Niềm tin vào triển vọng phục hồi, phát triển kinh tế 2022

Trang Nhi| 30/01/2022 07:11
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Khép lại năm 2021, chào đón năm mới 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh năm 2022 phấn đấu là năm chiến thắng dịch bệnh, kinh tế phục hồi, phát triển để nhân dân có cuộc sống bình an và hạnh phúc.

Những yếu tố lạc quan nền kinh tế sớm phục hồi

Mặc dù phải đối mặt với hàng loạt khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19, tuy nhiên trong các năm 2020, 2021 Việt Nam đã có những chiến lược linh hoạt, kịp thời, phù hợp bảo đảm an toàn sức khỏe người dân, duy trì ổn định nền kinh tế, đạt được những thành tựu quan trọng, được bạn bè quốc tế ghi nhận. Những kinh nghiệm, kết quả mà Việt Nam đạt được trong hai năm qua đã tạo nền tảng vững chắc cho sự hồi phục, phát triển kinh tế của đất nước trong năm 2022.

anh-1.-niem-tin.jpg
Kinh tế Việt Nam năm 2022 được dự báo hồi phục, tăng trưởng mạnh.

Năm 2021 dù mức tăng trưởng đạt được thấp nhất trong giai đoạn 2011-2020, nhưng trong bối cảnh đại dịch thì sự tăng trưởng dương của Việt Nam lại thuộc nhóm cao nhất thế giới. Kết quả này cho thấy tính đúng đắn trong công tác chỉ đạo, điều hành của Đảng, Chính phủ, sự quyết tâm, đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị, và sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, người dân để thực hiện có hiệu quả "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái khẳng định sự chuyển hướng đúng, kịp thời chiến lược "phòng chống dịch COVID-19" sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19" góp phần giữ ổn định vĩ mô, củng cố khả năng phục hồi của nền kinh tế.

Phó Thủ tướng cũng khẳng định quan điểm của Chính phủ là kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế.

Để đạt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022, Chính phủ sẽ kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn và quyết liệt triển khai đồng bộ, hiệu quả chương trình tổng thể phòng chống dịch COVID-19 và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 6 - 6,5%.

Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là Chính phủ sẽ thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vắc xin, thuốc điều trị trong nước và tiếp tục tăng tốc tiêm vắc xin. Triển khai nhất quán, nghiêm túc quy định về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Thần tốc hơn nữa chiến dịch tiêm vắc xin, nhất là đẩy nhanh việc tiêm vắc xin cho trẻ em, tiêm mũi tăng cường. Khi người dân được an toàn, kinh tế sẽ nhanh chóng hồi phục.

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch với các gói hỗ trợ thông qua chính sách tài khóa và tiền tệ là cơ hội cho doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất trên diện rộng và mạnh mẽ hơn trước. Cầu nội địa sẽ phục hồi và gia tăng dần. Ngoài ra, triển vọng về tiêu dùng trong nước dự báo sẽ tích cực hơn nhờ hỗ trợ từ gia tăng thu nhập, mở rộng việc làm.

Đặc biệt, những sửa đổi gần đây trong Luật Đầu tư công sẽ giúp cải thiện hoạt động đầu tư bằng cách đẩy nhanh các quy trình, đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện để giải ngân vốn đầu tư công nhanh hơn. Nhiều ngành, lĩnh vực chuyển hướng sang ứng dụng công nghệ thông tin, tận dụng cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, từ đó tạo ra các hình thức sản xuất, kinh doanh mới đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao hơn.

Các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đang trên đà phục hồi nhanh chóng, từ đó thúc đẩy giao thương mạnh mẽ hơn. Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới tiếp tục mở ra khả năng tiếp cận thị trường cho những hoạt động thương mại và đầu tư lớn hơn. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ duy trì và có thể mở rộng hơn khi Việt Nam mở trở lại các đường bay quốc tế trong thời gian tới.

Bứt tốc tăng trưởng kinh tế

Chúng ta đang ở thời điểm rất phù hợp để “nghĩ lớn, làm lớn, nghĩ khác, làm khác”, đưa ra các quyết định táo bạo phù hợp cho doanh nghiệp. Điều đó xuất phát từ những thuận lợi rất căn bản khi nền kinh tế Việt Nam có dấu hiệu khởi sắc trở lại với việc Chính phủ triển khai Nghị quyết 128, đánh dấu quá trình chuyển trạng thái sang vừa phục hồi kinh tế, vừa sản xuất kinh doanh, cùng với đó là một loạt nghị quyết, chính sách tạo động lực, định hướng và nguồn lực cho sự phục hồi và bứt phá của nền kinh tế (Nghị quyết số 01 và số 02 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; và Nghị quyết của Quốc hội về hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội).

Do đó, để bứt tốc phát triển kinh tế - xã hội, chúng ta cần tập trung vào ba nhóm vấn đề chính.

Thứ nhất, trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội và các định hướng chính sách của Chính phủ, các đơn vị, doanh nghiệp sẽ cùng nhau hiến kế các giải pháp/biện pháp mà Chính phủ cần triển khai nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi, bứt tốc, tận dụng một cách bền vững và hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các xu hướng của kinh tế thế giới.

anh-2.-niem-tin.jpg
Năm 2022, nền kinh tế Việt Nam sẽ bứt phá và phát triển.

Đặc biệt, cần tăng cường phối hợp thực hiện các nhiệm vụ cấp bách trước mắt như phòng chống đại dịch COVID-19 với phục hồi kinh tế. Cần tranh thủ tối đa quá trình sắp xếp lại các chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất đã và đang diễn ra. Với vị trí địa - chiến lược quan trọng của đất nước cũng như vị thế cao của Việt Nam trong chính sách khu vực của các nước lớn, ta đang có cơ hội lớn.

Nhưng cơ hội này không kéo dài mãi, chậm chân sẽ lỡ thời cơ. Do đó, điều này đòi hỏi sự phối hợp liên thông, nhịp nhàng, hiệu quả hơn nữa giữa các lực lượng làm đối ngoại với các ban, bộ, ngành, doanh nghiệp, địa phương trong nước. Để đất nước có thể bứt phá, cần kết hợp nội lực với việc tranh thủ tối đa các nguồn lực từ bên ngoài, nhất là các nguồn lực tài chính, khoa học công nghệ, tri thức, những xu thế phát triển mới…

Thứ hai, khuyến nghị về các giải pháp bảo đảm sự ổn định và quản lý rủi ro trong quá trình phục hồi và bứt tốc. Trong bối cảnh thế giới có nhiều yếu tố bất định, khó lường và phức tạp do dịch bệnh và cạnh tranh địa chiến lược, chúng ta cần tiếp tục nhấn mạnh mục tiêu ổn định trong điều hành kinh tế - xã hội, trong đó chú trọng đồng thời ổn định về kinh tế vĩ mô và về an sinh xã hội. Mặt khác, chúng ta cần đẩy mạnh các biện pháp nhận diện và quản lý rủi ro trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh và chiều hướng gia tăng các rủi ro kinh tế - phát triển trên thế giới.

Thứ ba, các giải pháp tận dụng tốt các động lực tăng trưởng mới và bền vững. Ta đang có những động lực mới từ các FTA, từ các ngành nghề mới hình thành từ xu hướng tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực mới cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ngay Báo cáo mới công bố của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng nhận định, quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam trong năm 2022 sẽ khởi sắc với sự hỗ trợ bằng chính sách tài khóa nới lỏng hơn, ít nhất trong nửa đầu năm 2022. khu vực dịch vụ của Việt Nam sẽ dần phục hồi khi người tiêu dùng và nhà đầu tư lấy lại niềm tin, trong khi lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo được hưởng lợi nhờ nhu cầu ổn định từ Mỹ, EU và Trung Quốc. Ngành nông nghiệp dự kiến tiếp tục tăng trưởng bằng mức của giai đoạn 2020-2021, đem lại đóng góp nhỏ nhưng ổn định cho tăng trưởng.

Như Thứ trưởng Thứ trưởng Bộ Ngoại giao - Nguyễn Minh Vũ nhận định: “"Việt Nam không bị lỡ nhịp, thậm chí đang bắt nhịp rất chính xác các xu hướng trên. Và vì vậy chúng ta hy vọng một cách thận trọng rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và sự phối hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn của các bộ ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp, đất nước sẽ đồng lòng, tận dụng tốt những cơ hội đang mở ra từ ba xu hướng đó để phục hồi nhanh, phát triển kinh tế xã hội ổn định, bền vững và tiếp tục thành công trong quá trình chống lại đại dịch COVID-19", chúng ta hoàn toàn có niềm tin vào sự bứt phá trong tiến trình hồi phục, phát triển và chiến thắng bệnh dịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Niềm tin vào triển vọng phục hồi, phát triển kinh tế 2022