Đôi giày da sờn cũ của ông Thuận xếp ngay ngắn trước ranh giới phân định người dự khán với những người tham gia tố tụng, thu hút ánh nhìn của nhiều người có mặt tại tòa. Không để ý đến bất cứ ai khác, ánh mắt ông Thuận trước sau vẫn đổ dồn hết về phía con trai, tâm tư cũng trở nên xoắn xuýt.
Ngày xét xử con trai, ông Trần Thuận cả đêm không ngủ được, trằn trọc chỉ chờ trời sáng để đến Tòa. Ông đến Tòa vì ông chính là bị hại trong vụ án nhưng căn bản ông đến từ rất sớm là vì nhớ con. Từ ngày Trần Trung Hiếu (SN 1995, trú tổ 5, thôn Cẩm Nam, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) bị bắt giờ ông mới gặp lại con. Dù nói kiểu gì, ông cũng không thể diễn tả được tâm trạng của mình ngay lúc này, cho nên tay chân trở nên luống cuống.
Đây là lần đầu tiên ông Thuận đến chốn pháp đình, mọi thứ đều lạ lẫm. Sự trang nghiêm ở "công đường" càng khiến ông luống cuống không biết phải làm gì mới đúng. Sau một hồi nhìn ngó, ông Thuận quyết định đặt lại đôi giày sờn da ở bên ngoài, đưa tay đẩy tấm cửa bước vào bên trong nơi dành cho người bị hại.
Trong mấy phút ngắn ngủi khi phiên tòa chưa bắt đầu ông Thuận tranh thủ hỏi thăm, trò chuyện cốt là để con trai hiểu được tâm tư của mình, cốt là để con trai có tinh thần cải tạo thật tốt để sớm quay về với gia đình.
“Không ai giận con hết, không ai bỏ rơi con…” mười chữ ấy từ miệng ông Thuận rơi đến tai Trần Trung Hiếu như suối nguồn ấm áp, cũng khiến Hiếu thấy chạnh lòng, xấu hổ.
Sai một ly đi một dặm, Trần Trung Hiếu chỉ cần nghĩ đến “chuyện cũ” cũng cảm thấy tim mình như có lưỡi dao bén cứa qua. Nhìn thấy cha còn bình an ngồi đó, Hiếu như bỏ bớt được tảng đá vốn đè nặng trên lồng ngực của mình nhưng cơ hồ vẫn đau lòng vô kể.
Trần Trung Hiếu nhận mức án 8 năm tù về tội “Giết người”
Trần Trung Hiếu bị TAND TP Đà Nẵng đưa ra xét xử về tội “Giết người”, nạn nhân chính là ông Trần Thuận-cha của Hiếu. Nhiều người nói “Hiếu mà… bất hiếu”, Trần Trung Hiếu hiểu hết ý nghĩa của câu nói ấy, Hiếu không ý kiến vì nó quá đúng. Chỉ cần thiếu một chút may mắn thì Hiếu đã vĩnh viễn mất cha và biến bản thân thành nghịch tử giết cha chỉ vì rượu.
Sự việc đáng tiếc được thể hiện, khoảng 19 giờ ngày 06/4/2022, sau một ngày lao động vất vả, Trần Trung Hiếu cùng nhóm thợ được chủ nhà mời “một chầu giải mỏi”.
Lúc đầu cũng nghĩ chén chú chén anh rồi nhanh chóng giải tán, không ngờ càng uống càng hăng Hiếu cũng uống hơn chục chai mới nghỉ. Chừng ấy bia thực sự khiến Trần Trung Hiếu “mềm môi” và chuyển từ “người uống bia” thành “bia uống người”. Trong cơn say, Trần Trung Hiếu điều khiển xe mô tô về nhà.
Về đến nhà, Trần Trung Hiếu gặp cha mình đang bán hàng trước nhà, Hiếu dựng xe rồi đi vào. Không hiểu sao, có hơi men vào Hiếu thấy cái gì trước mắt đều khó chịu. Thau, ghế, nồi niêu đồ đạc trong nhà cũng vì sự khó chịu này mà bị Hiếu đá bay tứ tung. Thấy vậy, ông Thuận hỏi “Có chuyện gì không con?” thì Hiếu nói lời lẽ xúc phạm, quát lên “…Trần Thuận đó hả, muốn chơi không?”.
Lời vừa nói ra, Trần Trung Hiếu chạy vào bếp lấy một con dao rồi chạy đến chém nhiều nhát vào người ông Thuận và dù thấy cha bỏ chạy, Hiếu vẫn đuổi theo để chém. Khi ông Thuận ngã xuống đường, Hiếu lại dùng chân đánh, đạp vào người và rồi Hiếu chỉ dừng lại khi hàng xóm đến can ngăn, đồng thời tước con dao trên tay Hiếu.
Ông Thuận được đưa đi cấp cứu nhưng phải chịu thương tích cơ thể là 16%. Về phần Hiếu, sau khi đâm cha mình đã điều khiển xe mô tô bỏ trốn đến ngày 15/6/2022 thì bị bắt.
Khi nghe con trai khai toàn bộ quá trình thực hiện hành vi phạm tội của mình, môi ông Thuận mấy lần mấp máy, đưa tay ra hiệu muốn phát biểu. Ông chỉ sợ, sự im lặng, sự không kịp thời của mình lúc này sẽ khiến con trai nặng tội, cho nên sự vội vàng của ông lộ hết ra bên ngoài.
Khi được nói, ông phân trần, Hiếu là đứa ngoan, chăm chỉ làm ăn, sống không mất lòng ai, chỉ vì say nên Hiếu mới trở nên hung hăng, thiếu kiềm chế như vậy.
Ông Thuận xếp đôi giày ngay ngắn bên ngoài trước khi bước vào nơi dành cho bị hại.
“Hôm đó, tôi cũng đã có sử dụng rượu bia. Có lẽ vì vậy lời nói của tôi không dễ nghe như ngày thường, ngay cả việc tôi cầm dao trên tay cũng khiến cho một người say như Hiếu bị kích động mạnh. Tôi thấy mình sai, bây giờ con vào tù quả là xót xa và đau khổ. Tôi không mong gì cho bản thân, chỉ xin HĐXX xem xét tuyên cho nó một bản án nhẹ để cháu làm lại cuộc đời…”, ông Thuận nói thêm.
Khi được hỏi, Trần Trung Hiếu đã khai một cách thành thật, rằng thời điểm ấy quá say nên đầu óc bị cáo mụ mị không thể nào kiểm soát được. Chỉ biết rằng, cha càng hét, càng la… Hiếu càng phải thực hiện đến cùng. Thậm chí, khi thấy mẹ gọi điện thoại báo Công an, Hiếu liền túm tóc kéo ra đường, dùng chân đạp vào đầu một cách không thương tiếc. So sánh Hiếu của lúc ấy như con thú say máu thực chẳng sai chút nào.
“Con cúi đầu xin lỗi ba mẹ, con đã sai, rất sai- mong ba mẹ tha thứ cho con vì bất hiếu. Con hứa sẽ cải tạo thật tốt để được sớm quay về chuộc lỗi với mẹ cha. Bị cáo đã biết lỗi của mình rồi, xin HĐXX…”, lời nói của Trần Trung Hiếu nhỏ dần.
Tranh thủ giờ nghị án, vợ chồng ông Thuận tìm cách lân la đến chỗ gần nhất nơi Hiếu ngồi. Ông Thuận mắt đỏ hoe từ bao giờ, cố giữ bình tĩnh để dặn dò con, còn bà Loan chẳng nói được lời nào ngoài việc thút thít khóc. Ánh mắt ân hận, áy náy… của Hiếu càng khiến cho người làm mẹ như bà Loan đau đớn, xót xa.
Lời xin lỗi của Trần Trung Hiếu có vẻ muộn mằn so với những gì Hiếu đã gây ra nhưng lại là việc làm đúng đắn của một đứa con phạm phải sai lầm biết sai để sửa. Trần Trung Hiếu sẽ dùng thời gian 8 năm “tuổi trẻ” của mình để sửa sai cho sự bất hiếu của mình, đó cũng được xem là cái giá mà Hiếu phải trả.
Ông Thuận vẫn không màng gì đến đôi chân trần, chạy theo sau con trai cho đến khi chiếc xe chở phạm rời khỏi sân tòa. Cuối cùng ông Thuận cũng đặt xuống sự mạnh mẽ của người đàn ông, ngồi phịch xuống bậc tam cấp, hơn mười phút sau mới quay lại phòng xử án, xỏ chân vào đôi giày sờn cũ… thất thểu ra về.
(Tên bị hại và người liên quan đã được thay đổi).