Nợ bảo hiểm xã hội: Phải xử lý bằng pháp luật hình sự

Đỗ Huyền| 10/04/2015 06:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 8/4, kết quả chương trình phối hợp giám sát liên ngành việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 được công bố. Ông Nguyễn Thiện Nhân Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tới dự.

Bốn tỉnh nợ trên 520 tỷ đồng

Đoàn giám sát liên ngành giữa Ủy ban Trung ương MTTQVN, Tổng Liên đoàn LĐVN, Bộ LĐTBXH, Thanh tra Chính phủ, BHXHVN về thực hiện pháp luật về BHXH đã tiến hành giám sát tại 4 tỉnh Hưng Yên, Bắc Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu và Tiền Giang. Kết quả cho thấy năm 2014 số nợ BHXH lên đến trên 520 tỷ đồng của 152.565 người lao động làm việc tại 5.272 đơn vị (tính đến tháng 9/2014). Theo đánh giá, số nợ BHXH này so với quy mô doanh nghiệp và số lao động trên địa bàn tỉnh là tương đối lớn.

Tại 12 doanh nghiệp thuộc 4 tỉnh mà đoàn làm việc, có 7/12 doanh nghiệp chưa thực hiện ký hợp đồng lao động và đăng ký tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đầy đủ, kịp thời cho người lao động. Có 867 lao động thuộc diện phải tham gia BHXH, BHTN nhưng chưa tham gia BHXH bắt buộc. 4/12 doanh nghiệp đóng chậm, thiếu tiền BHXH với số tiền lớn và thời gian dài. 8/12 doanh nghiệp thường đóng chậm từ 1-2 tháng chưa đúng quy định. 11/12 doanh nghiệp chưa xây dựng hệ thống thang, bảng lương theo Nghị định 49/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Từ tháng 1/2013 đến thời điểm giám sát (từ ngày 21 đến 31/10/2014), tổng số nợ BHXH của 12 doanh nghiệp là trên 7,1 tỷ đồng…

Nợ bảo hiểm xã hội: Phải xử lý bằng pháp luật hình sự

Doanh nghiệp không đóng BHXH gây thiệt thòi lớn cho người lao động

Đáng chú ý, một số DN may như Công ty TNHH Unico Global Việt Nam sử dụng 359 lao động thời vụ, thường xuyên biến động và có hiện tượng lao động nữ nghỉ hết 6 tháng thai sản là nghỉ việc. Công ty cổ phần May Bắc Giang sử dụng thường xuyên 350 học sinh học nghề; Công ty TNHH Vạn Đức ký hợp đồng dưới 3 tháng đối với 30 lao động làm việc thường xuyên nhưng không trọn ngày, trọn giờ. Trong 12 DN này, tổng cộng có 739 NLĐ làm việc thường xuyên nhưng DN chỉ ký hợp đồng thời vụ hoặc hợp đồng học nghề để tránh tham gia BHXH bắt buộc.

Thông qua đợt giám sát, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện đóng BHXH, thu về cho quỹ hơn 7 tỷ đồng. Các ngành tham gia giám sát đã cơ bản đánh giá được tình hình thực hiện pháp luật BHXH của doanh nghiệp tại 4 tỉnh từ đó phát hiện những ưu điểm, bất cập trong quản lý, tổ chức thực hiện chính sách BHXH bắt buộc để kiến nghị, hoàn thiện Luật BHXH và thực hiện tốt hơn chính sách an sinh xã hội.

Thực trạng nợ BHXH

Vấn đề DN nợ BHXH không mới, đã được phản ánh, quan ngại từ nhiều năm qua nhưng chưa có giải pháp khắc phục triệt để. Ông Trần Đức Lượng, Phó Tổng TTCP cho biết, TTCP cũng đã hoàn tất cuộc thanh tra về thực hiện BHXH, hiện đang hoàn thiện bản kết luận để công bố công khai. Sơ bộ tiến hành thanh tra 1.261 DN của TTCP cho thấy, tất cả đều có hành vi chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế. Tổng số tiền nợ là 1.440 tỷ đồng. Các tỉnh, thành đều có tình trạng DN đóng không đủ số lượng NLĐ dưới hình thức trốn đóng, đóng thiếu thời gian, với trên 11.000 lao động. Việc giám sát, kiểm tra, xử phạt vi phạm về BHXH còn hạn chế. Chỉ 8,8% DN vi phạm bị xử lý. Đây là vấn đề đang gây nhức nhối trong xã hội.

Trước đó, tại Hội thảo “Vấn đề thu, nợ BHXH, BHYT - thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế” cuối năm 2014, do Ủy ban Trung ương Mặt trận MTTQVN phối hợp với Chính phủ tổ chức, con số gần 12.000 tỷ đồng nợ đọng BHXH, BHYT của các DN trong cả nước được công bố.

Theo đánh giá của BHXH Việt Nam, tình trạng nợ, trốn đóng BHXH, BHYT xảy ra ở hầu hết các địa phương, DN với mức độ ngày càng gia tăng. Hiện nay trong cả nước, số đối tượng có quan hệ lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc là 16 triệu người, nhưng mới chỉ có gần 11 triệu lao động tham gia BHXH bắt buộc. Điều này đồng nghĩa với việc có hơn 5 triệu người lao động chưa được bảo đảm quyền an sinh xã hội cơ bản.

Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, hiện có hơn 300.000 đơn vị đang hoạt động, cơ quan BHXH chỉ quản lý được gần 150.000 đơn vị đăng ký tham gia BHXH, như vậy, có đến 50% số DN trốn đóng BHXH. Tại tỉnh Nghệ An, tính đến hết tháng 8/2014, toàn tỉnh có 551 đơn vị nợ BHXH, BHYT từ ba tháng trở lên với số tiền 107 tỷ đồng. Tỉnh Điện Biên là địa phương có tỷ lệ nợ thấp trong cả nước, nhưng 9 tháng năm 2014, số nợ cũng đã lên tới gần 11 tỷ đồng, chiếm 1,45% so với số phải thu BHXH, BHYT.

Theo ông Đỗ Văn Sinh, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, điều đáng lo ngại là trong số các đơn vị nợ BHXH, BHYT, đã có hơn 8.000 đơn vị ngừng hoạt động, với gần 7.000 đơn vị không còn giao dịch với cơ quan BHXH; có hơn 30.000 số lao động tại các đơn vị này có nguy cơ mất quyền lợi cơ bản về BHXH, BHYT.

Theo Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng, vừa qua, với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, tình trạng vi phạm pháp luật trong thực hiện chính sách BHXH tuy đã giảm nhưng hiện DN vẫn còn nợ trên 7.000 tỷ đồng BHXH, gây thiệt thòi rất lớn cho NLĐ.

Chế tài hình sự

Từ kết quả giám sát năm 2014, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Bộ LĐTB-XH sớm ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 49 của Chính phủ để các doanh nghiệp xây dựng thang lương, bảng lương làm căn cứ đóng BHXH theo quy định của Bộ luật Lao động 2012, chỉ đạo Sở Lao động các tỉnh tăng cường thanh tra, kiểm gia, giám sát việc ký kết hợp đồng lao động và đóng BHXH cho người lao động ở các doanh nghiệp; BHXH Việt Nam sớm báo cáo Chính phủ tình hình nợ BHXH và đề xuất các giải pháp thu hồi, xử lý hoặc khoanh nợ đối với một số doanh nghiệp không có khả năng chi trả để bảo đảm quyền lợi của người lao động đang tham gia đóng BHXH…

Ủy ban Trung ương MTTQVN sẽ kiến nghị Quốc hội xem xét bổ sung tội danh trốn đóng BHXH và tội chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động vào Bộ luật Hình sự (sửa đổi); kiến nghị với Chính phủ có giải pháp xử lý nợ BHXH ở các doanh nghiệp không còn hoạt động, phá sản hoặc có chủ là người nước ngoài bỏ trốn khỏi Việt Nam… đồng thời, tổ chức chương trình giám sát về vấn đề này giữa MTTQ và LĐLĐ các địa phương.

Trong một diễn đàn khác, đại diện BHXH Việt Nam kiến nghị, cần sửa đổi, bổ sung Luật BHXH theo hướng mở rộng phạm vi đối tượng tham gia BHXH, có chính sách hỗ trợ kinh phí đóng BHXH tự nguyện; đảm bảo tính khả thi, ổn định của chính sách và cân đối quỹ BHXH. Đồng thời bổ sung thẩm quyền thanh tra trong lĩnh vực BHXH; quy định chi phí quản lý một cách linh hoạt để phù hợp với hoạt động đặc thù của ngành BHXH trong từng thời kỳ. 

Theo kế hoạch năm 2015, trong thời gian từ tháng 5 đến hết tháng 10, đoàn giám sát liên ngành sẽ tiến hành giám sát việc thực hiện pháp luật về BHXH trong các loại hình doanh nghiệp tại 6 tỉnh: Nam Định, Hà Nam, Khánh Hòa, Phú Yên, Đồng Tháp và An Giang.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nợ bảo hiểm xã hội: Phải xử lý bằng pháp luật hình sự