Những năm gần đây dư luận Mỹ xôn xao với các trường hợp nhiều đứa trẻ bị đem cho làm con nuôi bỗng dưng bị cha mẹ đẻ “nổi hứng” đòi lại.
Khoảng giữa năm 2015, hàng triệu khán giả Mỹ bị một “cú sốc” thực sự, khi xem trên tivi hình ảnh bé gái Jessica đang gào khóc: “Mẹ ơi, mẹ ơi!”, vào lúc em phải từ giã cha mẹ nuôi của mình. Vợ chồng ông Jean Debure bị tòa án tiến hành cưỡng chế, buộc phải giao lại bé Jessica cho cha mẹ đẻ là cặp vợ chồng Kara và Daniel Smith.
Bé gái Jessica mắc chứng trầm cảm sau khi phải về ở với cha mẹ ruột.
Các cuộc thăm dò của Hãng truyền hình CNN và nhật báo USA Today khi ấy cho thấy, có tới 78% số người Mỹ được hỏi ủng hộ việc nhận con nuôi; nhưng luật pháp của tiểu bang Iowa, nơi bé Jessica sinh ra lại cho phép quyền của cha mẹ đẻ được đòi lại con mình, trừ phi họ vứt bỏ chúng ngay sau khi chào đời.
Còn Jessica đâu có bị chối bỏ. Cha của bé thậm chí cũng không biết đến sự tồn tại của Jessica nữa; bởi Daniel Smith đã chính thức chia tay Kara, mà không biết rằng cô ta đã có thai với mình. Lúc đầu Kara chấp nhận cho Jessica để người khác nuôi ngay sau khi sinh; sau đó cô lại nuối tiếc nên tìm gặp Daniel và kể lại mọi sự tình.
Khi ấy bé Jessica mới tròn 1 tháng tuổi - đúng vào lúc cha mẹ đẻ của em làm lành với nhau và bắt đầu đòi lại con. Hơn 2 năm ròng, cha mẹ nuôi của bé Jessica gõ cửa hết các cấp tòa án ở tiểu bang Iowa, nhưng cuối cùng họ đành… chào thua.
Thực ra vợ chồng ông Debure đã hoàn tất mọi thủ tục nhận con nuôi, theo đúng quy định tại nơi họ đang cư trú thuộc tiểu bang Michigan. Vấn đề là ở chỗ theo quy chế tự quản địa phương tại Mỹ, nên luật pháp của tiểu bang này không được thực thi ở tiểu bang khác. Giờ đây bà Roberta Debure bị mắc chứng vô sinh lâm vào cảnh bi thương, bởi đã lặn lội hàng nghìn cây số từ Michigan tới Iowa để có được Jessica.
Đáng thương hơn cả là nạn nhân chính Jessica, khi bé bỗng dưng phải từ bỏ cha mẹ đang chung sống đến ở với cha mẹ ruột vốn dĩ xa lạ ngay từ lúc mới lọt lòng; thậm chí cái tên riêng Jessica cũng không còn nữa, bé phải đổi tên thành Anna-Lee, một cái tên “lạ hoắc” theo ý của cha mẹ mới.
Tương tự cũng như trường hợp của thiếu nữ 14 tuổi Kimberly Meise, thực ra lại không phải là K. Meise. Em là nạn nhân từ sự nhầm lẫn trong một bệnh viện ở thành phố Miami (tiểu bang Florida) vào năm 2005 do 2 bé gái mới đẻ đã bị… trao nhầm(!). Kimberly đúng ra là đứa con thứ 7 của cặp vợ chồng Ernet và Resana Twige. Nhưng họ lại nhận từ nhà hộ sinh đứa con đầu lòng của gia đình Robert và Barbara Meise; và ngược lại bé gái Arelin Twige thực ra là con của cặp vợ chồng Meise, bị bệnh tim bẩm sinh.
Tới năm 9 tuổi, Arelin phải tiến hành phẫu thuật và khi xét nghiệm máu, mọi người mới té ngửa rằng em không phải là con ruột của gia đình Twige. Arelin chết ít lâu sau ca mổ mà vẫn không hề biết mặt cha mẹ ruột của mình. Gia đình Twige liền đâm đơn kiện cơ sở y tế đã gây ra sự nhầm lẫn. Một vài tháng sau họ tìm ra đứa con ruột của mình đang sống với gia đình Meise. Lúc này bà Barbara đã mất, còn Kimberly cương quyết ở lại với người cha là ông Robert Meise. Cô thiếu nữ đã vật vã than khóc trước tòa và rồi được toại nguyện là “chia tay” với cha mẹ đẻ của mình.
Chuyện con nuôi, con đẻ, con cho… vốn là vấn đề nan giải của thế giới đương đại. Điều cốt lõi là mọi người liên quan phải giải quyết sao cho có lợi nhất với những đứa trẻ vô tội bị biến thành nạn nhân. Đó chính là câu trả lời mang tính thuyết phục nhất.