Năm 2015 là một năm đau thương với người dân trên toàn thế giới khi chúng ta đang phải đối mặt với chủ nghĩa khủng bố tiếp tục gia tăng.
Mỗi ngày, tại những khu vực chiến sự ở Trung Đông, Bắc Phi vẫn có hàng ngàn người vô tội thiệt mạng do bom đạn. Những trung tâm chính trị - văn hóa lớn của thế giới như Bắc Mỹ, Nga, châu Âu đang trở thành mục tiêu tàn sát của cũng kẻ khủng bố cực đoan.
Và tổ chức khủng bố được nhắc tới nhiều nhất trong năm qua chính là Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS (hay còn được quốc tế gọi với những tên khác như ISIS, ISIL, Deash).
Các cường quốc và những liên minh quân sự đã vào cuộc để đàn áp khủng bố, nhưng cuộc chiến này vẫn chưa có hồi kết. Dưới đây là những cuộc tấn công khủng bố đẫm máu và gây ra nhiều đau thương nhất cho thế giới trong năm qua.
1. Xả súng ở toà soạn tạp chí châm biếm Charlie Hebdo
Ngày 7.1.2015, một vụ xả súng kinh hoàng diễn ra ở tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo tại Paris (Pháp) khiến 12 người chết và 9 người bị thương, 8 trong số 12 nạn nhân của vụ tấn công là biên tập viên của tờ Charlie Hebdo.
Có ba tay súng đã tham gia vào vụ tàn sát, đó là hai anh em Said Kouachi và Cherif Kouachi, mang quốc tịch Pháp. Tay súng còn lại là Hamyd Mourad, 18 tuổi, quốc tịch chưa xác định. Các tay súng này được cho là có liên hệ với mạng lưới khủng bố al-Qaeda ở bán đảo Ả Rập.
Bất chấp vụ tấn công, Charlie Hebdo vẫn tiếp tục phát hành số tiếp theo vào ngày 14/1/2015.
Nguyên nhân trực tiếp khiến tòa soạn Charlie Hebdo bị tấn công là do tạp chí biếm họa này đã đăng lại những bức ảnh châm biếm Nhà tiên tri Mohammed trước đó đã từng xuất hiện trên một tờ báo của Đan Mạch, gây ra làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng người Hồi giáo.
Bất chấp vụ tấn công, Charlie Hebdo vẫn tiếp tục phát hành số tiếp theo vào ngày 14/1/2015. Trên trang bìa của cuốn tạp chí này là dòng chữ “Je suis Charlie” (Tôi là Charlie). Dòng chữ này sau đó trở thành khẩu hiệu trong các cuộc biểu tình chống khủng bố sau đó tại Pháp.
2. Đánh bom liên hoàn ở Thái Lan
Tối 17/8/2010, một số quả bom đã phát nổ tại khu vực trước cửa đền Erawan tại ngã tư Ratchaprasong, Pathum Wan, Bangkok làm 20 người thiệt mạng, chủ yếu là du khách Trung Quốc và bị thương 125 người.
Theo kết quả điều tra và lời khai của hai nghi phạm, Bilal Mohammed là kẻ đã đặt chiếc balo có chứa bom tại ngôi đền và Yusufu Mieraili có nhiệm vụ kích nổ. Hai tên này là người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc. Tòa án Quân sự Bangkok đã tiến hành xét xử hai nghi phạm này hôm 24/11.
Nhà phân tích Anthony Davis của tờ ISH Jane’s cho rằng tổ chức quá khích “Graue Wolfe” – Sói xám đứng sau vụ việc này. Tổ chức này cũng đã tấn công vào trụ sở của tổng lãnh sự Thái Lan tại Istanbul hồi tháng 7, để phản đối việc Thái Lan đã trục xuất 109 người Uiguren nhập cư bất hợp pháp.
3. Máy bay dân sự Nga bị gài bom khủng bố
Chỉ 23 phút sau khi vừa cất cánh từ khu nghỉ mát Sharm El-Sheikh (Ai Cập) tới St. Petersburg (Nga), chiếc máy bay Airbus 321 số hiệu 9268 của hãng hàng không Nga chở 224 người bỗng dưng nổ tung, khiến toàn bộ hành khách và phi hành đoàn tử vong.
IS tuyên bố nhận trách nhiệm vụ tấn công kinh hoàng này
Chiếc máy bay này gặp nạn và rơi xuống bán đảo Sinai (Ai Cập) vào ngày 31/10/2015. Phía Nga cho biết 220 người trong số các nạn nhân là du khách Nga sang Ai Cập nghỉ dưỡng, 4 người còn lại là người Belarus và Ukraine.
Phía Nga khẳng định có bằng chứng máy bay rơi do bị cài bom khủng bố. IS cũng tuyên bố nhận trách nhiệm vụ tấn công kinh hoàng này. Tổ chức này cũng đã đăng tải bức ảnh một quả bom tự chế được đặt trong một lon nước soda cùng thiết bị phát nổ và hẹn giờ, nhưng không giải thích rằng vụ việc được tiến hành như thế nào.
Tuy nhiên ngày 14/12, các điều tra viên Ai Cập cho biết chưa tìm thấy dấu hiệu khủng bố nào trên chiếc máy bay Airbus 321.
4. Đánh bom ở Thổ Nhĩ Kỳ
Ngày 10/10/2015, hai vụ nổ lớn đã diễn ra ở gần một ga tàu tại trung tâm thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng số 105 người đã thiệt mạng và hơn 400 người bị thương trong vụ đánh bom đẫm máu này.
Những kẻ đánh bom đã nhắm vào hàng ngàn người đang tham gia vào cuộc biểu tình nhằm phản đối xung đột giữa chính quyền và lực lượng người Kurd ở đông nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Hiện tại vẫn chưa có tổ chức nào đứng lên nhận trách nhiệm về vụ đánh bom nhưng Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận có nhiều dấu hiệu cho thấy IS có thể là thủ phạm.
5. Khủng bố đẫm máu liên hoàn ở Paris
Đêm thứ sáu ngày 13 tháng 11 đi vào lịch sử đau thương của nước Pháp với liên tục 7 vụ tấn công khủng bố tại các địa điểm tụ tập đông người ở thủ đô Paris.
Vụ tấn công thảm khốc nhất diễn ra tại nhà hát Bataclan, nơi đang diễn ra buổi biểu diễn của ban nhạc Mỹ Eagles of Death Metal. Ít nhất 118 người thiệt mạng tại đây, biến khán phòng thành một biển máu.
Vụ tấn công liên hoàn khiến 130 chết, 332 người bị thương
Cùng thời điểm đó, 3 vụ nổ khác xảy ra ở bên ngoài sân vận động Stade de France, nơi đội tuyển Pháp đang thi đấu giao hữu với Đức. Nhóm khủng bố 9 tên chia làm 3 tốp liên tục xả súng dữ dội vào các cửa hàng, quán ăn, tiệm cà phê, quán bar ở Paris.
Vụ tấn công liên hoàn khiến 130 chết, 332 người bị thương. Sau vụ tấn công, IS đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ việc. Tổng thống Pháp Francois Hollande ngay sau đó đã có những động thái quân sự cứng rắn đáp trả, điều động lực lượng tới Syria tiêu diệt IS, đồng thời tuyên bố chiến tranh với IS.
6. Bắt giữ con tin, xả súng kinh hoàng ở Mali
Lúc 7h sáng ngày 20/11, các tay súng đi trên một chiếc xe hơi xông vào khách sạn Radisson Blu, nơi tập trung nhiều khách nước ngoài và xả súng điên cuồng, bắt cóc các con tin.
Các tay súng lùng sục khắp các phòng khách sạn để tìm kiếm con tin và chỉ thả những người chứng minh được mình là tín đồ Hồi giáo bằng cách đọc kinh Koran. Khoảng 30 con tin đã được thả vì đáp ứng được yêu cầu của các tay súng.
Vụ tấn công đã khiến 27 người thiệt mạng, trong đó bao gồm 5 tay súng. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian cho rằng, phiến quân Mokhtar Belmokhtar người Algeira có khả năng đứng sau vụ tấn công.
7. Xả súng ở San Bernardino (Mỹ)
Vụ việc xảy ra vào khoảng 11h trưa ngày 3/12, khi ba kẻ vũ trang tấn công Trung tâm chăm sóc người khuyết tật ở San Bernadino, bang California (Mỹ). Đây là trung tâm y tế với gần 670 nhân viên, cung cấp dịch vụ cho hơn 30.200 người ở các quận San Bernardino và Riverside. Tổng số 14 người thiệt mạng và 17 người bị thương sau vụ việc.
Tổng số 14 người thiệt mạng và 17 người bị thương sau vụ việc
Hai nghi phạm là Farook, 28 tuổi, và Malik, 27 tuổi, bị tiêu diệt trong một cuộc đấu súng với lực lượng cảnh sát. Kẻ thứ ba đã bị bắt giữ. FBI cho biết Malik từng đăng tải một đoạn video bằng tài khoản khác trên mạng xã hội thề trung thành với thủ lĩnh tối cao của Nhà nước Hồi giáo (IS) Abu Bakr al-Baghdadi.
Các nhà chức trách hiện vẫn chưa tìm ra động cơ thực hiện vụ xả súng của hai nghi phạm này, nhưng cảnh sát tin rằng vụ tấn công đã được bọn chúng lên kế hoạch từ ít nhất 2 năm trước.