Nỗi đau người đàn bà 7 lần sinh con nhưng chưa 1 lần được nghe tiếng gọi mẹ

N. Thân| 11/10/2014 06:45
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Rời bỏ vùng quê yên bình bên dòng sông Hồng thơ mộng, người con gái nết na theo chồng vào xứ Quảng lập nghiệp. Trong những ngày tháng cơ cực, hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ là những đứa con lần lượt ra đời.

Thế nhưng, bất hạnh cùng cực lại bám lấy đời họ khi những đứa con sinh ra đều câm điếc. Quá đau buồn, người chồng sinh bệnh rồi mất, để lại người vợ gồng gánh cả gia đình suốt mấy chục năm qua.

Chồng chất nỗi đau

Rời TP. Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) tấp nập, ngược theo tỉnh lộ 14E, chúng tôi tìm về gia đình nhỏ của bà Nguyễn Thị Sức (SN 1944, trú tại thôn Vinh Đông, xã Bình Trị, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam). Chỉ tay vào căn nhà nhỏ nằm sát bãi ruộng lớn cuối xóm, ông Trần Hàu (68 tuổi, người dân trong thôn) lắc đầu cho biết: “Đấy! Nhà chú hỏi đấy. Tội nghiệp, lớn ngồ ngộ cả nhà mà chỉ ăng ô như lũ con nít”.

Nỗi đau người đàn bà 7 lần sinh con nhưng chưa 1 lần được nghe tiếng gọi mẹ

Bà Sức cùng các con bên chiếc giường xập xệ

Theo cái chỉ tay đầy thương cảm của người hàng xóm, men theo con đường chằng chịt ổ gà, chúng tôi tiến về nhà người đàn bà bất hạnh. Trong căn nhà xập xệ, xiêu vẹo là cả một đại gia đình xưa nay người ta chỉ nghe những tiếng ú ớ không nên lời. Xe chúng tôi dừng lại ngay trước con đường nhỏ đất đá, rồi cuốc bộ vào căn nhà nhỏ của bà, từ xa xa, những giọng nói không rõ tiếng liên tục í ới nhau. Khi thấy người lạ vào nhà, tất cả chỉ cười, rồi chỉ trỏ nói gì đó với nhau mà chúng tôi không thể hiểu được.

Chúng tôi vào nhà cũng vừa lúc bà Sức lững thững với gánh củi lớn, hơi thở hổn hển giữa cái trưa gắt nắng bước theo sau. Sau chén trà, người đàn bà cơ cực ấy đưa chúng tôi trở về những năm tháng xưa, thuở bà cùng chồng bỏ xứ vào đây lập nghiệp. Sinh ra trong một gia đình nghèo với 7 anh chị em ở Bắc Giang, bà theo các anh chị tham gia thanh niên xung phong. Trong những năm kháng chiến ác liệt, bà quen được người con trai xứ Quảng hiền lành, chất phác Nguyễn Văn Thông (SN 1935), lúc ông ra Bắc tập kết. Họ đến với nhau giữa bom đạn chiến tranh, rồi những đứa con ra đời trong niềm vui của gia đình.

Cô con gái đầu Nguyễn Thị Thu (SN 1965), rồi sau đó là Nguyễn Thị Thanh (SN 1968), Nguyễn Thị Thảo (SN 1970), Nguyễn Quốc Thuận (SN 1975), lần lượt chào đời đều bị câm điếc. Với những đứa con dị tật, dân làng sinh ra dị nghị, xem vợ chồng ông bà là điềm xấu bị “ma quỷ” trách phạt.

Năm 1976, phần vì đau khổ chuyện các con, phần bị làng xóm xa lánh, hắt hủi, ông Thông đem bà cùng các con về quê nhà của mình để mưu sinh. Tại làng mới, ông bà sinh thêm Nguyễn Quốc Bình (SN 1980), Nguyễn Quốc Quyền (SN 1982), Nguyễn Quốc Dân (SN 1985) và cũng như các anh chị mình, họ đều câm điếc. Lo sợ sẽ lại bị làng xóm hắt hủi, ông bà đưa con cái vào tận chân núi Dọng Dá lập nhà sinh sống.

Chưa được bao lâu thì ông Thông ngã bệnh mà chết, bỏ lại mình bà bơ vơ trong cùng cực. Gạt nước mắt, bà kể: “Ông mất rồi, mọi gánh nặng dồn lên vai tôi. Đói khổ riết lấy 7 đứa con. Biết nó đói mà tôi không biết làm răng hết, nhìn con mà chảy nước mắt. Có bữa má con kéo nhau vào Dọng Dá mót khoai sắn người ta sót lại, giữa đường đi cô con gái thứ 3 vì đói quá mà ngã quỵ, mấy đứa khác thì khóc la. Tôi cũng đói lả đi, chỉ biết bò ra khe lấy nước bỏ lên miệng nó”.

Trời cũng xót thương

Trong những năm tháng đói khổ, vắng bóng người chồng, nhưng bà vẫn oằn mình nuôi các con khôn lớn. Những đứa đầu cũng dần biết phụ giúp mẹ hơn. Vì câm điếc, nên không thể đi học như chúng bạn, tất cả 7 người con chỉ biết theo chân mẹ trèo nương lội suối kiếm cái ăn. Bà kể: “Trong những năm đói khổ ấy, may nhờ trời mà mấy má con cũng vượt qua”. Bà nói, ông trời không cướp đi của bà khả năng làm mẹ, nhưng đau đớn thay lại không cho bà nghe tiếng gọi “mẹ ơi” từ 7 đứa con. 

“Hồi đó, ông chưa mất, cũng như mọi bữa, bà dẫn con lên núi kiếm củ mài, hai má con đói lả người mới tựa vào tảng đá lớn nghỉ. Nằm ngửa mặt lên trời, tay mân mê cục đá nhỏ, cô con gái ra dấu với bà ngầm ý: “giá mà cục đá ni biến thành vàng thì má con mình đỡ khổ hè”. Lúc đó, bà chỉ cười, xoa đầu con bé. Nghĩ thấy tội cho nó, càng trách phận mình đói khổ không nuôi được con. Bà ứa nước mắt. Thế rồi hai má con lại dắt nhau đi. Bận trở về khi qua ngang tảng đá lớn hồi sáng, con bé giật mạnh tay bà ú ớ giọng mừng rỡ chỉ vào cục đá lớn nửa vàng nửa đen. Bà ở ngoài Bắc cả đời có biết vàng là gì mô, bà  nhặt lên đưa về cho ông xem, nghe ông nói, bà mới biết đó là vàng”, bà kể.

Lượm được vàng, vợ chồng người đàn bà bất hạnh này cũng không biết tính sao cho đúng, để dành cho con thì chúng nó vừa câm vừa điếc lại không thông minh như con người ta nên sợ bị lừa gạt. Nghĩ vậy, ông bà mới bỏ ra xây nhà, mua sắm ít đồ đạc trong gia đình âu cũng là cho con sau này có chốn lui tới lúc cha mẹ xế chiều. Một ít tiền bà mua được sào ruộng nhỏ cày cấy qua ngày. Chỉ tay vào cái giường nhỏ, bà ứa nước mắt: “Đó thực ra là từ tiền bán vàng sắm được. Nhà này cũng xây từ hồi đó. Quả thực nếu ông trời không xót phận mà ban cho thì chúng tôi cũng chỉ có bụi tre mà tiếp các chú”. Câu nói có vẻ hài hước của bà khiến chúng tôi thấm thía vô cùng.

Giờ đây, các con bà đều đã lớn cả, dù câm điếc, nhưng vốn tính hiền lành, chăm chỉ làm ăn nên đều được lòng của các cô gái chàng trai trong vùng. Đến nay, 7 người con của bà đều lập gia đình và có một đứa cháu gái học lớp 4 hiện đang ở với bà. Vừa mừng vừa xót, bà kể: “Người ta chịu lấy mấy đứa nó âu cũng là trời thương chỉ đường mách lối. Lấy về nó phụ chăn con bò, con trâu, cuốc đám đất cho nhà người ta chứ có làm được gì mô”.

Một câu hỏi vô tình của chúng tôi: “Bà có buồn không khi mấy mươi năm trời chưa một lần nghe tiếng gọi mẹ” khiến bà lại ứa nước mắt một lần nữa. Tìm về nơi đây với mong muốn chia sẻ nỗi niềm cùng bà mà đã hai lần chúng tôi khiến bà khóc. Có lẽ làm mẹ rồi người ta mới thấu được cái thiêng liêng của hai tiếng “mẹ ơi” mà suốt mấy chục năm trời bà chưa bao giờ được nghe. Giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt hốc hác, cháy nắng, bà cười trong đau đớn: “Chú nhắc bà mới nhớ chứ thành ra lâu quá rồi cũng quên. Mong cho con đủ cơm đủ áo là được rồi. Số bà nó thế chứ biết sao được. Hồi còn trẻ, mỗi lần nghe con người ta khóc gọi mẹ, gọi ba, bà cũng ước được như thế. Thôi kệ”.

Nỗi đau người mẹ

Ông Võ Nga, trưởng thôn Vinh Đông chia sẻ: “Hoàn cảnh của gia đình bà Nguyễn Thị Sức quả thực bất hạnh, đáng thương. Về phía thôn xóm, chúng tôi luôn ưu tiên các gia đình có hoàn cảnh như thế này. Giờ các con bà lớn rồi nên cũng bớt khổ đi chút ít, nhưng có lẽ nỗi đau trong tâm hồn người mẹ thì không bao giờ hết”.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗi đau người đàn bà 7 lần sinh con nhưng chưa 1 lần được nghe tiếng gọi mẹ