được coi là cơ chế để Tòa án tham gia kiểm soát việc thực hiện các hoạt động tư pháp. 

 

Bên cạnh đó, trước yêu cầu bảo đảm tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong Nhà nước pháp quyền XHCN đòi hỏi mọi biện pháp ngăn chặn hoặc cưỡng chế của Nhà nước nếu hạn chế quyền con người, quyền công dân thì phải được Tòa án xem xét, áp dụng hoặc kiểm tra để thay đổi, hủy bỏ trong trường hợp việc áp dụng các biện pháp đó là trái pháp luật hoặc không cần thiết. Ngoài ra, để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về việc kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp thì cũng cần quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của TAND trong việc tham gia kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện quyền lực Nhà nước được giao theo hướng: Tòa án phải góp phần bảo đảm để các văn bản pháp luật khi được ban hành phải hợp hiến, hợp pháp. Trong trường hợp các văn bản do các cơ quan Nhà nước ban hành nếu trái với Hiến pháp, Luật, Nghị quyết của Quốc hội thì phải được Tòa án kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền là Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, hủy bỏ theo quy định của Hiến pháp.

 

 

Quyền tư pháp được quy định tại khoản 2 Điều 2 Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi):

 

2. Khi thực hiện quyền tư pháp, TAND có chức năng, quyền hạn sau đây:

 

a) Xét xử những vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động, kinh doanh thương mại, hành chính và giải quyết những vụ việc khác theo quy định của pháp luật;

 

b) Áp dụng, kiểm tra, huỷ bỏ việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế Nhà nước hạn chế quyền con người, quyền công dân đã được Hiến pháp và pháp luật quy định;

 

c) Xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ để bảo đảm xét xử, giải quyết các vụ việc đúng pháp luật;

 

d) Kiểm tra, kết luận tính hợp pháp và có căn cứ của các hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng;

 

đ) Quyết định, giám sát việc thi hành bản án, quyết định của Toà án;

 

e) Quyết định, giám sát việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật, người nghiện ma tuý trong quá trình giáo dục, cải tạo, chữa bệnh và giúp đỡ họ tái hoà nhập cộng đồng; hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em, người chưa thành niên, người khuyết tật và nhóm người có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế trong xã hội khi Toà án giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ;

 

g) Tham gia ý kiến về tính hợp hiến, hợp pháp của các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết trước khi trình Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội;

 

h) Kiến nghị Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bãi bỏ văn bản của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

 

Trần Minh Giang

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nội hàm quyền tư pháp trong Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)