Nợ nần và giá cả

congly.com.vn| 13/04/2012 10:50
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hóa ra Tập đoàn Điện lực cũng là một “chúa Chổm” vì nợ ngập nợ tràn. Mới thống kê sơ sơ đã lên tới cả chục ngàn tỷ đồng. Chẳng hạn riêng nợ PVN lên tới 7.000 tỷ đồng.

Và cứ như chuyện tình cờ, EVN lại đòi tăng giá điện khi bị đòi nợ. Có thể vừa bàn đến việc tăng giá điện vào thời điểm nào là thích hợp và tiếp tục đặt câu hỏi ngành điện đã lý giải rõ ràng minh bạch hay chưa về cơ sở xác đáng của việc phải tăng giá điện, cũng như những căn cứ để tính toán mức tăng giá. Thực ra trong các ngành kinh tế kỹ thuật độc quyền ở nước ta, ngành điện luôn đi đầu trong việc xin tăng giá kể cả từng đưa ra lý do lãng xẹt: tăng giá để đầu tư cho ngành!

Công nhân điện lực thi công đường cáp điện

Những lý lẽ khôn ngoan của ngành điện đưa ra trong mỗi lần tăng giá là vậy và xem ra còn lâu mới thuyết phục mấy chục triệu hộ khách hàng không có sự lựa chọn khác. Chẳng cứ các chuyên gia mà chỉ một bà nội trợ ít chữ nghĩa cũng biết rằng việc so sánh giá bán điện giữa Việt Nam và các quốc gia khác là vô cùng phiến diện bởi GDP, thu nhập đầu người, các chi phí sản xuất, tỷ lệ thất thoát, cơ cấu nguồn điện (tỷ trọng thủy điện, nhiệt điện) ở nước ta làm sao so sánh được với các nước phát triển hơn trong khu vực. Lại nữa, người ta cố tình lờ đi những yếu tố quan trọng khác tác động đến giá thành như trình độ quản lý điều hành, sử dụng vốn, hiệu quả đầu tư và thất thoát hao tổn… lại không được đưa ra đầy đủ để so sánh. Cách “tính đúng, tính đủ” đó dựa trên cơ sở nào thì chưa bao giờ được công bố đầy đủ, được kiểm toán kỹ càng.

Mỗi lần cúp điện, EVN đều nêu lý do vì có những dự án điện chậm hòa lưới. Thì ra có cả dự án tai tiếng vì những lình xình trong việc chọn nhầm nhà thầu năng lực kém, dùng thiết bị lạc hậu hỏng hóc nhiều. Cách nay không lâu dư luận ngỡ ngàng vì chuyện mang vốn đầu tư ngoài ngành có dấu hiệu thất thoát thua lỗ. EVN cũng bị thổi còi với số tiền lên đến cả ngàn tỷ.


Kỳ quặc nhất là trong khi thiếu điện EVN lại làm cao với nhiều doanh nghiệp làm điện ngoài ngành khi ép giá, ép lịch phát và tính thuế má không sòng phẳng. Người dùng điện không thể quên rằng trong lần tăng giá điện gần đây nhất, ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương đã hé lộ một điều đang được ỉm nhẹm: Việc tăng giá điện vào ngày 1-3-2011 chủ yếu là để giảm lỗ cho EVN, chứ không phải tăng giá để đầu tư cho hệ thống điện. Liệu khoản lỗ đó có phải do giá bán điện thấp không? Câu trả lời là hãy đợi Tổng Kiểm toán ra tay! Có ý kiến cho rằng EVN đang lội ngược dòng, đòi tăng giá trong khi Chính phủ đang thực hiện quyết liệt việc chống lạm phát bình ổn thị trường…

May thay, dư luận thở phào khi có thông tin Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ vừa có công văn gửi Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, thời điểm và mức điều chỉnh giá điện cần căn cứ vào tình hình kinh tế vĩ mô. Hiện tại, không nên điều chỉnh liên tục (giá điện) các quý để tránh những tác động tiêu cực. Bộ Tài chính cho rằng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cần rà soát các khoản chi phí để thực hiện việc tiết giảm hợp lý, minh bạch chi phí giữa các khâu sản xuất và phân phối điện.


Bảo Dân

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nợ nần và giá cả